Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An đều có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cao

Thùy Linh| 07/07/2022 10:22

Sáng 7.7, Bộ Y tế cung cấp thông tin cập nhật tình hình tiêm vaccine COVID-19 tại các tỉnh thành trên cả nước đến hết ngày 6.7.2022.

Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An đều có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cao
Cán bộ y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhóm từ 18 tuổi trở lên

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 46.158.580 mũi tiêm (68,8%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 57.365 người được tiêm:

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp là Hải Phòng (43,1%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,7%); Cà Mau (42,9%); Hậu Giang (35,1%).

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 4.851.371 mũi tiêm (34,0%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 60.628 người được tiêm.

Tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp là Hà Nội (15,8%); Bắc Cạn (3,2%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (14,5%); Đồng Tháp (8,8%).

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao là Quảng Ninh (77,1%); Bà Rịa- Vũng Tàu (83,9%); Cà Mau (79,1%);

Nhóm từ 12-17 tuổi

Theo Bộ Y tế, ở nhóm tuổi này đã ghi nhận 8.653.309 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7%; Tiêm nhắc: 999.345 trẻ (11,4%).

Tỉnh tiêm mũi nhắc lại thấp dưới 5% gồm:

Miền Bắc có 14 tỉnh là Hà Nội; Nam Định; Hà Nam; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang; Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên.

Miền Trung có 2 tỉnh là Quảng Nam; Bình Thuận

Miền Nam có 9 tỉnh là Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.

Kết quả tiêm nhắc tốt: Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47,0%).

Tiêm vaccine là giảm gánh nặng cho xã hội, trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh

Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, 4 hiện nay còn thấp, là do tâm lý e ngại của người dân. Tại buổi tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng việc tiêm vaccine là rất cần thiết để chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình, xã hội.

TS Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng: Tiêm vaccine là một biện pháp được Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên chúng ta cũng mong đợi người dân tình nguyện đi tiêm vaccine để bảo vệ bản thân, gia đình và cả quốc gia.

Chính phủ cung cấp và tiêm chủng cho người dân, người dân cũng cần hiểu đấy là sự tham gia tự nguyện. Những nhóm dân số dễ bị tổn thương càng cần phải tiêm vaccine hơn. Chính phủ cung cấp vaccine và người dân nhận vaccine đó để bảo vệ bản thân và cả quốc gia.

"Chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, trẻ con được đến trường, mở cửa du lịch… thì chúng ta phải sử dụng công cụ để bảo vệ bản thân chúng ta, bảo vệ những người khác, đó là vaccine. Tôi muốn nói rằng tiêm vaccine là trách nhiệm của chúng ta để bảo vệ bản thân, người khác và cộng đồng"- bà nói.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch, nên người dân cần đi tiêm phòng. Tiêm phòng là bảo vệ cho bản thân, bảo vệ cho gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.

"Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm số ca nhập viện, tử vong thì giảm đi được gánh nặng cho xã hội và đặc biệt các cán bộ y tế cảm thấy hạnh phúc khi tất cả người dân đi tiêm. Như vậy, chúng tôi cũng sẽ bớt đi những áp lực trong thời điểm hiện nay.

Mong rằng mỗi người dân thấy trách nhiệm của mình trong việc tiêm ngừa để giúp xã hội bình yên hơn như những ngày qua và hướng đến không chỉ phục hồi mà phát triển kinh tế-xã hội. Giống như về sức khỏe, không chỉ là trạng thái không bệnh tật mà còn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội"- ông Lân nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An đều có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO