Thăng trầm Dòng chảy phương Bắc 2

Quang Đào| 28/11/2021 11:33

Dòng chảy phương Bắc 2 đã và đang thổi bùng lên những lo ngại, xuất phát từ Mỹ và các quốc gia châu Âu như Ba Lan và Ukraine, rằng đường ống dẫn khí đốt trải dài từ Nga tới Đức, có thể tạo cho Moscow quá nhiều lợi thế về địa chính trị lại “lục địa già”.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tiếp tục là tâm điểm của các tranh cãi ở châu Âu. (Nguồn: Reuters)
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tiếp tục là tâm điểm của các tranh cãi ở châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gấp 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá khí đốt lại tác động mạnh lên thị trường điện, vì hơn 1/5 lượng điện của châu Âu là từ khí đốt tự nhiên. Các chính phủ đang đua nhau ban hành trợ cấp và cắt giảm thuế trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng.

Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ bên ngoài khối, do sản xuất trong nước giảm. Theo cơ quan thống kê Eurostat, EU phải nhập khẩu gần 90% lượng khí đốt tự nhiên từ bên ngoài khối vào năm 2019. Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trong khối, chiếm 43,4% lượng nhập khẩu từ bên ngoài EU vào năm 2020, tiếp theo là Na Uy.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 7/10 nói rằng việc Đức phê duyệt Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) có thể giúp giá khí đốt ở châu Âu được kiểm soát trở lại. Công ty sở hữu đường ống này, Gazprom, là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu và đáp ứng khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu lục này.

Đình chỉ đột ngột

Trên giấy tờ, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ mang lại lợi ích cho cả EU lẫn Nga về mặt kinh tế. Tưởng rằng mọi thứ đã sẵn sàng sau khi Gazprom thông báo hoàn thành việc xây dựng đường ống vào ngày 10/9 vừa qua. Thế nhưng, ngày 17/11, Đức đình chỉ quá trình phê duyệt dự án này.

Theo Bloomberg, nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom sẽ cần phải cơ cấu lại hoạt động của Nord Stream 2 để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan giám sát năng lượng Đức BNetzA và luật pháp EU. Cụ thể, luật pháp châu Âu yêu cầu nhà điều hành Nord Stream 2 phải được đăng ký và hoạt động tại EU. Nhà điều hành hiện tại của dự án, Nord Stream 2 AG, có trụ sở tại Thụy Sỹ, không phải là quốc gia thành viên EU, do đó không đáp ứng các tiêu chí này.

Công ty Thụy Sỹ hiện đã đồng ý thành lập một chi nhánh riêng tại Đức. Do đó, BNetzA đã tạm ngừng đánh giá cho đến khi tổ chức mới được thành lập và chứng minh được tổ chức đó đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt 19 lệnh trừng phạt lên các thực thể và tàu thuyền có liên quan đến việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này đã được dỡ bỏ vào tháng 5/2021.

Vì sao Dòng chảy phương Bắc 2 quan trọng?

Nord Stream 2 là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên kéo dài từ các mỏ của Nga đến bờ biển của Đức, trải dài 1.230 km. Đây là một hệ thống đường ống dưới Biển Baltic, có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt so với Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) ban đầu đã vận hành từ năm 2011.

Dự án được ký kết năm 2005, sẽ chuyển khí tự nhiên từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức). Theo trang web chính thức của Nord Stream 2, Gazprom sở hữu dự án này và có 5 công ty đầu tư đến từ các quốc gia như Đức, Hà Lan, Anh, Áo, Pháp, đóng góp vào dự án đường ống trị giá 11,6 tỷ USD.

Tổng công suất hàng năm của Dòng chảy phương Bắc (Dòng chảy phương Bắc 1) là 55 tỷ mét khối. Dòng chảy phương Bắc 2 được cho là sẽ vận chuyển được 110 tỷ mét khối/năm, chạy song song với dự án cũ. Như vậy, dây chuyền này sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức và sau đó là cả châu Âu với chi phí tương đối thấp.

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt trên khắp châu Âu, kéo theo giá xăng và điện cao kỷ lục, các hộ gia đình đang phải chịu áp lực kinh tế vô cùng lớn. Các nhà kinh tế cũng nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu gặp không ít ảnh hưởng. Do đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang chịu áp lực phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần lên tiếng rằng Moscow có thể cung cấp khí đốt cho khối, miễn là họ yêu cầu. Nhưng EU không chắc chắn về những gì phải làm. Việc tăng nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế trong ngắn hạn nhưng vẫn có những câu hỏi hóc búa về việc phải làm trong trung và dài hạn.

Trong khi đó, EU cũng đang nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong những năm tới. Là quốc gia phụ thuộc vào khá nhiều vào khí đốt để phục vụ lĩnh vực sản xuất và bốn ngành công nghiệp chính - ô tô, cơ khí, hóa chất và điện, Đức cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đặt mục tiêu kết thúc sản xuất điện từ than đá vào năm 2038.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Đức ủng hộ mạnh mẽ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Điều này cũng được như thể hiện rõ ràng qua các hành động của Berlin. Bất chấp những tranh cãi xung quanh vụ đầu độc nhân vật đối lập ở Nga Alexei Navalny, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục thúc đẩy xây dựng dự án này.

Khí tự nhiên là một nguồn năng lượng hóa thạch hình thành sâu bên dưới bề mặt Trái đất. Khí tự nhiên chứa nhiều hợp chất khác nhau. Thành phần lớn nhất của khí tự nhiên là metan, một hợp chất có 1 nguyên tử carbon và 4 nguyên tử hydro (CH4). Tuy nhiên, khí tự nhiên thải ra ít carbon hơn so với đốt than.

Những tranh cãi

Sự kết hợp giữa nhu cầu khí đốt ngày càng tăng của Đức, sản lượng khí đốt ở châu Âu giảm trong vài năm qua và khả năng Nga có thế độc quyền năng lượng đối với châu Âu đã tạo ra tranh cãi xung quanh Dòng chảy phương Bắc 2.

Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, các quan chức châu Âu cũng như Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối, bày tỏ lo ngại về việc Moscow sẽ lợi dụng đường ống này để làm “đòn bẩy” địa chiến lược tại khu vực, khiến cho việc đưa dự án vào hoạt động thực tiễn gặp không ít trở ngại. Dự án này sau khi hoàn thành có thể cho phép Nga kiểm soát ở mức độ nhất định nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ mang lại cho Nga một thị trường khí đốt khổng lồ mà còn cho phép nhà lãnh đạo nước này thực hiện ảnh hưởng địa chính trị đối với các đồng minh và đối thủ của mình ở châu Âu. Đây chính xác là những gì các nghị sỹ châu Âu đã cáo buộc, cho rằng Nga có thể dễ dàng cung cấp nhiều khí đốt hơn cho các nước châu Âu để hạ giá khí đốt hiện nay, nhưng Moscow đã quyết định không làm như vậy.

Ngoài ra, các quốc gia khác tại châu Âu cũng có những lý do riêng để phản đối dự án này. Với vai trò là “trung gian”, Ukraine có đòn bẩy địa chính trị đáng kể. Là quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, hàng năm nước này thu được khoảng 2-3 tỷ USD. Trong khi đó, lộ trình của NS2 dọc theo Biển Baltic sẽ không đi qua Ukraine. Điều này khiến Kiev mất khoảng 3% GDP.

Dòng chảy phương Bắc 2: Bài toán chưa có đáp số
Dòng chảy phương Bắc 2 được cho là sẽ vận chuyển được lượng khí đốt 110 tỷ mét khối/năm . (Nguồn: people.com.cn)

Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Nga và Ukraine cũng không mấy tốt đẹp. Theo New York Times, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga có thể khiến Nga, làm suy yếu, cô lập Ukraine, cũng như gây sức ép buộc Kiev phải nhún nhường ở các khu vực xung đột như Crimea hay Donbass.

Dòng chảy phương Bắc 2 cũng sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Ba Lan - quốc gia hiện đang nhập khẩu khí đốt từ đường ống Ukraine-Ba Lan. Ba Lan nói rằng đường ống của Nga là phản cạnh tranh, khiến đường ống Ukraine-Ba Lan trở nên lỗi thời và buộc nước này phải mua khí đốt từ Đức với giá cao hơn.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia và chuyên gia quân sự các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cũng cảnh báo rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là phương tiện của Nga để tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Baltic.

Nhưng quốc gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất phải kể đến Mỹ. Lưỡng đảng ở Mỹ đều bày tỏ lo ngại rằng đường ống sẽ mang lại cho Nga quá nhiều quyền lực đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin những đòn bẩy quan trọng vào một thời điểm bấp bênh tại khu vực.

Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã thất bại trong việc cố gắng “đánh chìm” dự án này. Ông từng tuyên bố Dòng chảy phương Bắc 2 khiến Đức trở thành “kẻ bị giam cầm trước Nga”. Tổng thống Joe Biden cũng chia sẻ những lo ngại rằng châu Âu sẽ trở nên phụ thuộc quá mức vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Ngoài ra, một phần nào đó, Mỹ cũng muốn tiếp tục bán thêm khí đốt cho Đức và châu Âu. Thế nhưng, khí đốt vận chuyển qua đường ống có chi phí thấp hơn so với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các ngành công nghiệp của Đức ưu tiên khí đốt của Nga hơn khí đốt của Mỹ.

Thời gian tới, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi giữa những người ủng hộ và những người phản đối dự án này ở châu Âu. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang tiếp tục hoành hành, cũng như việc sớm hoàn thành những cam kết khí hậu, châu Âu sẽ còn phải mất nhiều thời gian để giải được bài toán hóc búa này.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thăng trầm Dòng chảy phương Bắc 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO