Công nhân xây dựng làm mát khi nắng nóng hoành hành tại thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 16/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà khí hậu học hàng đầu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Gavin Schmidt nhận định tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất của thế giới "trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn" năm qua.
Ông Schmidt đưa ra ý kiến trên tại một cuộc họp báo của NASA ngày 20/7, trong bối cảnh nắng nóng cực đoan khắp nơi trên thế giới, với các mức nhiệt độ kỷ lục ghi nhận trong tháng này, theo các công cụ đo lường của Liên minh châu Âu (EU) và Đại học Maine (Mỹ) thu thập từ dữ liệu vệ tinh và mặt đất.
Ông Schmidt nhấn mạnh "thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có - những đợt nắng nóng hoành hành ở Mỹ, ở châu Âu và ở Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục."
Theo nhà khoa học NASA, hiện tượng khí hậu El Nino chỉ đóng một vai trò nhỏ trong các tác động này, thực tế tình trạng ấm lên đang xảy ra khắp nơi, đặc biệt là ở các đại dương.
Các mức nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận ở mặt nước biển, thậm chí bên ngoài vùng nhiệt đới, trong nhiều tháng nay. Ông cho rằng tình trạng này sẽ còn tái diễn, bởi con người vẫn tiếp tục phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Ông Schmidt nhận định diễn biến thời tiết hiện nay đang làm tăng khả năng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay, và năm 2024 thậm chí có thể nóng hơn khi hiện tượng El Nino mới chỉ đang hình thành và dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm nay.
Những cảnh báo được nhà khí hậu học NASA đưa ra khi thế giới đang phải đối mặt với những đám cháy và những cảnh báo nghiêm trọng về sức khỏe trong tuần qua, bên cạnh những kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ.
Một đợt nắng nóng hoành hàng ở miền Tây nước Mỹ với nhiệt độ ghi nhận tại thung lũng Death Valley ở bang California hôm 16/7 lên tới 128 độ F, tương đương 53 độ C - một trong những mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong 90 năm qua. Nhiệt độ ở thành phố Phoenix của bang Arizona chạm 114 độ F (45,5 độ C) vào ngày 17/7, lập kỷ lục 18 ngày liên tiếp trên 110 độ F.
Thị trấn Sanbao ở Tây Bắc Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục ở nước này là 52,2 độ C. Trong khi đó, cháy rừng đang bùng phát ở châu Âu trước một đợt nắng nóng thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần ở khu vực này, với nhiệt độ dự kiến có thể lên tới 48 độ C. Nhà chức trách ở Italy và Pháp đã ra cảnh báo về sức khoẻ liên quan đến nắng nóng./.