Bà Ika Krishnayanti vẫn nhớ rất rõ những trận cháy rừng chết chóc quét qua Indonesia vào năm 2015. Các đám cháy lớn đó có sức tàn phá khủng khiếp, với những đám khói chết người nhấn chìm khu vực.
Người dân nước này đã phẫn nộ trước hiện tượng El Nino - vốn khiến mùa khô ở nước này kéo dài và làm chệch hướng những cơn mưa theo mùa. Đặc biệt, những tác động của nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
“Năm nay, nếu El Nino xảy đến, Indonesia cần phải chuẩn bị nghiêm túc trước những thiệt hại có thể xảy ra một lần nữa đối với những cánh rừng và người nông dân”, bà Krishnayanti, nhân viên quan hệ quốc tế của Hiệp hội Nông dân Indonesia, chia sẻ.
Trong ba năm qua, một hiện tượng thời tiết trái ngược được gọi là La Nina - thường làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu - đã xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu hiện dự báo sự trở lại của El Nino vào năm 2023, cũng như hiện tượng khô nóng mà nó gây ra.
Không những vậy, giới khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng đợt nắng nóng tháng 4 là một “dấu hiệu cảnh báo” trước cho các đợt sóng nhiệt tàn khốc hơn vào mùa hè này.
Tháng 4 nóng nhất mọi thời đại ở châu Á
Nhiệt độ lên tới mức 50 độ C ở nhiều vùng của Thái Lan vào tháng trước. Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện sau khi tham dự lễ trao giải dưới thời tiết nắng nóng vào giữa tháng 4. Bên cạnh đó, hơn 100 trạm thời tiết tại Trung Quốc vào tháng trước đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang trở nên phổ biến hơn. Giới chuyên gia cảnh báo rằng tần suất và cường độ của các đợt sóng nhiệt sẽ chỉ tăng nhanh do biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Wang Jingyu, thuộc Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, nhận định châu Á vừa trải qua “tháng 4 nóng nhất”. Ông cho rằng sức nóng dữ dội là do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại, cũng như những tác động của nó: Lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.
Hôm 3/5, Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo với độ chắc chắn 80% rằng mô hình khí hậu này sẽ xuất hiện vào tháng 10 năm nay. Khả năng El Nino có thể phát triển ngay tháng 7 là 60%, cơ quan này cho biết thêm.
Một người phụ nữ che nắng trong một ngày nắng gắt ở Yangon (Myanmar) vào tháng trước. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong khi đó, một cậu bé 11 tuổi ở Malaysia đã chết vì say nắng và mất nước vào tháng trước, khi nhiệt độ lên tới 45 độ C ở một số quận. Ít nhất 5 người khác cần được điều trị y tế.
Luang Prabang (Lào) ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 42,7 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ ở Myanmar lên tới khoảng 45 độ C. Ở Bangladesh, South China Morning Post dẫn một số nguồn tin cho biết mặt đường đã tan chảy dưới sức nóng chói chang ở thủ đô Dhaka. Tại Ấn Độ, chính quyền nhiều bang đóng cửa trường học và kêu gọi trẻ em ở trong nhà.
Ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái Đất tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng một đợt sóng nhiệt với cường độ như vậy không thể chỉ do El Nino gây ra.
“Một hiện tượng khác cũng đang xảy ra. Trái Đất đang trở nên ấm hơn, với độ ẩm trong khí quyển cao hơn đáng kể”, ông nói.
Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và việc thay đổi mục đích sử dụng đất, đã gây ra khủng hoảng khí hậu khi giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng tăng vào bầu khí quyển, từ đó khiến hành tinh nóng lên.
Theo ông Horton, nắng nóng kỷ lục đã “làm gián đoạn hoạt động trồng trọt, gây ra tình trạng khó khăn cho xã hội và dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng kỷ lục”.
Nỗi sợ hãi lớn nhất
Theo ông Dileep Mavalankar, Giám đốc Viện Y tế Cộng đồng Ấn Độ, Gandhinagar, nhiều người ở nước này, bao gồm cả các quan chức, vẫn thiếu kiến thức về cách hành động tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ cực cao, trong khi dữ liệu về tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt vẫn còn rất ít.
“Tôi nghĩ cơ quan y tế và cơ quan quản lý thiên tai chưa nghĩ đến những tác động có thể xảy ra đối với người dân nếu nắng nóng trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm nay”, ông nói.
Ngoài ra, những lo ngại về tình trạng thiếu nước trong những tháng tới đã lan rộng khắp khu vực, vì nhiệt độ cao làm tăng khả năng xảy ra thời tiết khô hạn và hạn hán.
Tại Philippines, các cơ quan chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước tiềm tàng do El Nino gây ra để tránh lặp lại kịch bản năm 2019. Vào thời điểm đó, khoảng 10.000 hộ gia đình ở khu vực Metro Manila bị mất nước do mực nước trong các hồ chứa chính của thủ đô chạm mức thấp lịch sử.
Tháng trước, Thái Lan đã phát cảnh báo kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan đã chuẩn bị cho một đợt hạn hán được dự báo cũng sẽ tấn công nhiều bang ở Malaysia, đi kèm với tình trạng khô nóng kéo dài.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo sự quay trở lại của hiện tượng El Nino. Ảnh: Shutterstock. |
Trong khi đó, Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia đã làm việc với cơ quan khí tượng của đất nước để gieo mây ở Penang nhằm bổ sung nguồn cung cấp nước cho các đập khô cạn của hòn đảo.
Dẫu vậy, nhiệt độ cực cao đang được cảm nhận ở nhiều vùng của Indonesia vẫn chưa coi là sóng nhiệt, bà Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng nước này, cho hay. Theo bà, nhiệt độ tối đa hàng ngày đã bắt đầu giảm vào cuối tháng 4.
Hồi tháng 2, chính phủ đã cảnh báo nông dân và các công ty đồn điền đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan liên quan đến hiện tượng El Nino.
“Chúng ta sẽ cần phải chuẩn bị cho cả những điều kiện khắc nghiệt nhất. Tôi yêu cầu tất cả cơ quan liên quan bắt đầu chuẩn bị sớm, thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để kịch bản tồi tệ từ 8 năm trước không lặp lại”, Bộ trưởng Luhut Pandjaitan viết gần đây, đề cập đến vụ cháy rừng năm 2015.
Trong khi đó, bà Krishnayanti cho biết nỗi sợ hãi lớn nhất của bản thân là việc hành động liều lĩnh của một số người vô trách nhiệm có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi người.
“Tác động của El Nino có thể trở nên tồi tệ hơn bởi các công ty vô trách nhiệm hoặc những người đốt nương bất cẩn. Nông dân cần phải sáng suốt để tồn tại trong thời điểm khó khăn này”, bà kết luận.