Thận trọng khi mua thiết bị y tế dịch COVID-19 trên mạng

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp)| 23/07/2021 17:21

Nhiều người dùng đặt mua thiết bị y tế có chất lượng thấp, không thể đo các chỉ số sức khỏe hoặc không có hiệu quả trong việc chữa trị triệu chứng của một số bệnh, khi yêu cầu đổi/trả thì nhà bán hàng không đồng ý.

kinh-doanh-thiet-bi-y-te-gia-dinh-online-von-dieu-kien-kinh-nghiem-bytuong-com(1).jpg
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua thiết bị y tế trực tuyến. Ảnh: BCT

Khó chứng minh pháp lý khi khiếu nại

Bên cạnh những tiện ích mà các sàn/trang web TMĐT uy tín mang lại cho người tiêu dùng, đã xuất hiện một số trường hợp người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua một số sàn/trang web TMĐT chưa đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương.

Cụ thể, người tiêu dùng khiếu nại về việc đặt mua thiết bị y tế có chất lượng thấp, không thể đo các chỉ số sức khỏe hoặc không có hiệu quả trong việc chữa trị triệu chứng của một số bệnh, tuy nhiên khi người tiêu dùng yêu cầu đổi/trả thì nhà bán hàng không đồng ý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, khi người mua hàng gửi khiếu nại đến cơ quan này, các thông tin về phía bán hàng không được thể hiện rõ ràng, không có các tài liệu để chứng minh việc mua bán hay thanh toán đã thành công.

Đa phần các trang web bán hàng không yêu cầu người mua hàng phải đăng ký, đăng nhập tài khoản cá nhân, mà chỉ yêu cầu cung cấp một số thông tin cơ bản như tên và số điện thoại là có thể mua hàng. Người tiêu dùng cũng không nhận được xác nhận đơn hàng qua điện thoại, email.

Trong các vụ việc nêu trên, đa phần người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý khi phản ánh, khiếu nại do không cung cấp được bằng chứng đã mua hàng tại trang web TMĐT bán hàng.

thiet-bi-y-te-covid(1).jpg

Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến

Để hạn chế tình trạng người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua mạng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo mua hàng tại những sàn TMĐT/trang web TMĐT đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương.

Cách xác thực như sau: sàn TMĐT/trang web TMĐT có hình ảnh logo đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương ở cuối màn hình giao diện. Khi bấm vào logo sẽ được chuyển hướng tới trang web Hệ thống Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương (http://online.gov.vn), trong đó thể hiện thông tin của sàn TMĐT/trang web TMĐT đó. Nếu bấm chuột vào logo mà không được dẫn tới trang web trên, doanh nghiệp có dấu hiệu cung cấp thông tin không chính xác cho người tiêu dùng về việc đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương.

Lựa chọn sàn TMĐT/trang web thực hiện đầy đủ các bước cho phép người tiêu dùng đặt hàng, cụ thể như sau: có yêu cầu đăng nhập/đăng ký khi mua hàng (đây là cơ sở để người tiêu dùng xem lại các đơn hàng đã thực hiện); thể hiện thông tin đơn hàng sau khi người tiêu dùng đặt hàng thành công như: mã đơn hàng, thông tin người bán, thông tin người mua, đơn vị vận chuyển, thời gian dự kiến nhận hàng,…; và có gửi tin nhắn/email đến người tiêu dùng thông báo về việc đã đặt hàng thành công.

Khi nhận hàng, người tiêu dùng xem xét kỹ biên lai giao nhận của đơn vị vận chuyển, đặc biệt là phần thông tin người bán. Nếu thông tin người bán trên biên lai không khớp với sàn TMĐT/trang web TMĐT, người tiêu dùng nên từ chối nhận hàng.

Ngoài ra cần tìm hiểu, tham khảo kỹ từ bạn bè, người thân, mạng internet về sàn TMĐT/trang web TMĐT và tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, hóa dịch vụ trước khi thực hiện giao dịch.

Kit test nhanh COVID-19: nên hay không nên mua?

grab70ff6v.jpg

Trên thực tế, theo quy định hiện hành thì bộ test nhanh được quy định là trang thiết bị y tế. Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định các bộ test này có độ chính xác khá thấp. Vì vậy, việc tự mua và sử dụng không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe mà kết quả âm tính giả (nếu có) sẽ khiến người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xin lưu ý một số điểm như sau:

Một là, kết quả test nhanh chỉ có giá trị tham khảo. Thực tế, test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho chẳng hạn), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người sau khi nhiễm (nếu có) từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.

Hai là, chỉ xét nghiệm khi cần thiết. Người tiêu dùng chỉ nên đi xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có tiếp xúc với những người có nguy cơ. Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của người tiêu dùng, gia tăng nguy cơ cho cộng đồng (do gia tăng việc tiếp xúc) cũng như tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Ba là, khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, người tiêu dùng nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện xét nghiệm (nếu cần thiết).

Bốn là, thực hiện tốt 5K và các hướng dẫn phòng dịch của các cơ quan quản lý nhà nước, không vì việc đã được tiêm phòng vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.

Theo Tự sản xuất
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng khi mua thiết bị y tế dịch COVID-19 trên mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO