Chữa nhiều ngày vẫn chưa hết
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết chị N.T. (ngụ quận 6, TP.HCM) đã 5 ngày qua, vết bỏng rộp tại nhiều vị trí trên cơ thể như trán, tay, bụng, mí mắt... vẫn không thuyên giảm
Đêm đó chị T. thấy kiến ba khoang bò lên tóc nên lấy tay phủi. Đến buổi trưa hôm sau, chỗ đó sưng đỏ lên, rồi nổi mụn mủ li ti nhưng không biết do kiến ba khoang. Những ngày sau, vết thương bắt đầu nặng, lan ra rộng hơn thì mới biết nguyên nhân là do chúng.
Vì bị kiến ba khoang "đốt" trong thời gian giãn cách xã hội nên chị T. không đến bệnh viện khám được. Chị T. đã ra tiệm thuốc gần nhà mua một tuýp kem về bôi nhưng đến nay vết thương không khô mà còn lan rộng thêm.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Lúc bấy giờ, TP.HCM đang trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người bệnh không thể ra đường đi khám nên tự ý dùng thuốc bôi không đúng hay chẩn đoán nhầm thành bệnh zona thần kinh.
Độc tố kiến ba khoang rất mạnh
Theo ThS BS. Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Nếu người tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang qua tuần hoàn không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Nhưng may thay loài côn trùng này không cắn hoặc chích mà chỉ vô tình người bị tiếp xúc hay cọ vào chúng.
Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết, chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh.
Paederin gây phồng rộp rất mạnh và gây ra phản ứng viêm da khoảng 12 - 24 giờ sau khi tiếp xúc. Các phản ứng khác nhau được nhìn thấy trên da tùy thuộc vào hàm lượng độc tố, thời gian tiếp xúc và đặc điểm da của từng người.
Vị trí tổn thương ban đầu thường gặp hơn ở những vùng da hở. Trường hợp tiếp xúc nhẹ, có thể xuất hiện một ban đỏ nhỏ trong một vài ngày. Ban đỏ có hình thù tùy thuộc theo hình dạng mà da bị tiếp xúc độc chất, có thể hình đám, hạt, mảng, vệt…
Với các trường hợp tiếp xúc vừa, ban đỏ tiến triển thành mụn nước, mụn mủ hoặc bọng nước trong vài ngày. Kế đến là giai đoạn vảy bong tróc, để lại các “vệt” da đỏ, tăng hoặc giảm sắc tố. Sau đó, các vết tích này biến mất dần và thường không để sẹo.
Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, ngoài việc xuất hiện các mảng phồng rộp rộng hơn, có thể có thêm các triệu chứng như sốt, đau rát thần kinh, đau khớp và nôn…
Bên cạnh đó, nếu hành động tự tiếp xúc thứ phát vô tình chuyển paederin sang các khu vực da khác của cơ thể, chẳng hạn như bộ phận sinh dục ngoài hoặc mặt có thể tạo những mảng viêm da mới, và ảnh hưởng đáng kể chất lượng cuộc sống.
Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang thường diễn ra vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Loài kiến này thường hay xuất hiện vào buổi sáng. Dấu hiệu ban đầu là ngứa, rát bỏng, có khi đau.
Có thể phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với các dạng viêm da tiếp xúc do hoá chất, viêm da tiếp xúc dị ứng, zona (giời leo), mụn rộp (nhiễm Herpes)… dựa vào việc thương tổn da xuất hiện nhanh sau cảm giác nóng rát, châm chích ở vùng da đó, có hình dạng “tùy tiện”, trên bất kỳ vùng da nào bị tiếp xúc.
Cách phòng tránh, điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Thông thường, tình trạng viêm da ở các trường hợp nhẹ có thể tự khỏi. Tuy nhiên cần loại bỏ chất gây kích ứng bằng cách rửa nhẹ nhàng khu vực ảnh hưởng bằng xà phòng và nước. Vị trí phồng rộp nên được điều trị bằng cách ngâm nước sạch, sau đó là bôi một loại thuốc kháng viêm mạnh.
Uống ciprofloxacin và bôi steroid giúp thương tổn lành nhanh hơn trong trường hợp viêm da tiếp xúc kiến ba khoang mang vi khuẩn Pseudomonas. Điều trị toàn thân có thể dùng kháng histamin uống để giảm triệu chứng ngứa rát. Có thể dùng thuốc giảm đau, an thần và kháng sinh chống nhiễm trùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da Liễu.
Nên phòng bệnh bằng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, tránh đập nát chúng mà dùng giấy gói lại rồi vứt đi. Vùng tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa đi bằng xà phòng êm dịu da và nước. Quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến cần được giặt thật kỹ.
Tránh thu hút kiến bằng đèn sáng, nên đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm. Tốt nhất là tắt đèn, vừa tiết kiệm điện lại tránh xa kiến.
Khi bị bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng hướng và kịp thời.