Thần đạo đã từng đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Phù Tang

First News| 25/08/2022 16:00

Cũng như mọi tôn giáo lớn, Thần đạo chia làm hai phần: Công truyền và Bí truyền. Phần Công truyền được tổ chức chặt chẽ qua kinh điển, sách vở, nghi thức, đền thờ và giáo sĩ. Phần Bí truyền không có tổ chức, không có sách vở, không có giáo sĩ, mà chỉ dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết của một thiểu số. Đây là những phương pháp khẩu truyền bí mật được truyền riêng giữa thầy và trò.

Cô đồng vì thế cũng được chia làm hai loại:

Các cô đồng thuộc nhóm Công truyền hay đồng đền (Shrine Miko) là những phụ nữ được huấn luyện để phụ tá cho các giáo sĩ trong các nghi thức cúng tế. Trong đền thờ Thần đạo, các cô đồng đền này phụ trách việc múa hát (kagura), dâng lễ vật, bày biện trang hoàng bàn thờ thần linh v.v... Số người hành nghề này khá đông vì công việc không đòi hỏi gì nhiều. (Trong Thần đạo, giáo sĩ và cô đồng được xem là một nghề nghiệp có lương.) Các cô đồng đền này được huấn luyện trong các khóa đào tạo, và khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ hành nghề.

8.9.gif

Trong khi đó, các cô đồng thuộc nhóm Bí truyền (Shamanie Miko) được huấn luyện trong vòng bí mật, bởi các vị thầy của Thần đạo, để trở thành một khí cụ trung gian giữa thần linh và con người. Những cô đồng này sẽ tuân theo những nghi thức riêng để bước vào một trạng thái mê hoặc xuất thần, lúc đó chư thần sẽ nhập vào họ, sử dụng xác thân của họ để tiếp xúc với thế giới loài người. Qua miệng của cô đồng, chư thần cho mọi người biết trước những điều hung cát, tiên đoán mùa màng, thời tiết, vận mệnh làng xã hay quốc gia, hoặc trả lời những câu hỏi có tính chất cá nhân của mọi người… Ngoài ra, những cô đồng này còn có thể yêu cầu các vong linh nhập vào họ để tiếp xúc với họ hàng thân quyến hoặc thực hành các nghi thức trừ tà, chữa bệnh v.v...

Từ xưa, Thần đạo đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Phù Tang, trước khi ảnh hưởng của Trung Hoa du nhập vào đây. Vào thời cổ sử, những người lãnh đạo các bộ tộc, các vị lãnh chúa đều có những cố vấn riêng là những cô đồng có khả năng giao thiệp với Thái Dương Thần Nữ (Amaterasu Omi Kami). Tại sao những người này thuộc phái nữ mà không thuộc phái nam? Người Nhật tin rằng Đấng Sáng Tạo hay Thái Dương Thần Nữ thuộc phái nữ, và chỉ người nữ mới có thể tiếp xúc được với người nữ một cách tương đắc mà thôi; người nam thường thô lỗ, dễ làm mất lòng Thần Nữ.

25.8_vietbao.jpg

Do đó, trong Thần đạo, tu sĩ thường là phái nam nhưng một người đồng luôn luôn phải thuộc phái nữ. Trong hai cuốn cổ thư của Thần đạo, Kojiki và Nihon Shoki, có ghi rõ việc hoàng đế xứ Chuai lập đàn cầu khẩn chư thần để hỏi ý về việc ông muốn xuất quân đi đánh xứ Kumaso, nằm ở phía Đông xứ Chuai. Chư thần, qua miệng cô đồng, cho biết ông phải tiến quân về phía Tây thì mới gặt hái được kết quả tốt đẹp. Hoàng đế xứ Chuai nổi giận chỉ trích cô đồng nói láo vì phía Tây là biển cả, đâu có xứ nào để chinh phục. Ông ra lệnh chém đầu cô đồng rồi đi về phía Đông, đánh xứ Kumaso. Vì hỗn láo, miệt thị chư thần, nên vừa mặc giáp trụ để cầm quân thì tự nhiên hoàng đế hộc máu ra chết. Các tướng lĩnh thấy vua bị chư thần vật chết, vội lập vua khác rồi ra lệnh cho quân sĩ đóng thuyền bè để đi về hướng Tây mặc dù lúc đó không ai biết hướng này có gì. Vượt biển được hai ngày, họ đặt chân lên một mảnh đất trù phú đúng như lời mách bảo của chư thần, họ chinh phục xứ này, đặt ách thống trị trong nhiều thế kỷ. Mảnh đất này chính là xứ Triều Tiên ngày nay.

Cuộc chinh phục Triều Tiên đã đưa địa vị cô đồng lên một mức rất cao và sau đó hầu hết các quyết định quan trọng đều dựa trên lời mách bảo của chư thần qua miệng những cô đồng. Lịch sử Nhật Bản đã chép rõ vai trò của các cô đồng này có khi vượt hẳn quyền hạn của các tướng lĩnh, hay có khi cả hoàng đế nữa.

8.gif

Đến triều đại Taika, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa du nhập Nhật Bản mỗi ngày một mạnh; các quan văn, chịu ảnh hưởng Khổng giáo, không chấp nhận phái nữ (các cô đồng) xen vào quyền bính. Họ đòi cải tổ triều chính, rập khuôn theo tổ chức hành chính của nhà Đường bên Tàu. Họ chủ trương hoàng đế (thiên tử) chính là một vị thần (Kami) rồi, mà đã là thần thì không cần phải hỏi ý kiến một vị thần linh nào hết. Họ dẹp bỏ các nghi thức cầu đảo trong triều đình, đưa Thần đạo xuống hàng tín ngưỡng bình dân, các cô đồng bị giới hạn tầm hoạt động, chỉ được thực hành các nghi thức cúng lễ trong đền thờ mà thôi.

Từ đó khởi đầu cho vai trò của các cô đồng đền, chỉ biết múa hát, dâng lễ vật, thực hành nghi thức cúng tế chứ không có quyền năng. Dĩ nhiên, vẫn có một số người cất giấu những phương pháp huấn luyện các cô đồng thời cổ, qua các phương pháp khẩu truyền nên truyền thống này vẫn được giữ gìn một cách giới hạn.

Trích sách Hoa trôi trên sóng nước l Nguyên Phong

---

Mua sách tại đây:
Hoa trôi trên sóng nước: https://bit.ly/hoatroitrensong...
Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong: https://bit.ly/tronboNguyenPhong15cuontiki

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thần đạo đã từng đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Phù Tang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO