Công khai buôn bán
Huyện Đức Cơ mùa này hanh khô, nóng rát. Đô thị của huyện này mới phát triển vài năm đổ lại đây. Một phần vì hàng hóa Campuchia nhập về đa dạng như nông sản, tạp hóa, quần áo… khá rẻ, việc mua bán sôi động hơn trước. Nhà hàng, quán nhậu theo đó mọc lên khá nhiều.
Thịt heo rừng trữ đông được chặt khúc ra bán cho khách |
Quá trưa, chúng tôi tấp vào một quán ăn ở trung tâm thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ, chủ quán nói: “Muốn mua thịt rừng phải lên ngã ba Sông Le (ở xã Ia Dom) hỏi tiếp, ở đó người ta chỉ cho”.
Ông T. (54 tuổi), người bán nước ở ngã ba Sông Le, giới thiệu cho chúng tôi một người tên H. chuyên cung cấp thịt thú rừng. “Số điện thoại của H. đây, nó bán đủ loại heo rừng, nai rừng, chồn, cheo, kỳ đà… Anh gọi đi. Tôi quê Phú Yên lên đây lập nghiệp, mỗi lần Tết, thường hay đặt thịt rừng của nó mang về quê”, ông T. nói. Tôi gọi, H. bốc máy: “Giờ này hàng rừng không có, lâu lâu mới có một con heo rừng, nai rừng từ bên Campuchia về, người quen mua hết”. Người này nói rằng, hàng thú rừng giờ hơi ít; hàng từ Campuchia về, mấy mối ở ngay cạnh cửa khẩu mua hết (còn H. từ xã Ia Dom chạy lên hay bị hết hàng).
Thịt được cho là heo rừng bày bán giữa trung tâm thành phố Pleiku |
“Thịt rừng về Đức Cơ được con buôn đưa đi khắp nơi như Bình Định, Đắk Lắk…Tụi con buôn ở đó rất mạnh, họ chờ hàng miết vì quen đường. Còn H. từ nhà chạy lên cửa khẩu hơn 20km, đến nơi thường hết hàng”, H. nói và dặn, khi có hàng sẽ báo cho chúng tôi. Nghe vậy, ông T. cười: “Số lạ gọi hỏi mua nên người ta cảnh giác”.
Chúng tôi lên cửa khẩu, hai bên đường rừng cao su đang thay lá, nắng khô khốc. Dọc đường lưa thưa quán xá. Ngay cạnh cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, quán ăn có tên H.R đóng cửa im lìm. Bên trong cửa khẩu - nơi bán hàng miễn thuế - chỉ thấy mỗi rượu ngoại, thuốc lá, vài cái khăn choàng của người Campuchia làm hàng kỷ niệm. Cửa khẩu vắng hoe. Thi thoảng xuất hiện 1-2 xe 16 chỗ, cũ nát, cọc cạch chở thuốc lá, mì tôm, bia Campuchia về bỏ mối cho các quầy tạp hóa tại cửa khẩu.
Khu vực giáp cửa khẩu, nơi có nhiều hộ bán thịt thú rừng |
Chúng tôi tấp vào một quầy tạp hóa chuyên bán hàng Campuchia có tên M.D ngay cạnh cửa khẩu. Trước cửa hàng này, tủ kính trưng đầy vòng tay, nhẫn ngà voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu, nanh heo rừng… mà ông chủ nói là hàng Campuchia đưa về. “Hàng xịn 100%, không thật không lấy tiền”, chủ cửa hàng quả quyết.
Nghe chúng tôi hỏi mua thịt thú rừng, ông chủ cửa hàng này không ngần ngại bốc máy, gọi vào số của một người phụ nữ tên T. nói to: “Có thịt heo rừng, nai, hoẵng… không, khách muốn mua”, rồi trao máy cho tôi. Đầu dây bên kia bảo: “Cứ đến xem hàng, thấy ngon, tươi thì mua, không mua cũng không sao”. Người tên T. rào trước: “Giờ này (15h) thì có heo rừng thôi, thịt nai hơn 18h mới có hàng”. Gặp chúng tôi, T. nói, thịt nai rừng giá 250.000 đồng/kg. T. nói phải qua Campuchia lấy hàng rừng do người Campuchia bán. Người Campuchia nói hàng rừng thì chị tin đó hàng rừng và đem về bán cho người Việt. T. bảo, tối nay sẽ nhập về 10kg thịt nai, nếu đặt hàng, sẽ gửi xe đò về thành phố Pleiku. Nhận hàng, cứ gửi tiền cho tài xế là xong.
Trao đổi về việc cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu để hàng thú rừng đi qua cửa khẩu, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, biên giới do nhiều đơn vị quản lý. “Biên phòng quản lý người ra vào, Hải quan quản lý hàng hóa, thông quan và có cả chính quyền. Trách nhiệm quản lý động vật rừng là của kiểm lâm nữa, nhưng ở cửa khẩu này kiểm lâm lại không có… Nếu có việc thịt thú rừng đi qua cửa khẩu, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay”, ông nói.
Thật giả lẫn lộn
Theo chỉ dẫn của chủ cửa hàng M.D, chúng tôi đến một quán ăn cách đó khoảng 1km. Quán này lụp xụp, chuyên bán cho cánh tài xế xe tải chở hàng từ Campuchia về. Bà chủ (khoảng 35 tuổi) đon đả: “Heo rừng thì tôi có đây”. Tiếp đó, người này chạy vào trong nhà mở tủ lạnh, lấy ra bịch thịt bọc trong ni-lông, nói heo rừng Campuchia về. “Heo này tôi lấy từ Campuchia giá 250.000 đồng/kg, giờ bán lại 280.000 đồng/kg”, bà chủ nói rồi không ngần ngại hỏi luôn: “Anh lấy bao nhiêu ký (kg), tôi cân cho”. Tôi nói lấy 2 ký. Vì thịt trữ đông lâu ngày, chị này phải nhờ một tài xế, tay cầm dao, tay cầm khúc gỗ đập mạnh vào con dao để chặt khúc thịt cứng như đá. Sợ khách nghi là heo rừng nuôi, bà chủ liến thoắng: “Chỉ có heo rừng thật da mới dày và lông dài ngoằng như này. Heo ở đây người ta bẫy, bắn ở Campuchia đưa về đó”. Tôi hỏi, muốn mua thêm thịt nai rừng, người này nói: “Nai rừng không có, chỉ có thịt nai nuôi ở Campuchia nhập về, giá 180.000 đồng/kg”.
Chúng tôi quay về thị trấn Chư Ty, vào một quán nhậu trưng biển “Đặc sản núi rừng” có tên 3.M. Quán quảng cáo là thịt rừng nhưng các món lại là cá, gà, bò… Cô tiếp viên tên M. phân trần: “Quán em chỉ có thịt heo rừng thôi. Hàng rừng bây giờ hiếm lắm. Mối quen, người ta đặt hàng ăn Tết từ sớm”. Cô khuyên: “Lên cửa khẩu mua thịt thú rừng cho rẻ. Mắc mớ chi vô quán nhậu mua cho đắt”.
Đặt được hàng thịt rừng, chúng tôi về Pleiku. Ngay giữa trung tâm thành phố, tại ngã ba đường Vạn Kiếp - Phạm Văn Đồng, thịt heo rừng được kê trên chiếc bàn nhỏ, bày bán công khai trên vỉa hè, đông đúc người qua lại. Nhiều khách hàng dừng xe, ngó nghiêng, nghi ngờ là heo rừng nuôi, người phụ nữ bán hàng luôn miệng nói: “Heo rừng được bẫy từ Campuchia đưa về. Thịt đùi 350.000 đồng/kg, thịt thân 300.000 đồng/kg”. Hỏi lỡ công an, kiểm lâm kiểm tra thu thì sao, người phụ nữ nói: “Tôi đánh liều bán ở đây. Hên (đỏ) thì lời được ít đồng, xui (đen) bị rượt chạy”.
Trách nhiệm của ai?
Ông Lê Hồng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai (thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), khẳng định, phạm vi biên giới thuộc sự quản lý của Hải quan và Biên phòng. “Nếu hàng rừng bị bắt tại cửa khẩu thì lúc đó mới gọi là heo rừng Campuchia. Còn bị bắt ở nội địa thì rất khó phân biệt đâu là heo rừng Campuchia hoặc heo rừng nuôi”, ông Hà nói. |
“Việc tăng cường tuyên truyền thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại thực vật, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm” được Tỉnh ủy Gia Lai ra công văn số 585 (tháng 7/2021) chỉ đạo. Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ buôn bán, tiêu thụ, xâm hại động vật hoang dã. Trong đó, đề nghị Công an tỉnh triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức trong việc mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh các loài động vật hoang dã; Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia để xử lý các trường hợp buôn bán động vật hoang dã.
Về việc hàng động vật hoang dã có dấu hiệu bày bán ở cửa quốc tế khẩu Lệ Thanh, đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, cho biết: “Hàng thịt rừng từ Campuchia về chỉ có đi đường lén lút, bởi đường chính ngạch không được cơ quan chức năng cấp phép”. Theo ông Hải, mùa này, Campuchia đang thu hoạch mỳ (sắn), heo rừng thường ra đào ăn củ mỳ, bị người nước này đánh bắt. “Nhưng vận chuyển về Việt Nam không được, bởi không một cơ quan nào dám cấp phép nhập khẩu (hàng động vật hoang dã - PV) đâu. Nếu có thông tin thú rừng về cửa khẩu chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý ngay”, đại tá Hải nói.