Sầu riêng là một trong số những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng và sinh lời nhất của Thái Lan. Tuy nhiên, một đợt nắng nóng tàn khốc tại Đông Nam Á đã khiến sản lượng sầu riêng giảm và chi phí tăng vọt.
Điều này khiến người trồng và người bán sầu riêng ngày càng hoảng sợ. “Năm nay là năm khủng hoảng”, một nông dân trồng sầu riêng có tên Busaba Nakpipat đã thẳng thắn chia sẻ với AFP.
Người phụ nữ 54 tuổi đã tiếp quản trang trại của cha mẹ bà ở tỉnh Chanthaburi phía Đông, cũng là trung tâm sầu riêng của Thái Lan, cách đây ba thập kỷ. “Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục tăng trong thời gian tới thì người nông dân sẽ không thể sản xuất sầu riêng nữa”, bà nói.
Mùa thu hoạch sầu riêng thường kéo dài từ tháng Ba đến tháng Sáu hàng năm, nhưng tình trạng nhiệt độ tăng vọt - mà ở tỉnh Chanthaburi thường dao động quanh mức 40 độ C trong nhiều tuần - và hạn hán sau đó đã khiến vụ thu hoạch bị rút ngắn.
Bà Busaba cho biết tình trạng nắng nóng khiến sầu riêng chín nhanh hơn nên không thể phát triển hết kích cỡ để mang lại giá trị cao nhất. “Chất lượng sầu riêng sẽ không đạt tiêu chuẩn”, bà nói. Và trong khi thu nhập giảm, chi phí hoạt động của bà Busaba lại tăng lên.
Kể từ tháng Ba, nước giếng gần như cạn kiệt, vì vậy bà Busaba buộc phải vận chuyển hàng nghìn lít nước bằng xe tải. Bà nói: “Chúng tôi phải mua 10 xe tải chở 120.000 lít nước để tưới một lần cho toàn bộ trang trại với diện tích 10 rai (tương đương 1,6 ha) trang trại”. Việc lặp lại quy trình này mỗi ngày sẽ mất chi phí lên tới hàng ngàn USD.
Sầu riêng là sản phẩm nông nghiệp có giá trị lớn thứ ba của Thái Lan - sau gạo và cao su. Bà Siriwan Roopkaew, người quản lý một gian hàng nám sầu riêng, cho biết việc thiếu nước đã ảnh hưởng đến kích cỡ của trái cây, nhưng hiện tại, giá vẫn cao do nhu cầu từ Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, khoảng 95% xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan là sang Trung Quốc. Năm 2023, Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng gần 4,6 tỷ USD sang Trung Quốc.