Thái Lan - Ả rập Xê út hóa giải căng thẳng sau vụ trộm kim cương xanh bí ẩn

Thanh Thành| 29/01/2022 20:47

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cuối cùng đã có chuyến thăm đến Ả rập Xê út, chấm dứt quan hệ căng thẳng suốt nhiều năm vì vụ trộm viên kim cương xanh quý hiếm đầy bí ẩn và đẫm máu năm 1989.

Thái Lan - Ả rập Xê út hóa giải căng thẳng sau vụ trộm kim cương xanh bí ẩn - 1

Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman (phải) tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại cung điện hoàng gia ở Riyadh hôm 25/1 (Ảnh: AP).

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đến Ả rập Xê út hôm 25/1và tham dự cuộc họp cấp cao với Thái tử nước chủ nhà Mohammed bin Salman, báo hiệu giai đoạn "tan băng" trong quan hệ lạnh nhạt kéo dài hơn 30 năm qua.

Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng vì một vụ trộm viên kim cương xanh quý hiếm năm 1989, vốn dẫn đến một cuộc tranh cãi ngoại giao và chuỗi vụ giết người bí ẩn.

Cả hai sau đó đã ra tuyên bố chung "tái thiết lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao", cùng quyết định bổ nhiệm lại đại sứ ở hai nước. Hãng hàng không Saudi Airlines cũng thông báo sẽ nối lại các chuyến bay tới Thái Lan vào tháng 5.

"Đây là bước tiến lịch sử và là kết quả của những nỗ lực lâu dài ở các cấp khác nhau, nhằm khôi phục lại lòng tin và quan hệ hữu nghị đôi bên", tuyên bố chung nêu rõ.

Vụ trộm kim cương bí ẩn

Năm 1989, quan hệ Thái Lan với Ả rập Xê út rạn nứt nghiêm trọng sau khi một công dân Thái Lan lấy trộm viên kim cương xanh 50 carat vô giá và hàng loạt đồ vật có giá trị khác của Hoàng tử Arab Saudi Faisal, con trai cả của cố vương Fahd. Tổng giá trị bị đánh cắp vào khoảng 20 triệu USD.

Thái Lan - Ả rập Xê út hóa giải căng thẳng sau vụ trộm kim cương xanh bí ẩn - 2

Một số trang sức thu hồi từ vụ trộm từng được trưng bày (Ảnh: Khaosod).

Kẻ lấy trộm viên kim cương là Kriangkrai Techamong, công dân Thái Lan chuyên quét dọn tại cung điện của Hoàng tử Saudi Faisal.

Theo lời khai, nhờ công việc quét dọn, Kriangkrai nắm rõ mọi ngóc ngách trong cung điện và biết rằng ba trong số 4 két chứa đồ trang sức của Hoàng tử Faisal thường xuyên không khóa.

Lợi dụng khi Hoàng tử Faisal và vợ đi nghỉ dưỡng 3 tháng, người đàn ông này đã lẻn vào phòng của hoàng tử ở cung điện để đánh cắp trang sức, trong đó viên kim cương xanh cực hiếm, được cho là thuộc hàng lớn nhất thế giới ở thời điểm đó.

Nghi phạm sau đó đem giấu đồ trang sức và đá quý trong máy hút bụi vì cung điện không có thiết bị chuyên dụng kiểm tra. Hơn một tháng sau, người đàn ông này gửi chúng về Thái Lan trên một chuyến hàng lớn và cũng tìm cách trở về quê hương, trước khi vụ trộm bị phát hiện.

Trước sức ép từ phía Ả rập Xê út, cảnh sát Thái Lan mở cuộc điều tra, bắt giữ Kriangkrai và thu hồi những đồ trang sức bị mất cắp. Ban đầu Kriangkrai bị tuyên án 5 năm tù, nhưng được giảm xuống còn 2 năm 7 tháng vì đã nhận tội.

Tuy nhiên, mọi việc không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi được Thái Lan trao trả lại số đồ bị mất cắp, Ả rập Xê út phát hiện một nửa trong số này là đồ giả và còn thiếu viên kim cương xanh 50 carat. Nhiều tin đồn và hình ảnh lan truyền cho thấy vợ của một quan chức cấp cao Thái Lan đeo chiếc vòng cổ rất giống một trong những món đồ mất tích.

Cảnh sát Thái Lan cáo buộc một người tên là Santi Srithanakhan vì làm giả đá quý, nhưng người này bác bỏ. Truyền thông Thái Lan khi đó nghi ngờ hành động của cảnh sát.

Mọi chuyện càng trở nên nghiêm trọng hơn khi trong quá trình nỗ lực truy tìm tung tích số trang sức biến mất, đặc biệt là viên kim cương xanh đã xảy ra những sự cố đẫm máu.

Theo trang tin Diplomat, 3 nhà ngoại Ả rập Xê út, trong quá trình tìm cách trả lại những đồ vật có giá trị này đã bị bắn chết ở Bangkok. Trong đó, hai quan chức phụ trách visa thiệt mạng trên đường đến cơ quan do bị các tay súng tấn công, trong khi một tay súng khác xông vào căn hộ của đồng nghiệp hai nạn nhân và bắn chết người này.

Một doanh nhân ở Ả rập Xê út tại Bangkok được cho là đang săn tìm những món đồ trang sức bị mất tích cũng biến mất bí ẩn biến mất vào tháng 2/1990, và được cho là đã bị giết. Cả 3 vụ án này đến nay chưa có lời giải.

Sự cố này khiến Ả rập Xê út nổi cơn thịnh nộ và hạ cấp quan hệ ngoại giao với Thái Lan, ngừng cấp và gia hạn thị thực cho hàng trăm nghìn lao động Thái Lan, đình chỉ giấy phép cho hàng nghìn người Hồi giáo Thái Lan đồng thời cảnh báo công dân nước này không nên đến quốc gia Đông Nam Á này.

Năm 1994, Trung tướng Chalor và các đồng phạm đã bắt cóc, sát hại vợ và con trai của Santi. Chalor bị kết án tử hình năm 2009 nhưng được giảm án, chỉ phải ngồi tù 19 năm. Cuộc điều tra sau đó đi vào ngõ cụt và các vụ chết người vẫn là bí ẩn cho đến nay. Cũng không rõ số phận của viên kim cương xanh cho tới nay.

Trong hơn 30 năm qua, Thái Lan, vốn bị mất hàng tỷ USD về doanh thu du lịch và kiều hối của người lao động từ Ả rập Xê út, đã muốn hàn gắn mối quan hệ với quốc gia giàu dầu mỏ này.

Đến nay, Ả rập Xê út, trong nỗ lực hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ, đang cố gắng thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài, giờ đây mới mở lòng trở lại.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan - Ả rập Xê út hóa giải căng thẳng sau vụ trộm kim cương xanh bí ẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO