Thách thức giăng lối Olympic mùa Đông 2022 tại Trung Quốc

Phan Quân| 24/11/2021 15:22

Olympic mùa Đông 2022 tại Trung Quốc đang đối mặt với thách thức đáng kể từ sự lây lan của đại dịch Covid-19 và áp lực chính trị từ các nước phương Tây.

Theo dự kiến, Olympic mùa Đông năm 2022 tại Trung Quốc sẽ khai mạc ngày 4/2/2022 tại Bắc Kinh, với sự tham dự của 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện được người dân nước này hết sức mong chờ.

Tuy nhiên, ước muốn đó là không hề đơn giản, trong bối cảnh Olympic mùa Đông năm 2022 đang phải đối mặt với hai thách thức lớn.

(11.24) Đại dịch Covid-19 và áp lực chính trị từ phương Tây đang trở thành thành thức với kỳ Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)
Đại dịch Covid-19 và áp lực chính trị từ phương Tây đang là thách thức với kỳ Olympic mùa Đông 2022 tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Mùa đông thách thức

Trước hết, đó là diễn biến khó lường của dịch Covid-19 hiện nay tại Trung Quốc.

Tháng 11 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm nhiều và kéo dài nhất kể từ khi biến chủng Delta bắt đầu được phát hiện tại quốc gia này hồi tháng 5 vừa qua. Đại dịch đã lan ra 19/31 tỉnh thành, với số ca nhiễm đạt mức 700 ca/tuần đầu tháng.

Song nhờ các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, từ khẩn trương khoanh vùng dập dịch tới quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho toàn dân, Trung Quốc đạt thành công đáng kể. Theo Nhân dân Nhật báo, ngày 23/11, nước này chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng và 14 ca nhập cảnh. Hiện Trung Quốc được coi là quốc gia duy nhất trên thế giới còn theo đuổi chiến lược “Zero Covid-19”.

Tuy nhiên, liệu đại dịch Covid-19 có bùng phát trở lại trong mùa Đông hay không vẫn còn là điều khó nói. Biến chủng Delta đã xuyên thủng lá chắn phòng chống dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh, bao gồm quy định cách ly kéo dài vài tuần hay đóng cửa biên giới mùa Thu, mùa Hè vừa qua. Thực trạng này sẽ đặt ra thách thức mới cho Trung Quốc vào mùa Đông, vốn hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho SARS-CoV-2 phát triển như nhiệt độ thấp, hoạt động đi lại và tụ họp trong không gian kín gia tăng.

Bắc Kinh nhận thức rõ những khó khăn này. Ông Wu Liangyou, quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), cho rằng dịch vẫn đang bùng phát tại láng giềng Trung Quốc và khắp thế giới, đặt ra thách thức lớn trong mùa Đông năm nay và mùa Xuân năm tới, thời điểm chuẩn bị và diễn ra Olympic mùa Đông 2022.

Ngoài ra, đảm bảo quy trình phòng chống dịch trước lượng lớn vận động viên nước ngoài tham dự sẽ không đơn giản với Bắc Kinh, dù nước này có thể ít nhiều tham khảo kinh nghiệm láng giềng Nhật Bản về tổ chức một kỳ Olympic thời Covid-19.

Áp lực chính trị

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 không phải là thách thức duy nhất đe dọa sự thành công của Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

Sự kiện này đang đối mặt với áp lực chính trị lớn từ phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Theo đó, Washington Post ngày 17/11 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến ‘tẩy chay về mặt ngoại giao" Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh vì các cáo buộc liên quan đến tình hình người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương (Trung Quốc). Anh và Canada cũng đang cân nhắc giải pháp tương tự.

Nếu đề xuất này được thông qua, ba quốc gia trên sẽ không cử quan chức dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, dù vận động viên của họ vẫn tranh tài như thường lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc các phương án và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi tẩy chay toàn diện Olympic mùa Đông 2022, khả năng về một kỳ Olympic vắng bóng vận động viên Mỹ vẫn đang bỏ ngỏ.

Câu chuyện này càng nóng sau vụ lùm xùm về sự “biến mất” của vận động viên tennis nổi tiếng Trung Quốc Bành Súy, ít lâu sau khi người này cáo buộc một cựu quan chức cao cấp Bắc Kinh tấn công tình dục. Bằng chứng được Trung Quốc cung cấp như video, hình ảnh để chứng minh tay vợt này vẫn đang khỏe mạnh, thậm chí trò chuyện với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chưa thể thuyết phục được truyền thông quốc tế.

(11.24) Vụ việc về vận động viên tennis Bành Súy đang tác động tiêu cực tới hình ảnh của Trung Quốc trước thềm Olympic mùa Đông 2022. (Nguồn: AFP)
Vụ việc vận động viên tennis Bành Súy đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của Trung Quốc trước thềm Olympic mùa Đông 2022. (Nguồn: AFP)

Đã 13 năm trôi qua kể từ kỳ Olympic mùa Hè tổ chức tại Bắc Kinh. Từ đó đến nay, thể thao Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc, luôn bám đuổi “đối thủ” hàng đầu là Mỹ tại kỳ Olympic mùa Hè vừa qua tại Tokyo. Do đó, sự kiện diễn ra trên quê nhà vào tháng 2/2022 là cơ hội để thể thao Trung Quốc khẳng định vị thế trước Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia vẫn còn gay gắt.

Đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Thành công của sự kiện này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sẽ góp phần khẳng định thành công của nhà lãnh đạo này sau 10 năm cầm quyền, tạo điều kiện thuận lợi để ông củng cố vị thế, tiếp tục dẫn dắt Trung Quốc thời gian tới.

Vì thế, sự vắng mặt của các quan chức, thậm chí là vận động viên Mỹ và phương Tây khác, sẽ tác động tiêu cực của Olympic mùa Đông 2022 và khiến niềm vui của thể thao nói riêng, chính quyền và người dân Trung Quốc nói chung không trọn vẹn.

Trong bối cảnh đó, tìm giải pháp vượt qua đại dịch Covid-19 và áp lực chính trị từ phương Tây để tổ chức một Olympic mùa Đông 2022 Bắc Kinh thành công sẽ là nhiệm vụ cấp thiết nhưng không dễ dàng với chính phủ và người dân Trung Quốc.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thách thức giăng lối Olympic mùa Đông 2022 tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO