Dù con số còn khiêm tốn nhưng ông Khánh phân tích, khách quốc tế trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng 4, tháng 6 tăng gấp 4 lần so với tháng 5. Đa số khách đến từ các quốc gia được miễn thị thực (Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia), khách sử dụng thị thực điện tử (Mỹ, Úc, Ấn Độ).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn khiêm tốn. Ảnh: Kỳ Sơn |
“Mặc dù vậy, thời gian qua lượng khách quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế. Các thị trường khách hàng đầu trước dịch COVID-19 như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga khó có khả năng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong ngắn hạn”, ông Khánh nêu. Nguyên nhân chủ yếu do một số nước vẫn đang áp dụng các chính sách phòng chống dịch chặt chẽ. Trung Quốc thực hiện chính sách “không COVID-19”, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Hàn Quốc, Nhật Bản còn thận trọng trong việc mở cửa đi lại, du lịch. Cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến sự sụt giảm lượng khách Nga và ảnh hưởng tiêu cực đối với các khách du lịch ra nước ngoài của châu Âu. Hơn nữa thời điểm này chưa phải là mùa cao điểm đón khách quốc tế.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022. Trong thời gian ngắn hạn, Tổng cục đề xuất khai thác tốt các thị trường có kết nối lại hàng không, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch COVID-19, tập trung vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, ASEAN; linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông; thị trường nói tiếng Nga (khách từ Nga đi du lịch qua nước thứ 3), Uzbekistan, Azerbaijan…
Đối với giai đoạn trung hạn, Tổng cục Du lịch tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển các thị trường trọng điểm; xúc tiến các thị trường khách mới có tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần để đa dạng hóa, tạo thế cân bằng, ổn định các thị trường khách. Du lịch Việt Nam nên tập trung khai thác các thị trường gần, truyền thống, có mức tăng trưởng cao như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) và Đông Nam Á, đồng thời mở rộng thêm thị trường có nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu.