Thách thức của tân Tổng thống Iran: đối nội phức tạp, đối ngoại ngổn ngang

Thu Hiền| 06/08/2021 13:59

Baoquocte.vn. Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội ngày 5/8. Con đường phía trước nhà chính trị gia theo đường lối bảo thủ này không dễ dàng với hàng loạt thách thức bủa vây cả về đối nội và đối ngoại.

Những thách thức đón chờ tân tổng thống Iran
Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội Iran ngày 5/8. (Nguồn: Bloomberg)

Khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống người dân

Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang đè nặng quốc gia này.

Nhiều người từng kỳ vọng về làn sóng đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ đổ vào Iran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo ký JCPOA với các cường quốc vào năm 2015 để đổi lấy cam kết không thúc đẩy hay sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những hy vọng dần tiêu tan vào năm 2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, tái áp đặt và bổ sung những đòn trừng phạt nặng nề trong khuôn khổ chiến dịch “gây áp lực tối đa trên diện rộng” với Iran.

Iran đã mất hàng tỷ USD từ doanh thu dầu mỏ quan trọng, bị chặn tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và những thiệt hại càng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19.

Ngày 3/8, ông Raisi nhấn mạnh chính phủ mới sẽ tìm cách để dỡ bỏ các đòn trừng phạt “áp bức”, song sẽ “không để chất lượng cuộc sống của đất nước bị ràng buộc bởi ý chí của những lực lượng bên ngoài”. Trong khi đó, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cảnh báo rằng “sửa chữa những vấn đề kinh tế cần thời gian và không thể hoàn thành chỉ sau một đêm”.

Chiến dịch tiêm chủng tại quốc gia này đã được tăng tốc trong 2 tuần qua, song ông Raisi nhậm chức vào thời điểm làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn thứ 5 ở Iran được cho là đã gần đạt đỉnh.

Đích thân Bộ trưởng Y tế sắp mãn nhiệm Saeed Namaki đã viết thư gửi nhà lãnh đạo tối cao Khamenei hôm 1/8 để kêu gọi các lực lượng vũ trang tiến hành 2 tuần phong tỏa nghiêm ngặt. Những diễn biến này xảy ra cùng lúc Iran đang rung chuyển bởi một số cuộc biểu tình bất bình về mức sống ngày càng giảm sút trong vài năm qua.

Nhà kinh tế học có tư tưởng cải cách Saeed Laylaz, từng làm cố vấn cho một số tổng thống Iran, cho rằng nhiệm vụ then chốt của ông Raisi là tái thiết chất lượng cuộc sống cho người dân Iran.

Nhà nghiên cứu Clement Therme, làm việc tại Viện Đại học châu Âu ở Italy, bình luận rằng nhượng bộ về vấn đề hạt nhân cũng không thể “đưa các nhà đầu tư châu Âu trở lại thị trường Iran trong ngắn hạn”, và chỉ có “bình thường hóa quan hệ ngoại giao” giữa Tehran và Washington mới là điều kiện đủ để có được sự quan tâm thực sự của các nhà đầu tư châu Âu.

Hồ sơ đối ngoại ngổn ngang

Ông Raisi đã tuyên bố sẽ coi việc thúc đẩy Thỏa thuận hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran như một chính sách quốc gia, đồng thời cam kết thành lập một chính phủ “mạnh” có thể đạt được một thỏa thuận có lợi cho Iran trong các cuộc đàm phán với Mỹ ở thủ đô Vienna của Áo. Tuy nhiên, các tín hiệu từ cả phía Iran và Mỹ đều cho thấy việc khôi phục JCPOA sẽ rất khó khăn.

Tuần trước, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ Robert Malley nói rằng có nguy cơ Iran quay trở lại Vienna “với những yêu cầu phi thực tế về những gì họ có thể đạt được trong các cuộc đàm phán này”, cho thấy Mỹ coi một số yêu cầu quan trọng của Iran là đạt tới giới hạn và bất khả thi. Nhận định này được đưa ra cùng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng quá trình đàm phán “không thể diễn ra vô thời hạn”.

Trong bối cảnh ngày càng mất lòng tin vào phương Tây, ông Raisi cho biết ông muốn ưu tiên cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, cũng như Trung Quốc và Nga.

Thêm nữa, trong khi căng thẳng với phương Tây nhiều khả năng sẽ tiếp tục âm ỉ, tiến trình bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia, đối thủ khu vực lớn của Iran, cần được tiếp diễn. Bình thường hóa quan hệ với Riyadh sẽ là một thành quả ngoại giao quan trọng cho Tehran.

Trước việc quân đội Mỹ rời khỏi khu vực, Iran và Saudi Arabia đã âm thầm đàm phán trong nhiều tháng để tìm cách cải thiện mối quan hệ vốn đã bị rạn nứt kể từ năm 2016 khi những người biểu tình tấn công đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran.

Bên cạnh đó, những căng thẳng giữa Iran và Israel vẫn tiếp tục leo thang. Cuối tuần trước, Israel cùng Anh và Mỹ cáo buộc Iran thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một con tàu của Israel ngoài khơi bờ biển Oman khiến hai thành viên thủy thủ đoàn - một người Anh và một người Romania thiệt mạng.

Giới quan sát cho rằng tân Tổng thống Raisi sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng của Iran ở nước láng giềng Iraq, nơi các binh sĩ Mỹ dự kiến sẽ rời đi vào cuối năm nay.

Ông Raisi cũng sẽ phải khéo léo trong việc xử lý các mối quan hệ với nước láng giềng Afghanistan, nơi Taliban đã có những bước tiến lớn về quyền kiểm soát lãnh thổ và các cửa khẩu biên giới khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu hoàn tất việc rút quân.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thách thức của tân Tổng thống Iran: đối nội phức tạp, đối ngoại ngổn ngang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO