Chiến thắng quyết định của ông Emmanuel Macron trước đối thủ phe cực hữu Marine Le Pen tại vòng hai của cuộc Bầu cử Tổng thống Pháp không có gì là quá ngạc nhiên.
Ngay từ tháng 4/2021, các nhóm thăm dò bầu cử hàng đầu như Elabe, Harris Interactive, Ifop, Ipsos... đã ước tính, Tổng thống Macron sẽ giành được khoảng từ 54 đến 57% phiếu bầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng với người ủng hộ tại thủ đô Paris hôm 24/4, sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử. (Nguồn: AP) |
Theo kết quả cuối cùng được thông báo bởi Bộ Nội vụ nước này, ông Macron chính thức trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong vòng 20 năm trở lại đây, với 58,5% số phiếu so với con số 41,5% của đối thủ.
Trải qua 8 đời Tổng thống của Nền Cộng hòa thứ năm, ông Macron không phải là người duy nhất tái đắc cử nhiệm kỳ hai, nhưng lại là nhà lãnh đạo đầu tiên chiến thắng mà không trong tình trạng phải “chung sống chính trị”.
Điều đó có nghĩa là ông không phải liên minh với một Thủ tướng đến từ đảng đối lập. Trong quá khứ, đã có những trường hợp của Tổng thống Francois Mitterand và Thủ tướng Jacques Chirac phe cánh hữu năm 1995; hay Tổng thống Jacques Chirac với Thủ tướng Lionel Jospin của đảng Xã hội năm 2002.
Mục tiêu trước mắt
Chính trường Pháp hiện đang hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) Pháp vào tháng 6, một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với ông Macron. Cuộc bầu cử đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bộ máy chính trị nào sẽ điều hành đất nước trong 5 năm tới. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu ông có theo đuổi chương trình nghị sự của mình một cách trọn vẹn hay không.
“Để chiếm đa số trong Quốc hội, ông Macron cần tìm sự ủng hộ từ một số đảng chính trị khác, giữa cánh hữu chính thống hay cánh tả ôn hòa, cũng như của Đảng Xã hội và đặc biệt là những người ủng hộ Đảng Cộng hòa”, ông Douglas Webber, Giáo sư danh dự tại trường kinh doanh INSEAD nói với Euronews.
Trên thực tế, chiến thắng của ông Macron không vẻ vang bằng năm 2017, khi đó ông giành được tới 66,10% số phiếu. Bên cạnh đó, với tỷ lệ bỏ phiếu trắng cao nhất trong nửa thế kỷ qua (28%), ngày càng ít cử tri ủng hộ ông Macron, cho thấy sự thất vọng của người dân đối với chính quyền cũ, đặc biệt là về vấn đề kinh tế.
Bên cạnh đó, ngay trong đêm công bố kết quả, các cuộc biểu tình nhỏ chống lại việc ông Macron tái đắc cử đã nổ ra tại các thành phố như Rennes và Paris. Các cuộc buổi tình này nhanh chóng trở thành bạo động khi những người biểu tình đụng độ với cảnh sát, dẫn đến một số vụ bắt giữ.
Chính sách kinh tế
Tổng thống Pháp dự định bắt đầu cải cách lương hưu từ mùa Thu, nhằm mục đích nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 65, mặc dù trong chiến dịch tranh cử, ông đã cam kết sẽ linh hoạt. Đây có thể là cơ hội dễ nhất để những người không ủng hộ ông Macron châm ngòi cho một làn sóng phản đối.
Để hàn gắn những nghi ngờ và chia rẽ của Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến nhanh chóng giải quyết một trong những vấn đề quan trọng đã thúc đẩy hơn 40% cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, đó là vấn đề sụt giảm sức mua và mức sống của người dân, vốn đã gây ra sự bất bình trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, kinh tế Pháp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là khắc phục tình trạng lạm phát, cũng như giá năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Mặc dù ông Macron chủ trương tăng trưởng kinh tế và giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp, nhưng ông chưa thể xoa dịu tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng.
Đối mặt với biến đổi khí hậu
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng gặp phải không ít áp lực trong việc thay đổi chính sách khí hậu.
Tại buổi gặp gỡ cử tri ở thành phố Marseille, ông Macron nhấn mạnh rằng mục tiêu chính trong chính sách năng lượng của ông là: bảo tồn năng lượng, năng lượng hạt nhân, đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo với 50 trang trại gió trên biển vào năm 2050, đẩy mạnh vận tải đường sắt và đường sông, giải quyết ô nhiễm không khí, trồng cây xanh.
Vị tổng thống cũng muốn phát triển lĩnh vực ô tô điện độc quyền của Pháp với khả năng tiếp cận dễ dàng hơn thông qua chương trình cho thuê.
Các nhà vận động bảo vệ môi trường đặt câu hỏi về sự chân thành của ông Macron, thậm chí họ gọi ông là "tổng thống không thích ứng với khí hậu" hoặc "tổng thống của những bước đi nhỏ". Cả ông và ứng cử viên Le Pen đều bị chỉ trích vì không giải quyết được một số vấn đề “xanh” trong cuộc tranh luận trên truyền hình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi tháng Hai. (Nguồn:Sputnik) |
Những vấn đề quan trọng khác
Ông Macron còn đối mặt với các thách thức khi triển khai những cải cách đầy tham vọng ở EU, bao gồm: quyền tự chủ về “năng lượng và chiến lược”, cải cách khối Schengen để bảo vệ tốt hơn các biên giới bên ngoài của EU và chính sách tị nạn chung.
Bên cạnh đó, ông cũng muốn hướng EU phát triển năng lực quốc phòng mạnh mẽ hơn và là động lực cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp, công nghệ châu Âu.
Để khởi động lại nền kinh tế của khối, Tổng thống Macron đề xuất các biện pháp với khía cạnh kinh tế-xã hội như: thuế nhiên liệu trên toàn EU, các thỏa thuận thương mại cần phải phù hợp với tiêu chuẩn chung của khối, cũng như đưa ra các điều chỉnh về mức lương tối thiểu và thúc đẩy bình đẳng giới.
Với vấn đề Nga-Ukraine, Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Đồng thời, chính phủ của ông cho biết sẽ xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Tuy nhiên, ông luôn ưu tiên đối thoại với Moscow. Chỉ ba tuần sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Macron năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Điện Versailles, bất chấp những căng thẳng về Syria và Ukraine. Năm 2019, ông Putin cũng đã đến thăm dinh thự mùa hè của Tổng thống Pháp ở miền Nam nước này trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.
Những cuộc gặp như vậy không thể xoa dịu căng thẳng một cách dài hạn, cũng không có nhiều cuộc điện đàm giữa ông Macron với người đồng cấp Nga kể từ khi lực lượng của Moscow tập trung ở biên giới Ukraine. Theo truyền thông Pháp, Tổng thống Macron cho biết ông không ngại việc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga một lần nữa.
Ông Macron nói rằng Pháp và châu Âu nên cẩn thận để tránh can dự quân sự trực tiếp vào Ukraine, điều mà ông nhận định làm leo thang xung đột hoặc thậm chí bắt đầu một "cuộc chiến tranh thế giới mới". Ông Macron cũng cho rằng việc gửi xe tăng hoặc máy bay tới khu vực đang xung đột không khác gì cùng tham chiến.