Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Hồ rộng gần 20.000 ha mặt nước, gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.
Do đặc thù của dòng sông Chảy và chức năng trị thuỷ nên mực nước hồ Thác Bà dao động rất lớn, trung bình khoảng 13 m (từ cốt 45 đến cốt 58,5m). Hàng năm, từ khoảng đầu thu hồ bắt đầu tích nước để phục vụ cho sản xuất và phát điện vào mùa xuân, hè (thời điểm ít mưa)
Thời gian hồ tích nước (mùa nước nổi), các đồi, núi đá lớn nhỏ trên hồ sẽ bị ngập hết chân tạo thành các đảo xanh. Màu của cỏ cây hoà cùng màu nước tạo nên cảnh sắc trong xanh vô cùng đẹp mắt.
Ai đã một lần ghé thăm hồ Thác Bà vào mùa nước nổi chắc sẽ không khỏi ngỡ ngàng và lưu luyến cảnh quan nên thơ và kỳ vĩ của hồ.
Từ mục tiêu ban đầu là trị thuỷ, phát điện, nay hồ Thác Bà đã trở thành hồ đa mục tiêu khi vừa phục vụ phát điện, vừa cung cấp nước sạch cho người dân, đồng thời là nơi phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, hồ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Đến với hồ Thác Bà, du khách sẽ được di chuyển bằng tàu thuỷ ngắm cảnh sông nước và tận hưởng không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông, lung linh soi bóng những hòn đảo nối tiếp nhau như vô tận.
Những ngọn đồi bị ngập nước xung quanh được người dân trồng cây bạch đàn, cây keo hàng cách hàng, cây cách cây đều tăm tắp làm cho khung cảnh trên hồ thêm tươi đẹp.
Khi đến hồ Thác bà, ngoài tham quan Nhà máy Thủy điện Thác Bà, du khách còn có thể đến thăm đền Mẫu Thác Bà, tọa lạc trên núi Hoàng Thi, với thế tựa lưng vào núi, nhìn ra sông Chảy theo hướng Đông Đông Bắc, xa xa là núi Cao Biền. Từ lâu, đền Mẫu Thác Bà đã nổi tiếng là chốn linh thiêng, được công nhận là Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh năm 2004.
Tiếp tục cuộc hành trình du khách khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá, của những tượng đá tự nhiên kỳ lạ tại quần thể hang động đá vôi trên hồ như: động Xuân Long, hang Bạch Xà, Thác Bà, Thác Ông...
Đặc biệt là động Thủy Tiên, nằm giữa lòng hồ, tứ bề ngập nước, núi đá dài khoảng 100m, rộng vài chục mét, trong lòng có những nhũ đá lấp lánh, trong đó có hình chín nàng tiên, mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ, hấp dẫn.
Cùng hệ thống hang động, du khách có thể lên núi Cao Biền, dãy núi lớn và dài nhất thắng cảnh hồ Thác Bà. Đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt để ngắm cảnh hồ chìm trong sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo, cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Ngược dòng sông Chảy không bao xa du khách sẽ đến vùng đất Ngọc Lục Yên với những danh thắng nổi tiếng như động Chùa São, đền Đại Cại, chợ đá quý…
Phong cảnh hữu tình, phong phú về nguồn lợi thủy sản, ven hồ còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... (ảnh người dân đặt rọ bắt tôm)
Một trong những điểm nghỉ chân trên hồ Thác Bà
Bên cạnh những vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều cảnh quan trên hồ cũng bị thay đổi, phá vỡ do tác động của con người, như khai thác đá tại các mỏ đá ven hồ.
Hồ Thác Bà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch thành Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồ án nhằm mục tiêu phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ. Hiện đã có nhà đầu tư vào nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. Trong tương lai gần hồ Thác Bà (Yên Bái) sẽ thêm hấp dẫn với du khách gần xa.