Thả chim cá về với thiên nhiên: Phóng sinh hay sát sinh?

Trần Chánh Nghĩa| 08/01/2023 07:00

Những chiếc lồng được xếp ngay ngắn dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc, người phụ nữ trung niên bỏ vào mỗi lồng một nắm lúa để bẫy chim bán cho người dân phóng sinh vào những tháng 7.

Chim trời

Những chiếc lồng bẫy chim đặt bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Mỗi buổi sáng ở bên bờ kênh thuộc phường Tân Định (quận 1, TPHCM), chị đều đặn làm công việc này. Sau khi rải lúa vào lồng, chị xếp chúng thành hàng ngay ngắn. Một số lồng rời, chị treo lên những cành cây. Một ngày chị đi thăm vài lần và mỗi lần như thế chị thu được hàng chục con chim trời. Cuối ngày những con chim này được chị dồn lại, mang đến điểm thu mua ở lăng Ông Bà Chiểu giao cho đầu nậu.

Hàng chục năm nay chị sống bắng nghề này, những con chim trời vô tội đã nuôi sống cả gia đình chị. Hỏi thăm về cái nghiệp bẫy chim này, chị hồn nhiên cho biết: "Nhu cầu chim phóng sinh vào những dịp lễ hội rất cao. Ngày thường thì chỉ kiếm được hơn 100.000đ nhưng cứ tết hay rằm thì có khi 700 - 800 nghìn đồng/ngày là chuyện bình thường. Tôi bắt chim trời bán cho họ những con chim khỏe mạnh. Nhưng khi đầu nậu mua lại chim của tôi, họ nhốt lâu ngày với mật độ dày đặc, chim bị cùm chân, khi thả ra chưa kịp bay đã có người bắt lại rồi cho vào lồng bán tiếp. Đó là chưa kể chúng bị cắt cánh, đâm mù mắt... Cứ thế, con chim được bán đi bán lại nhiều lần.

Biết việc làm của mình là tiếp tay với cái ác. Nhưng anh cứ nghĩ xem, nếu không có những con chim này thì gia đình bé nhỏ của tôi sẽ ra sao. Chồng tôi bệnh nằm một chỗ. Các con theo thời gian chúng lớn lên từng ngày. Cái ăn cái mặc, học hành... Tất cả chỉ trông vào những con chim nhỏ này".

Một người chuyên bẫy chim để bán cho người dân phóng sinh vào dịp rằm tháng 7

Tôi nhìn chị. Gương mặt hiền lành phúc hậu. Việc làm hàng ngày của chị được lý giải là vì bức bách cuộc sống. Tâm chị vẫn lành để thốt ra những câu nói đó... Ranh giới giữa thiện và ác thật mong manh.

Chỉ buồn cho những người mua chim để phóng sinh cứ ngỡ rằng mình đang làm việc thiện, giúp cho sinh vật bị giam cầm trở về với đời sống thiên nhiên hoang dã. Có những người xem việc phóng sinh những con chim tội nghiệp kia như là một cái “mốt” thời thượng. Đi chùa, phóng sinh, làm từ thiện mà trong lòng trống rỗng. Trong đầu họ chỉ nghĩ đơn giản rằng phóng sinh họ sẽ được hưởng phước từ đấng vô hình nào đó.

Cá nước

Sự hồi sinh của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã đem lại bộ mặt quang đãng cho thành phố. Đi 2 bên bờ, cây xanh tỏa bóng. Nhìn xuống dòng nước màu đen kịt và mùi tanh hôi cũng biến mất. Mầm sống đã trở về trên con kênh đen?

Trung tuần tháng 7 vừa qua, trên mặt kênh, suốt chiều dài hơn 7km, xác cá nổi lên dày đặc. Cá màu trắng có, màu vàng có màu đen cũng có. Chúng chết từng mảng, từng con trôi lững lờ theo dòng nước thủy triều. Mùi cá chết tanh hôi bốc lên nồng nặc.

Hiện tượng này đã làm cho nhiều người quan tâm đổ lỗi cho độ ô nhiễm của dòng nước. Quả thật vậy. Nước trong kênh so với trước được cải thiện rất nhiều nhưng chưa phải là môi trường sạch và tinh khiết...

Nhưng, nhìn lại những con cá chết mới thấy đó hầu như là những con cá cảnh được nhiều người thả xuống kênh để phóng sinh vào những dịp rằm và mồng một hàng tháng.

Những con cá nhỏ đang nổi trên mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Anh Minh, một tay câu cá không vắng mặt một ngày nào ở dòng kênh này cho biết: “Cá ở kênh này có nhiều loại. Cá tự nhiên dứt khoát không có một con nào vì chúng đã tuyệt chủng sau hàng chục năm ô nhiễm nặng. Hiện giờ ở tầng đáy chỉ có cá da trơn như cá tra, cá bông lau, cá trê. Những con cá này thoát ra sông từ các cơ sở nuôi bè, nuôi lồng sau đó đi ngược dòng trôi vào kênh này. Chúng đã có đề kháng chịu được độ ô nhiễm của con kênh. Số còn lại ở tầng trên, những con cá màu vàng, màu trắng, màu đen nổi hàng đàn trên mặt nước là loại cá phóng sinh. Có người đã đem đến đây đổ xuống hàng tạ cá như thế...”.

Một cảnh phóng sinh cá từ trên cầu xuống kênh

Anh Minh cho biết thêm, hiện tượng cá chết trên xảy xảy ra hàng chục lần rồi. Cứ sau rằm, mồng một hàng tháng hoặc những dịp lễ hội chừng vài ngày là xảy ra hiện tượng cá chết.

Hàng ngàn con cá chết nổi trắng mặt nước

Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương - khoa Thủy sản trường đại học Nông Lâm - việc cá chết trên kênh ngoài việc kênh bị ô nhiễm còn phải xem lại khâu kỹ thuật thả và lựa chọn giống cá phù hợp. Người đem cá phóng sinh có bao giờ nghĩ đến điều này? Họ mua cá đi phóng sinh mà không hề môi trường sống của con cá đó như thế nào, cách thả cá như thế nào họ cũng chẳng quan tâm. Họ chỉ cần trút cá xuống kênh là được. Vì thế phóng sinh và sát sinh cũng là một.

Theo Tạng Thư Phật học, phóng sinh là khi nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, người có thiện tâm liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống sinh vật này được xem là phóng sinh.

Con chim đang bay trên bầu trời bị bắt nhốt vào lồng rồi đem thả ra. Con cá đang sống trong môi trường trong lành được chăm sóc chu đáo được mua thả xuống dòng kênh ô nhiễm, đó có đúng là hành động phóng sinh? Đã đến lúc cần nhìn lại cách thể hiện lòng từ tâm của con người.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 09/08/2014
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tha-chim-ca-ve-voi-thien-nhien-phong-sinh-hay-sat-sinh-1408094779.htm

Bài liên quan
  • Phóng sinh - từ bi hay tội ác?
    Trong cuộc sống hiện tại, việc phóng sinh mất đi nhiều ý nghĩa sâu sắc của Phật giáo khiến nhiều người lên án: Phóng sinh là tội ác!
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thả chim cá về với thiên nhiên: Phóng sinh hay sát sinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO