Một ngày cuối năm bận rộn, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến (Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV) vẫn tranh thủ dành một chút thời gian để nhận lời phỏng vấn của Dân Trí. Một năm nay, Đại dịch khiến việc giảng dạy của Tiến sĩ Đinh Đức Tiến phải chuyển sang hình thức trực tuyến, vậy nên có lẽ chính ông cũng cảm thấy vui khi được gặp gỡ, được giãi bày và chia sẻ thật nhiều về một năm đã qua, một năm thật nhiều thăng trầm vì Đại dịch Covid-19.
Tết xưa - Tết nay - Tết Covid
Cuộc sống của mỗi người thay đổi rất nhiều sau một năm diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19. Có đau thương mất mát, cũng có những thích ứng tích cực. Còn Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, nhìn lại một năm đã qua, cá nhân ông đã trải qua những gì?
Thật thoải mái khi được trò chuyện với bạn mà không phải là chiếc màn hình máy tính. Kể từ khi có lệnh giãn cách vì Đại dịch, tôi không được gặp gỡ sinh viên và giảng dạy trực tiếp tại giảng đường. Covid-19 đã khiến mọi thứ trong cuộc sống đảo lộn và tất nhiên chẳng một ai trong chúng ta có thể đứng ngoài sức ảnh hưởng của nó.
Có lẽ, đây là một năm thật đáng buồn. Dù cho nỗ lực đến đâu chúng ta cũng không thể phủ nhận sức tàn phá nặng nề của "cơn sóng thần" Covid-19 đã càn quét trong một năm. Một năm đáng buồn nhưng không có nghĩa là đáng quên, bởi cũng từ Đại dịch Covid-19 những cuộc chuyển mình đã bắt đầu và cho chúng ta nhận ra nhiều giá trị bền vững khác nhau của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đại dịch có thể sẽ khiến Tết truyền thống ít nhiều thay đổi, thế nhưng có lẽ đây cũng không phải lần đầu tiên người Việt Nam thay đổi thói quen trong dịp Tết Nguyên đán. Là một người nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ có thể chia sẻ một chút về những sự đổi khác trong đời sống văn hóa dịp Tết Nguyên đán qua mỗi thời kỳ lịch sử?
Một năm sắp khép lại, Tết Nguyên đán sắp đến, chúng ta đang tiếp tục đón chờ một khởi đầu mới với một tinh thần lạc quan và kiên cường. Tôi cho rằng, dẫu ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì dường như người Việt Nam ta vẫn chào đón năm mới bằng một tâm thế sẵn sàng và đầy hứng khởi.
Xưa kia, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm của thời bao cấp, con trẻ chỉ mong đến Tết để được bữa ăn ngon, để được mẹ may cho chiếc áo mới, được tiền mừng tuổi để tiêu vặt.
Ngày 30 Tết nhà nào nhà nấy rộn ràng bếp núc, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành đào rực rỡ trong nhà là biết Tết đã về. Đêm giao thừa, tiếng pháo nổ vang trời, chẳng ai muốn ngủ mà chỉ muốn tận hưởng những không khí tinh khôi nhất, để đón lấy nguồn năng lượng tích cực khởi đầu cho một năm mới.
Ấy là Tết xưa, Tết nay có phần đổi khác, người ta không còn quá đặt nặng chuyện ăn uống trong ngày Tết. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay người ta thường có xu hướng "chơi Tết" nhiều hơn. Cả năm bận bịu làm ăn, quanh quẩn với công việc, nhiều người lựa chọn cho gia đình một chuyến du lịch xa để tận hưởng khoảng thời gian nghỉ Tết với tâm thế "Ở đâu có gia đình ở đó có Tết".
Xu hướng này đang được nhiều người ủng hộ, xong đa phần người Việt Nam vẫn đón Tết truyền thống, vẫn muốn quây quần bên gia đình, bên mâm cơm đầm ấm, gặp gỡ những người thân yêu và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Rõ ràng, dịp Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn là cái cớ để người thân lâu ngày không gặp gỡ có dịp gần gũi, là dịp để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ và là khoảng thời gian để chúng ta nạp đầy năng lượng cho một hành trình sắp tới.
Đúng là đại dịch khiến những người như chúng ta nhận ra cuộc sống này thật vô thường và khó nói. Thời điểm hiện tại chắc hẳn ai cũng cầu mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, để Tết này được về quây quần bên gia đình. Tuy nhiên mỗi chúng ta cũng đừng bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh chỉ vì muốn đón Tết ở quê nhà. Nếu phải ăn Tết xa quê nhưng bảo đảm sự an toàn cho người thân và cộng đồng thì đó là điều cần thiết. Vậy đó! Một điều tưởng như hiển nhiên là về quê đón Tết cũng trở nên khó nói trong "Tết Covid".
Đổi thay để thích nghi trong thời Covid-19
Như chuyên gia đã nói, không một lĩnh vực nào có thể nằm ngoài sức ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, và không một ai trong chúng ta có thể đứng ngoài sức ảnh hưởng đó. Vậy nếu để chỉ ra một sự thay đổi to lớn tác động đến hành động và thói quen của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán theo ông sẽ là gì?
Tôi cho rằng, một trong những điều bị tác động lớn nhất bởi Đại dịch đó là kinh tế. Hoạt động kinh tế đình trệ, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, phá sản, hàng ngàn người mất việc làm vì Covid-19,... Chính những điều này đã tác động rất lớn đến thói quen mua sắm, chi tiêu của người Việt.
Nếu như trước kia người ta "vung tay" tiêu tiền cho đã trong dịp Tết thì năm nay có lẽ sẽ rất khác. Tiết kiệm hơn, tránh lãng phí và bắt đầu có thói quen tích lũy, đây có thể là xu hướng thay đổi bởi Đại dịch. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một điều tốt cần có để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại do Covid-19 đang gây ra.
Đúng là trong hoàn cảnh hiện tại vì dịch bệnh tất cả chúng ta đều phải thay đổi để thích nghi với những điều kiện mới. Sự thay đổi này có chăng sẽ tạo nên những xu hướng mới trong tương lai. Chuyên gia có dự đoán gì về những xu hướng đón Tết Nguyên đán mới có thể sẽ xuất hiện sau khi đại dịch được kiểm soát?
Thời đại online lên ngôi, thay đổi rất nhiều đến hành vi của hầu hết mọi người. Mua sắm online, thăm hỏi online, gặp gỡ online và làm việc, học tập online,... Tất cả chúng ta đều phải thay đổi và thích nghi với thời đại. Nhưng chính những thay đổi từ hành vi này cũng dẫn đến rất nhiều sự thay đổi trong thói quen của mọi người trong dịp Tết.
Tết này, biết đâu những cuộc gặp gỡ, tụ tập sẽ ít đi, cơm nước cỗ bàn không cần quá cầu kỳ, mà thay vào đó người ta sẽ dành thời gian cho những sở thích cá nhân, dành thời gian cho những người thật sự quan trọng, làm những điều mà mỗi người đều mong muốn ấp ủ làm nhưng chưa có cơ hội.
Nhìn chung lại, như tôi đã nói, Covid-19 đem đến nhiều đau thương nhưng nó cũng khiến mỗi người nhận ra những giá trị thật sự trong cuộc đời của chính mình. Rằng nếu hôm nay không thực hiện, không thay đổi thì liệu những ngày sau có còn cơ hội hay không?.
Và như tôi đã nói ở trên, xu hướng "chơi Tết" đã được nhiều người ủng hộ. Có lẽ ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, những chính sách mở cửa dịch vụ du lịch được bắt đầu người dân cũng sẽ dành thời gian để đi chơi xa bên gia đình, người thân sau quãng thời gian quá dài phải sống và làm việc tại nhà.
Tinh thần dân tộc sẽ không bao giờ thay đổi vì Đại dịch
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, 2 năm liên tiếp chúng ta đón Tết Nguyên đán cùng với cuộc chiến chống dịch. Thế nhưng tôi vẫn thấy một tinh thần hân hoan, một sự lạc quan mãnh liệt của mỗi người dân khi Tết về. Qua quá trình nghiên cứu văn hóa, lịch dân tộc, Tiến sĩ có thể lý giải vì sao người Việt Nam luôn kiên cường và bản lĩnh khi đối đầu với bất kể những sóng gió nào từ chiến tranh, thiên tai và bây giờ là dịch bệnh?
Tôi cho rằng, Đại dịch đã làm thay đổi hầu hết các lĩnh vực trong xã hội Việt Nam từ kinh tế, y tế, du lịch, giáo dục, cho đến đời sống tinh thần của người dân. Xong, mặc cho những biến chuyển to lớn vì đại dịch thì chắc chắn có một thứ sẽ không bao giờ thay đổi đó chính là: Tinh thần dân tộc!
Tinh thần dân tộc của Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đầy thăng trầm. Suốt dặm dài lịch sử đã hình thành nên trong bản tính người Việt hai phẩm chất vàng được coi là chìa khóa giúp đất nước ta trải qua biết bao biến cố, vẫn hiên ngang bất khuất, đó chính là "Đoàn kết - Kiên cường".
Đất nước chúng ta phải trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính sách đồng hóa. Một dân tộc nhỏ bé ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông và đánh bại những đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới. Và giờ đây khi thế giới chao đảo vì Covid-19, người dân Việt Nam vẫn sẵn sàng để đối diện, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, cùng chung tay để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch.
Giữa nỗi đau mất mát quá lớn của nhân dân trong những ngày TPHCM gồng mình trước dịch bệnh chúng ta vẫn thấy những con người tình nguyện đi vào "tâm lửa", tham gia cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ở một đất nước, mà người dân lại thương nhau đến thế! Con người sẵn sàng sẻ chia và đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn. Và dường như, càng trong gian khổ ta lại càng thấy sự đồng lòng của nhân dân, một niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Năm nay, có thể sẽ là một Tết Nguyên Đán thật buồn, khi hàng triệu gia đình không còn những người thân yêu trở về ăn Tết. Hàng triệu trẻ em đón Tết Nguyên đán mà không còn cha mẹ ở bên. Nhưng tôi cho rằng, tinh thần Đoàn kết - Kiên cường vẫn sẽ còn nguyên vẹn để đất nước vững vàng hơn qua cơn bão tố.
Xin chúc độc giả Dân Trí cùng đón Tết an lành, cùng đất nước đoàn kết và kiên cường trong năm mới Nhâm Dần 2022!.
Xin cảm ơn Tiến sĩ với buổi chia sẻ!