Nhớ một buổi sáng sớm 30 Tết năm cũ, Kềnh - bạn học của tôi đạp xe vô tận nhà mời tôi xuống đò ăn tất niên. Thằng Kềnh ở xóm Vạn, một xóm nhỏ của dân vạn đò trên đoạn cuối sông Ô Lâu chảy qua làng tôi. Kềnh ngồi cùng bàn với tôi từ lớp 1 đến lớp 5 thì bỏ học, theo cha làm nghề chài lưới trên sông.
Năm thứ tư Đại học, tôi nghe Kềnh báo đã cưới vợ, cũng là một cô gái con một gia đình ngư dân trên sông Ô Lâu. Hai vợ chồng được ba mạ hai bên cho nửa trộ rớ, đóng cho một chiếc đò nhỏ để ra ở riêng mà làm ăn sinh sống. Đò cũng là nhà của đôi trẻ. Họ sống trên đò bám con nước lên, con nước xuống của dòng Ô Lâu mà kiếm thả lưới kiếm con tôm, con cá...
Tranh minh họa
Buổi chiều ngày cuối năm, tôi đi bộ xuống bến đò và gọi to tên của Kềnh. Bạn tôi chèo một chiếc ghe nhỏ vô bờ đón tôi, giọng niềm nở: “Thiệt chi là quý hóa bạn mền nờ!”. Chiếc đò của gia đình Kềnh chỉ chừng mấy mét vuông, ở giữa trải một chiếc chiếu hoa mới mua, đủ cho vài người ngồi. Đầu mũi đò Kềnh đã soạn một mâm cỗ bên cạnh một chậu hoa vạn thọ màu cam ấm soi bóng xuống dòng sông.
Trời cuối năm rét căm căm, nhưng chỉ cần bước vô khoang đò là thấy ấm người liền bởi vì hơi ấm của chiếc bếp nhỏ tự chế đang đỏ lửa củi. Vợ Kềnh đang chế biến các món cho mâm cỗ tất niên. Mùi khói thơm hăng cùng hương vị của các món ăn quyện vào trong khoang đò đánh thức các giác quan của tôi. Kềnh châm trà kể cho tôi nghe chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ.
Cũng đơn giản thôi, họ đi đánh cá trên một khúc sông rồi thương nhau, cuộn lấy nhau vào một đêm trăng sáng chỉ có tiếng nước vỗ bờ và tiếng cá quẫy như đồng tình cùng tình yêu dâng tràn của những đứa con sông nước. Hai tháng sau thì họ về ở chung đò sau một đám cưới cũng được tổ chức trên sông Ô Lâu ít hoa nhiều rượu...
Vợ Kềnh vừa nêm nếm các món ăn cũng nghe được câu chuyện của chồng cùng bạn nên vui vẻ góp chuyện: “May mà em được anh Kềnh rước không thôi thì ở quá anh nạ!”. Gương mặt của cô ửng hồng vì lửa ấm, nhìn nụ cười sáng rỡ của cô, tôi biết hai bạn của tôi đang rất hạnh phúc.
Tranh minh họa
Trời chuyển tối dần. Các món ăn cũng được vợ Kềnh chế biến xong. Mâm cỗ chiều Ba mươi Tết của gia đình trẻ cũng không có chi cầu kỳ. Một dĩa thịt heo phay, mấy con cá lóc, cá trê nướng, một dĩa tôm đất luộc, một tô canh rạm bè nấu chua, mấy món đồ xào... Kềnh bạn tôi ăn mặt chỉnh tề thắp hương khấn vái thần Sông rồi hành lễ.
Nhìn bạn tôi trang nghiêm hành lễ và vái thầm những mong ước tốt lành cho một năm mới đang đến, bất giác tôi nhớ một câu thơ của một người bạn là nhà thơ cũng sinh ra từ sông nước như Kềnh: “Vạn chài giỗ tổ trên sông - Khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi”. Tôi cũng xin phép bạn thắp ba cây nhang trước mâm cỗ và cũng thầm khấn vái với vị thần Sông cho vợ chồng bạn tôi năm mới sẽ đánh bắt được nhiều tôm, lắm cá rồi sẽ sinh con đẻ cái và sẽ sắm cho mình chiếc đò to hơn...
Mâm cỗ tất niên trên đò của đôi trẻ có thêm một thằng bạn là sinh viên. Kềnh lôi chai rượu Cườm Phong Chương được đậy bằng nùi lá chuối khô, rót đều ba ly nhỏ, giọng run run: “Đám cưới tụi tui bạn ở xa nên không tiện mời. Bây chừ, vợ chồng tui mời bạn bữa cơm chiều cuối năm coi như là ra mắt luôn. Nâng ly vui với vợ chồng tui mà lỡ có say thì tui đưa về nhà nghe!”.
Nghe bạn nói tôi vui quá mà cười: “Ấm áp như ri thì uống biết khi mô cho say hè!”. Hai thằng bạn từ thời răng sún, tóc hoe thong thả nhấm rượu thưởng thức dư vị của ngày cuối năm cũ và ôn lại những kỷ niệm thật vui của những ngày đi học trường làng.
Vợ Kềnh lâu lâu thêm thức ăn cho chồng và khách và nở những nụ cười thật tươi khi câu chuyện đến đoạn vui: “Tuổi thơ của hai anh vui thiệt. Mà nghe chồng em kể là anh thích mấy món cá sông nướng lắm nên em ướp sẵn cá lóc, cá trê đây rồi, ăn nhiều vô cho vợ chồng em lấy thơm lấy thảo năm mới anh nghe!”
Cô vừa nói vừa thêm than vào bếp lửa. Trời đã tối sẫm, trong khoang đò chỉ có ánh sáng của chiếc đèn Huê Kỳ và màu hồng rực của bếp lửa than. Một giã cá trê đồng đã ướp sẵn được cô chủ đò đưa lên bếp than tỏa ra hương vị ngào ngạt cùng âm thanh “xèo xèo” nghe vui tai. Kềnh chúc tôi năm mới ra trường sẽ có việc làm ngay và nói thêm: “Tất niên của nhà đò đạm bạc rứa thôi bạn hí!”.
Tôi quàng vai bạn: “Tất niên như ri là thịnh soạn chứ đạm bạc chi nữa. Con cá chi ngon lành của sông, của phá bạn để dành cho tui hết đó rồi! Mà tui ưng nhất vẫn là món cá trê kẹp dưa môn chấm nước mắm gừng ni thôi!”. “Rứa em nướng ăn có vừa miệng không anh?” - vợ Kềnh hỏi khéo! Tôi cười: “Vợ chồng bạn mình thiệt là biết chiều khách quá, ăn không vừa miệng mà gần hết một giã cá trê đồng nướng rồi à!”. Nghe câu nói của tôi hai vợ chồng Kềnh cười tít mắt, hạnh phúc từ họ như một làn hơi ấm được truyền sang tôi...
Những chiếc đò xóm vạn đò trên sông Ô Lâu đã lên đèn đón năm mới. Cả một khúc sông lung linh trong ánh sáng của những đèn măng sông, đèn Huê Kỳ, đèn dầu và cả ánh lửa hồng bập bùng trong từng khoang đò nhỏ. Kềnh vui quá vừa nhấm rượu vừa hát: Ơi sông ơi mưa thuận gió hòa- Ơi đò ơi đò che chở ta- Đời ta theo đuôi con tôm con cá- Đời ta vui lấy sông làm nhà...”.
Rồi vợ Kềnh chợt nhớ ra điều gì đó quan trọng: “ Anh ơi chuẩn bị ra gõ mạn đò rồi tề!”. Theo thông lệ, vào tối Ba mươi Tết, tất cả các chiếc đò của xóm Vạn trên sông Ô Lâu đều gõ mạn đò để cầu cho năm mới sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá hơn, làm ăn phát đạt hơn năm cũ.
Tiếng gõ vạn đò được bắt đầu từ chiếc đò lớn của ông trưởng xóm rồi tất cả các chiếc đò trên sông đều hòa âm thành một bản giao hưởng âm thanh đặc trưng đêm trừ tịch. Kềnh vừa gõ mạn đò vừa nói to theo tiếng gõ: “Lòng còng, lòng còng, cá nhảy vô tròng- Lòng còng, lòng còng, cá nhảy vô tròng...”
Đã gần đến giờ Giao thừa, tôi bước lên bờ sông chia tay gia đình bạn. Âm thanh của tiếng gõ mạn đò vẫn rộn ràng cả một khúc sông quê. Đứng từ bờ nhìn về phía sông đêm trừ tịch thấy lấp lánh những ánh đèn, những bếp lửa hồng trên mỗi khoan đò. Tết về thật ấm áp, an lành trên sông Ô Lâu...