Nguyễn Thị Minh Tú (SN 1997) - học ngành Quản trị Kinh doanh tại Cộng hòa liên bang Đức chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên em ăn Tết xa gia đình. Cũng khá buồn và tiếc nuối nhưng bên cạnh đó em cũng tự trấn an bản thân rằng ở một đất nước mới chắc chắn em sẽ cho em những trải nghiệm mới”.
Minh Tú kể, hàng ngày cô vẫn nhắn tin hỏi thăm và chia sẻ cuộc sống với bố mẹ. “Đối với gia đình em, sự kết nối, gắn kết là vô cùng quan trọng. Hàng tuần em cố gắng dành thời gian để gọi điện và trò chuyện cùng với bố mẹ.
Em nhận thấy rằng, mỗi khi em hỏi thăm bố mẹ, dù chỉ là những câu hỏi rất đỗi bình dị và đời thường như “Bố mẹ ăn cơm chưa?”, “Cơm nhà mình hôm nay có món gì?”... cũng khiến bố mẹ em cảm thấy rất vui và thấy được quan tâm.
Hoặc vào những dịp lễ, bạn bè của bố mẹ em nhắn tin chúc mừng rất nhiều nhưng bố mẹ em vẫn mong chờ lời chúc của các con (một lần em lỡ quên và em đã nhận ra được điều này). Vậy nên các bạn du học sinh nào còn ít hỏi thăm bố mẹ thì hãy cố gắng quan tâm bố mẹ thật nhiều nhé”, Minh Tú nói.
Nhớ những năm trước khi ăn Tết ở Việt Nam cùng bố me, Minh Tú thường dành thời gian dọn nhà, trang trí nhà cửa thật đẹp mắt. Thời điểm trước Tết cô cũng thường cùng bố mẹ đi dạo ngắm phố phường và chọn cây cảnh, đèn lồng trang trí.
“Đến khoảng 27 Tết âm lịch gia đình em cùng nhau gói bánh chưng và đó là những khoảnh khắc dù sau này có đi bất cư nơi nào em cũng không quên: em và mẹ rửa lá bánh, phụ bố gói bánh rồi các thành viên cùng nhau trông bánh chưng, chờ trời sáng.
Vào đêm 30 Tết, cả nhà em thường ngồi quay quần xem chương trình Táo quân và sau đó sắp xếp ban thờ để làm lễ cúng giao thừa đón chào năm mới. Đây là khoảng thời gian em lưu luyến nhất khi xa gia đình.
Năm nay không được cùng đón Tết với gia đình nên em cảm thấy buồn và nhớ nhà da diết. Dịp đầu tiên ăn Tết xa nhà, em cùng những người bạn đồng hương cùng gói bánh chưng, trang trí nhà cửa để có thể đem lại không khí Tết thực sự như ở quê nhà”, Minh Tú kể.
Quyết định đi du học, sinh sống ở một đất nước xa lạ, Minh Tú cũng có những lúc gặp khó khăn. Thế nhưg, cô gái 9X này tâm niệm, cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy những cánh hoa hồng, vậy nên việc gặp những khó khăn, thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhất là đối với những du học sinh không có người thân bên cạnh.
“Mỗi khi có chuyện buồn, em thường tâm sự với bạn bè xung quanh để tìm ra phương án giải quyết. Đôi khi không phải chuyện gì bạn bè cũng có thể trực tiếp giúp đỡ nhưng sự sẻ chia của họ đã giúp em cảm thấy được chữa lành từ sâu trong tâm hồn.
Khi suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn, em nhận ra rằng mỗi vấn đề đều có hướng đi và cách giải quyết riêng. Có thể nghe hơn “sến sẩm” nhưng chính câu nói “khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra” của nhà khoa học Alexander Graham Bell đã tiếp thêm động lực cho em rất nhiều”, Minh Tú chia sẻ bí quyết khi gặp khó khăn.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Minh Tú cho biết bản thân chọn học ngành quản trị kinh doanh vì lâu nay ấp ủ việc xây dựng một trung tâm ngoại ngữ để có thể giúp đỡ những em học sinh và những người cảm thấy “ám ảnh” với bộ môn này.
Trong khi nền tảng ban đầu của Minh Tú là ngành Ngôn Ngữ Anh nên cô gần như “mù tịt” về các khái niệm kinh tế cũng như cách thức vận hành tối ưu nhất của một hệ thống. Vậy nên Tú đã chọn theo học ngành Quản trị Kinh doanh để có thể thực hiện ước mơ.
Mùa xuân mới sắp sang, Minh Tú cũng mong sớm hoàn thành việc học một cách xuất sắc để có những cái Tết quây quần cùng những người thân yêu...