Xem thêm: ‘Tiền vé máy bay đắt quá, Tết này đành ngậm ngùi ở lại Sài Gòn để tiền biếu cha mẹ’
Năm qua công ty tôi đối mặt tình trạng cắt giảm nhân sự, tôi may mắn giữ lại công việc nhưng chấp nhận giảm lương để chia sẻ khó khăn với ban lãnh đạo. Một năm phải chắt chiu, dè xẻn vì khó khăn chung của cả nền kinh tế. Thật sự không dễ dàng mấy, vì vật giá vẫn leo thang mỗi ngày, bất chấp thực trạng lạm phát.
Thật ra sau đại dịch Covid-19, tôi và ông xã cũng nhìn thấy được viễn cảnh trước mắt. Nhưng vợ chồng động viên nhau cố gắng, vì ít nhất gia đình vẫn còn khoẻ mạnh. Tôi không ước ao gì hơn được thấy nụ cười tươi tắn, hạnh phúc của 2 con. Từ khoảnh khắc này, tôi nhận ra không có gì ấm áp và thiêng liêng hơn cảnh gia đình đoàn tụ.
Vợ chồng tôi thống nhất dù đang phải thắt chặt chi tiêu, cũng lường trước được thưởng Tết năm nay sẽ khiêm tốn hơn, nhưng Tết này cả gia đình phải về quê mừng năm mới cùng ông bà.
Vì công việc của 2 vợ chồng, chuyện học hành của con cái, chúng tôi không thể thu xếp về thăm gia đình mỗi dịp hè. Nên Tết Nguyên đán là dịp duy nhất để 2 con về thăm ông bà, họ hàng 2 bên. Mặc dù chi phí đi lại và tiền biếu Tết, lì xì cũng lên đến vài chục triệu đồng - một con số mà đủ chi tiêu 2 tháng thường nhật cho cả gia đình – nhưng vợ chồng tôi không muốn phải chạnh lòng.
Bởi cả năm không được gặp gỡ các cháu, ông bà nội ngoại 2 bên chỉ còn mong chờ dịp Tết đến xuân về, tụi nhỏ cũng nóng lòng được gặp ông bà và các anh chị em trong dòng họ. Vợ chồng tôi đứng giữa, bằng cách nào cũng phải giữ lại nụ cười hạnh phúc của người già và trẻ em.
Khó khăn là xu hướng chung, có thể kinh tế năm 2024 sẽ còn điêu đứng nữa, nhưng tôi không muốn gia đình bị cuốn theo guồng quay đó. Có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, vợ chồng tôi vẫn hay bảo nhau như vậy, nhưng khó khăn thế nào cũng quyết giữ lại giá trị truyền thống.
Tôi không muốn thấy gương mặt thất vọng của cha mẹ khi nghe con cái báo tin Tết này không về được. Ông bà đều lớn tuổi hết rồi, tôi không biết còn bao nhiêu cái Tết được ở bên, nên không muốn bỏ lỡ bất cứ giây phút nào. Tôi lại càng không muốn thấy sự hụt hẫng, buồn tủi trên gương mặt trẻ thơ.
Tết là dịp duy nhất vợ chồng tôi đưa các con về quê, được mừng rỡ chạy vào lòng ông bà, được đi thăm các anh các chị bà con, được tận hưởng không khí Tết truyền thống của quê hương, được nghe kể những chuyện ngày xửa ngày xưa… Để rồi khi vào lại TPHCM, bọn nhỏ sẽ có hàng tá câu chuyện làm vốn, sẽ kể lại cho thầy cô và bạn bè nghe chuyện “ngày Tết quê em”.
Bởi bằng cách đó, tôi và chồng tin rằng đang nuôi dưỡng cho các con những ký ức đẹp của tuổi thơ, để mai này lớn khôn rồi kết hôn và có gia đình mới, chúng sẽ kể lại cho thế hệ tiếp theo. Chúng tôi không muốn ký ức ấy bị mất đi, nên dù có tốn tiền ra sao vẫn phải thu xếp về ăn Tết với nguồn cội.
Không chỉ với trẻ thơ, Tết cũng là dịp để tôi tìm lại những giây phút mình đã lãng quên. Tôi lại về thong thả rảo bước bên cánh đồng làng, lắng nghe mùi mạ non để nhớ ngày xưa bé từng rong chơi cùng chúng bạn. Tôi nhớ con sông xưa cùng chúng bạn trốn bố mẹ ra học bơi, và nhớ cả lũ bạn ngày xưa từng cùng mình bao lần dại dột.
Tôi cũng muốn tìm lại không khí rộn ràng những ngày giáp Tết. Nhớ bếp lửa bập bùng bên nồi bánh chưng mà đám trẻ ngày xưa thức xuyên đêm canh cùng các cụ, nhớ mùi trứng và bột thơm lưng để làm bánh Tết bên căn bếp của mẹ.
Tôi sẽ về để ôn lại ngày xưa ấy, rồi quây quần cùng gia đình, có bố mẹ, có anh chị và con cháu để nghe những tiếng cười giòn tan, nụ cười hiền. Tết, không gì giá trị hơn bằng khung cảnh gia đình đoàn viên.
Một năm quần quật đủ rồi, tôi tin khoảnh khắc ấy sẽ “chữa lành” cho tất cả, hơn những gì mà người ta vẫn thường nghêu ngao về khái niệm chữa lành sau đại dịch.