Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Tạ Thị Minh Hợp - Giám đốc Cung ứng Hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+, dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp còn cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu.
Người tiêu dùng có xu hướng tập trung mua sắm các mặt hàng cơ bản như: hàng tươi sống; thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu,... phục vụ đón Tết.
Nhằm đảm bảo cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán tới, hệ thống này đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng các mặt hàng chủ lực. Hàng hoá DN chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40-50% so với lượng bán bình quân.
Các hệ thống phân phối đã chuẩn bị đủ hàng cho cao điểm mua sắm cuối năm |
TGĐ Aeon Việt Nam - ông Furusawa Yasuyuki - chung nhận định, người tiêu dùng còn khá thận trọng khi mua sắm, lượng khách và sức mua chưa bằng so với các năm trước. Tuy nhiên, từ một số dấu hiệu tích cực của thị trường, đại diện Aeon tin sức mua sẽ tăng dần trong thời gian sắp tới, đặc biệt vào giai đoạn cận Tết.
Siêu thị dự kiến tăng lượng hàng lên khoảng 15% so với Tết Tân Sửu 2021, tập trung vào hàng thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây); thực phẩm khô (gạo, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát,... ). Ngoài ra, DN đẩy mạnh bán hàng đa kênh, ưu tiên các hình thức mua hàng trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay, hệ thống phân phối này sẽ mở cửa ngay từ mùng 2 Tết, tức là chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết để người dân có đủ thời gian, yên tâm mua sắm hậu đại dịch.
Về phía nhà cung ứng, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, khẳng định, người dân TP.HCM không lo thiếu nồi thịt kho hột vịt theo đúng hương vị Tết truyền thống. Công ty đủ sản lượng trứng cho thị trường tiêu dùng.
DN tại TP.HCM chuẩn bị hơn 7.000 tỷ dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Đối với mặt hàng thịt heo, Phó Tổng giám đốc Vissan - ông Phan Văn Dũng - cho biết, sản lượng đã đạt tới 90% cho mùa mua sắm cuối năm, đáp ứng cung cấp cho các đơn vị phân phối. Trong hai tuần cuối cùng của năm, DN sẽ nới giờ mở cửa sớm hơn đối với hệ thống phân phối trực thuộc. Người tieu dùng không phải đi mua hàng tích trữ bởi sản lượng thịt heo đảm bảo đủ.
Liên quan đế việc chuẩn bị nguồn hàng, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, Sở đã làm việc với các DN, chuẩn bị hơn 7.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết.
Về mặt bằng giá, chương trình của các DN bình ổn trên địa bàn TP sẽ giúp giữ giá cả hàng hóa ổn định trong 1 tháng trước và 1 tháng sau Tết, với khung chi phối từ 30-40% các chủng loại mặt hàng. Từ đó, giúp giảm nhịp sự tăng giá của thị trường. Ngoài ra, khu vực nào có đông công nhân, các DN sẽ chuẩn bị cung ứng hàng bù đắp bằng việc tổ chức bán hàng lưu động ở đó.
“Với kinh nghiệm đã có của hệ thống phân phối khi cao điểm giãn cách xã hội, chúng tôi tự tin rằng việc mua sắm thực phẩm không quay lại khó khăn như trước. Tuy vậy, người dân hãy đồng hành cùng thành phố, tiêu dùng thông minh và lựa chọn phương thức mua sắm an toàn nhất”, ông Vũ nói.
Trần Chung