Tết Giáp Thìn 2024: Lại chuyện xưa nói mãi – Mình ăn Tết hay để Tết ăn mình?

Độc Cầm (T/h MXH)| 07/02/2024 06:00

Những ngày cuối năm tất bật, các bà các mẹ các chị lại luôn tay luôn chân, hết mua sắm Tết đến làm bánh mứt và 3 ngày Tết cứ chôn chân trong căn bếp. Chuyện xưa nhắc mãi nhưng chưa bao giờ cũ: Mình ăn Tết hay để Tết ăn mình?

Xem thêm: Nguồn gốc cúng giao thừa Giáp Thìn 2024 và mâm cúng

Xem thêm: Tranh cãi việc không cúng giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 vì xui xẻo: Nên hay không?

Xem thêm: Hướng dẫn cúng tất niên cho đúng phong tục người Việt

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình sum vầy, để người người nghỉ ngơi sau một năm vất vả mưu sinh. Nhưng Tết cũng là cơn ác mộng của bao người, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng nông thôn.

Từ những ngày đầu tháng chạp âm lịch, các bà mẹ lại tất bật dọn dẹp, tân trang nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Việc nhà vốn được xem là công việc không tên, làm mãi không thấy hết. Lắm lúc các bà lại bực dọc, cau có rồi la mắng. Việc này, cả gia đình cùng chung tay sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn nhiều.

tet.jpeg
Nhiều gia đình có thói quen để một năm mới lau dọn nhà cửa nên mất nhiều thời gian. Ảnh tư liệu

Khi nhà cửa khang trang, sạch sẽ, các bà mẹ lại bắt tay mua sắm Tết. Nhiều người đảm đang hoặc yêu thích văn hoá truyền thống, thường sẽ mua các nguyên liệu rồi làm bánh chưng bánh tét, các loại bánh mứt, hạt dưa… Đến những ngày cận Tết, họ lại tất tả mua hoa đem về chơi Tết.

Nhưng cúng Tết Nguyên đán mới là nỗi hãi hùng của bao người. Nhiều gia đình thường tổ chức tất niên từ 20 âm lịch trở đi, lúc này phụ nữ chỉ dính lấy căn bếp, không thấy mặt trời đâu.

Chưa hết, sau cúng tất niên là một loạt phong tục khác như cúng giao thừa, cúng đầu năm mới, cúng mùng 2 Tết rồi đến lễ hoá vàng. Cuối năm làm mâm cúng đón tổ tiên về ăn Tết, mừng 3 hay mùng 4 lại chuẩn bị mâm cơm tiễn ông bà đi.

grt.jpeg
Cúng kiếng suốt nhiều ngày liền sẽ làm phụ nữ mệt mỏi. Ảnh tư liệu

Nhiều cô vợ trẻ về làm dâu những gia đình này cũng phải theo phong tục, lại tất bật cùng mẹ chồng chộn rộn trong căn bếp, không còn thời gian nghỉ ngơi, chưa nói đến chơi bời.

Có những ông chồng phụ giúp vợ con trong những ngày này, đó là điều may mắn. Nhưng cũng nhiều ông chỉ biết la cà, suốt ngày đi tất niên hàng xóm và dĩ nhiên luôn trong tình trạng say xỉn. Hoặc cũng có những ông suốt ngày chỉ biết mời bạn mời bè đến nhà, vợ con lại tất bật cơm bưng nước rót, không có thời gian ngơi nghỉ.

Thường những ông chồng ở các vùng thôn quê, Tết là dịp chén chú chén anh, suốt ngày bê bết rượu chè, việc nhà đùn hết cho vợ con lo. Phụ nữ trong trường hợp này, phần lớn là chịu đựng.

tn.jpeg
Không ai bắt bạn phải bỏ đón Tết, nhưng đón thế nào để tránh lãng phí, áp lực là chuyện cả gia đình phải ngồi nói với nhau. Ảnh: Thanh Niên

Bạn tôi, ngay năm đầu tiên lấy chồng, hào hứng về nhà chồng với bao dự định cho cả 2. Nhưng trong 3 ngày Tết, cô không phút giây nào thoát khỏi căn bếp. Từ việc làm mâm cúng tổ tiên đến dọn cỗ cho cả gia đình, khách khứa rời mời trà bánh những người đến chơi nhà. Bạn bè gọi mãi, cô không có thời gian nghe máy, đêm về vào phòng mới được nhắn tin.

Một cô bạn khác của tôi, dù không bị gia đình yêu cầu nhưng với bản tính siêng năng, không bao giờ ở yên một chỗ, liền làm hết việc này đến việc kia. Thấy bạn bày biện không ngơi nghỉ, tôi bèn hỏi sao phải đày ải bản thân như thế, cô liền cười đáp: “Không làm không được. Nhìn thì cực thiệt, công việc chỉ có thêm không có bớt, nhưng được cái vui. Bày đủ trò, làm hết cái này đến cái kia mới thấy có không khí Tết, để người lớn được vui mà tụi con nít cũng háo hức theo”.

Mẹ tôi trong suốt những ngày Tết phải phục vụ cho chồng con và nhiều lúc mắng mỏ, phàn nàn rằng năm sau nghỉ đón Tết nhưng rồi bà lại cứ bày biện thật linh đình, cúng kiếng phải có mặt đông đủ cháu con mới yên lòng được. Dỗi chồng mắng con sau những chầu nhậu “tới bến” vì “Tết mà”, nhưng rồi mẹ cũng cắn răng dọn dẹp tàn cuộc. Vì với mẹ, phụ nữ phải nhẫn nhịn để cả gia đình được vui.

Còn người bạn khác của tôi, mỗi lần về quê trong dịp Tết, cô chỉ la cà với chúng bạn, có khi mang theo 2 con nhỏ, khi lại gửi cho bà ngoại trông coi. “Về quê là để nghỉ ngơi, không phải hành xác vì phong tục tập quán. Một năm đi làm căng thẳng, mệt mỏi đủ rồi, về nhà mẹ ruột mà cứ phải hầu hạ chồng con nữa chắc tao khỏi ăn Tết”, cô cười khanh khách nói.

tht.jpeg
Hãy giữ lại tiếng cười cho ngày Tết. Ảnh: Thanh Niên

Tết là phải vui, dĩ nhiên vui thế nào còn tuỳ cách nhìn nhận/đón nhận của mỗi người. Nhưng Tết mà cứ phải quần quật theo vòng xoáy hối hả ấy, không có lấy phút giây ngơi nghỉ cho bản thân, thì đúng là Tết “ăn” mình chứ nào phải mình “ăn Tết”.

Không chỉ nghỉ ngơi theo nghĩa đen, Tết là dịp để bạn vỗ về tâm hồn của chính mình. Để không khí gia đình và cả bạn bè tưới mát những cảm xúc trong bạn, để được nạp năng lượng, khởi động cho một năm mới đầy vui tươi, lạc quan. Mong rằng ai trong chúng ta cũng có những phút thư giãn đúng nghĩa, tìm được giá trị riêng cho mình trong ngày Tết cổ truyền mà không phải bị cuốn theo lề thói lạc hậu.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tết Giáp Thìn 2024: Lại chuyện xưa nói mãi – Mình ăn Tết hay để Tết ăn mình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO