Tết cổ truyền trong tâm thức những người lao động làm việc ở nước ngoài

01/02/2022 18:23

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về là lúc mà những người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài thêm bồi hồi nhớ về không khí Tết cổ truyền của dân tộc.

“Giờ này hằng năm, ở nhà tôi chắc đã dọn dẹp xong xuôi nhà cửa. Mọi người cũng phân công nhau túc trực bên nồi bánh chưng” - anh Lê Văn Trung (Yên Định, Thanh Hoá) bồi hồi nhớ lại.

Hiện tại, anh Trung đang làm việc tại Hàn Quốc. Năm nay là cái Tết thứ 2 anh đón tại nơi đất khách quê người. Anh Trung kể: “Ngày tôi ra sân bay sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động thì chỉ còn 10 ngày nữa là Tết. Lần đầu tiên xa nhà, mà lại vào đúng dịp này cảm xúc thật khó tả”.

Họ cùng nhau chuẩn bị mâm cúng Tất niên. Ảnh NVCC
Họ cùng nhau chuẩn bị mâm cúng Tất niên. Ảnh: NVCC

Ngày Tết là lúc cả gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Vì vậy, một mình phải “lên đường” khiến anh rất nhớ nhà, nhớ quê hương. “Nhớ nhung thì để trong lòng thôi. Bởi lao động mà được sang bên Hàn Quốc làm việc làm điều may mắn rồi. Đây là mong muốn của biết bao người lao động khác” - anh Trung nói.

Những ngày Tết Nguyên đán, các lao động Việt Nam làm việc tại đây cũng quy tụ, cùng nhau sắm sửa mâm cơm đủ đầy như bánh chưng, thịt gà… để tận hưởng phần nào không khí Tết cổ truyền của dân tộc.

Từ những ngày cận Tết, mỗi khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhoài, anh Trung lại gọi điện về cho gia đình. Những hình ảnh mọi người sum họp, quây quầy chúc tụng nhau đầu năm mới khiến nỗi nhớ nhà của anh Trung càng da diết.

Anh Trung chia sẻ: “Bố mẹ cũng thương và buồn khi mình không thể góp mặt ở nhà. Nhưng nói chung vì công việc nên bố mẹ thường động viên, cố gắng”.

Anh Phạm Đức Kiên (29 tuổi, Nghệ An) cũng là lao động sang Hàn Quốc làm công việc đóng tàu. Dịp Tết Nguyên đán, anh Kiên cũng được nghỉ 5 ngày. Bên cạnh đó, anh Kiên cũng nhận khoản thưởng Tết của công ty.

Là người xa nhà từ khi học cấp 3, nên anh Kiên đã quen với việc phải sống độc lập. “Năm đầu tiên mà đón Tết ở nơi xa thì cũng nhớ quê hương nhiều. Đến nay, thì không còn cảm giác tủi thân như trước” - anh Kiên chia sẻ.

Tết cổ truyền ở Việt Nam là thời điểm mọi người sum họp, quây quần, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, sự khởi đầu hanh thông cho một năm mới. Qua cuộc gọi video về cho mẹ, anh Kiên cũng cảm nhận được phần nào không khí Tết quê nhà.

Anh Kiên nói: “Năm nào đúng ngày 30 Tết, sáng mùng 1 cũng gọi điện về cho gia đình. Chúc mừng năm mới mọi người và gửi lời hỏi thăm đến từng thành viên trong gia đình”.

Còn tại Hàn Quốc, những lao động ở đây quây quầy bên nhau. Anh Kiên chia sẻ: “Năm đầu tiên thì tôi được mọi người chở đi mua đồ ăn. Sau đó, mọi người cùng về ký túc xá tập trung nấu nướng. Không khí chuẩn bị Tết cũng rất ấm áp”.

 
Trang trí cho căn phòng. Ảnh: NVCC

Khi cùng xa quê, những người Việt Nam có xu hướng “xích” lại gần nhau hơn. Anh Kiên cũng đến nhà một số người bạn chúc Tết, mừng tuổi đầu năm. “Bên này mọi người cũng tự tổ chức, nhưng chỉ là hoạt động để vui vẻ, xua tan nỗi nhớ quê nhà. Còn lại thì không thể bằng khi có mặt ở quê nhà được” - anh Kiên cho biết thêm.

Sang năm mới, anh Kiên mong muốn có sức khoẻ để làm việc thật năng suất. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh được đẩy lùi để những người lao động yên tâm làm việc.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tết cổ truyền trong tâm thức những người lao động làm việc ở nước ngoài
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO