Tên lửa đa năng Sea Breaker: Vũ khí diệt hạm thế hệ mới của Israel

05/07/2021 08:49

Sea Breaker là tổ hợp tên lửa đa năng, có khả năng chống hạm, tấn công đất liền, phòng thủ bờ biển và là tên lửa hành trình đất đối đất thế hệ thứ 5 hiện đại do của công ty Rafael của Israel phát triển.

Công ty Rafael của Israel vừa giới thiệu tên lửa hành trình Sea Breaker thế hệ thứ năm, được xem là hệ thống tên lửa tầm xa tự hành chính xác cao, có thể phá hủy các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300km.

Đặc tính chiến đấu mới

Theo thông tin từ trang web chính thức của công ty Rafael, tên lửa Sea Breaker có thể được phóng từ các nền tảng hải quân với nhiều kích cỡ khác nhau, từ tàu tên lửa tàu, khu trục nhỏ và tàu hộ tống, kể cả chiến hạm trọng tải nhỏ dưới 100 tấn. Ngoài ra chúng có thể bố trí trên các bệ phóng mặt đất. Đặc biệt, hệ thống SPYDER di động do Rafael phát triển có khả năng mang 6 tên lửa Sea Breaker.

Tên lửa Sea Breaker do công ty Rafael của Israel phát triển và chế tạo. Ảnh: rafael.co.il

Các mục tiêu của Sea Breaker không chỉ trên biển, mà còn trên đất liền, như cơ sở hạ tầng, hệ thống radar, kho nhiên liệu... Tên lửa Sea Breaker có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, mọi thời điểm. Tên lửa có khả năng miễn nhiễm với nhiễu điện từ, đồng thời có thể bay trong các khu vực hạn chế, chống tiếp cận và xâm nhập (A2/AD). Các liên kết dữ liệu của tên lửa hỗ trợ việc cập nhật và đưa ra quyết định theo thời gian thực.

Tên lửa này được xem là vũ khí chống hạm thế hệ thứ 5, có sử dụng các yếu tố trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán học sâu (Deep learning). Chúng ít bị tác động bởi tác chiến điện tử, mặc dù sử dụng một tên lửa ảnh nhiệt (Imaging Infra-Red). Đặc biệt, Sea Breaker có khả năng chống nhiễu từ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS).

Về đặc điểm kỹ thuật, tên lửa Sea Breaker có chiều dài 4m, nặng khoảng 400kg. Phần đầu đạn nặng 110kg, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 300km. Tên lửa có thể được phóng từ thùng vận chuyển và bệ phóng. Hành trình bay được cung cấp năng lượng bởi một động cơ tuốc bin phản lực. Tốc độ bay cận âm.

Tên lửa có thể di chuyển ở độ cao cực thấp, với khả năng bay theo địa hình tầm thấp hoặc bay lướt trên biển. Việc phát hiện và xác định mục tiêu là hoàn toàn tự động. Hệ thống liên lạc cho phép người điều hành có thể nhắm lại mục tiêu hoặc hủy nhiệm vụ, cũng như chuyển dữ liệu trở lại đánh giá mức độ thiệt hại của mục tiêu (Battle Damage Assessment).

Sự kết hợp giữa khả năng của đầu đạn (theo Raphael, tương ứng với quả bom Mk.82 nặng 226 kg) và khả năng phá hủy một khu vực mục tiêu cụ thể cho phép tên lửa đánh chìm hoặc gây thiệt hại nặng nề cho các lớp tàu chiến, bao gồm cả khinh hạm. Sea Breaker cũng có thể hạ gục các mục tiêu di động trên mặt đất, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Khách hàng tiềm năng

Nhà phát triển Rafael đánh giá, Sea Breaker là vũ khí đa năng, có khả năng mang lại hiệu quả sát thương hiệu quả trong vai trò của tên lửa chống hạm, tấn công đất liền, phòng thủ bờ biển và tên lửa hành trình đất đối đất. Hiện giá của tên lửa hành trình mới này chưa được xác định.

Sea Breaker có thể bố trí trên chiến hạm cỡ nhỏ dưới 100 tấn. Ảnh: rafael.co.il

Giám đốc điều hành của Rafael Yoav Har Even nhấn mạnh, tên lửa mới không thể bị chặn, và đường bay của nó không thể bị gián đoạn. Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu di động, cũng như đóng vai trò là vũ khí chống lại tình huống Standoff (đối đầu) từ khoảng cách xa. Theo Har Even, các nỗ lực phát triển tiếp thị Sea Breaker trước tiên sẽ nhắm mục tiêu đến các khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới.

Hiện, tên lửa Sea Breaker đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng và sẵn sàng để giới thiệu cho khách hàng trong thời gian tới. Việc tích hợp với hệ thống phòng không SPYDER khiến chúng được xem như một vũ khí chống hạm ven biển. Điều này trở nên hấp dẫn đối với các quốc gia có hệ thống phòng không SPYDER như Philippines, Singapore và Việt Nam.

Nhìn vào đặc tính hoạt động của Sea Breaker, có thể nhận thấy chúng giống với tên lửa chống hạm NSM của Na Uy. Tên lửa này được Hải quân Hoa Kỳ lựa chọn để trang bị cho các tàu khu trục ven biển (LCS) như khinh hạm lớp Constellation, cũng như đáp ứng nhu cầu của lực lượng thủy quân lục chiến (phóng từ các bệ phóng di động trên đất liền). Ngoài Na Uy và Mỹ, tên lửa này còn được cung cấp cho Malaysia và Ba Lan, trong khi Canada, Đức và Romania cũng đang đặt hàng.

Nhu cầu về tên lửa hải quân đa năng và tiên tiến xuất hiện kể từ khi hầu các quốc gia được tiếp cận với các loại vũ khí này (trước đây chỉ dành cho các siêu cường). Tuy nhiên, ngày nay, các nền tảng vũ khí phải đối mặt với các thách thức mới, được thể hiện bởi các vùng phòng không chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD) triển khai dọc theo bờ biển và đất liền. Ngoài ra, những thách thức khác cũng xuất hiện liên quan đến chiến tranh trong “vùng xám”, nơi đối thủ có thể đe dọa quyền tự do hàng hải.

Với hệ thống tên lửa Sea Breaker, công ty Rafael của Israel cho phép các lực lượng hải quân hiện đại giải quyết những thách thức do khu vực A2/AD của đối phương và chiến tranh “vùng xám” gây ra. Theo đó, lực lượng hải quân tìm kiếm những khả năng tấn công tiên tiến để gây bất ngờ và áp đảo kẻ thù từ xa, với xác suất thành công cao.

Theo nhà phát triển Rafael, Sea Breaker tạo ra lợi thế bằng cách sử dụng một hệ thống vũ khí hải quân thông minh, nhanh nhẹn và có khả năng gây sát thương lớn, có thể thực hiện các cuộc tấn công phối hợp, đồng thời có thể mở rộng thêm các mục tiêu trên bộ và trên biển được bảo vệ, với xác suất thành công cao. Tên lửa có thể hoạt động hiệu quả ở vùng ven biển hoặc nước sâu, bao gồm cả vùng quần đảo.

Rafael khẳng định công nghệ của họ đi trước đối thủ hai thế hệ. Hơn nữa, hệ thống nhắm mục tiêu hiệu quả của Sea Breaker có thể hoạt động trong các môi trường phức tạp chưa từng có, với hầu hết các loại radar và được thử thách trong môi trường đô thị đông đúc và vùng ven biển.

Để khởi động chiến dịch tiếp thị của mình, Rafael tập trung vào các tàu vừa và nhỏ và các phương tiện trên bộ làm nền tảng cho Sea Breaker. Trong tương lai, nhiều lựa chọn hơn có thể sẽ được xem xét để hỗ trợ các khái niệm chiến tranh hải quân đang phát triển của tàu không người lái và tàu ngầm.

Tên lửa Sea Breaker hiện đang ở giai đoạn phát triển nâng cao và đã thu hút sự quan tâm của một số khách hàng tiềm năng, có thể là các quốc gia nằm ở khu vực Biển Đông. Một số quốc gia trong số đó sẽ là ứng cử viên tiềm năng cho loại vũ khí đa năng này.

MINH TUẤN (Theo Israel Defense, vpk.name, RG.ru)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tên lửa đa năng Sea Breaker: Vũ khí diệt hạm thế hệ mới của Israel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO