Tây Nguyên: Hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều yếu kém

Nhóm PV Tây Nguyên| 23/11/2021 11:35

Tại 2 tỉnh lớn nhất vùng Tây Nguyên là Gia Lai và Đắk Lắk, hệ thống y tế cơ sở đang bộc lộ nhiều yếu kém trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân tuyến đầu. Tại nhiều khu vực thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự lẫn trang thiết bị y tế cần thiết để chống dịch COVID-19...

Yếu cả lượng lẫn chất

Y sĩ Hà Thị Tuyết Lý - Phó Trạm trưởng Y tế phường Hoa Lư, TP.Pleiku (Gia Lai) - cho biết: "Cũng vì khó tìm và nằm trong hẻm sâu nên nhiều năm qua nên xảy ra những chuyện “bi hài” khi trạm tiếp nhận bệnh nhân. Hẻm nhỏ, xe cấp cứu chở bệnh nhân không vào được, có khi cả y tá và người nhà phải bế hoặc cõng bệnh nhân mang thai trên lưng vào tận giường bệnh để thăm khám. Khổ hơn cả là những bệnh nhân chảy máu, gãy xương, họ phải đi bộ xa khiến vết thương thêm đau nhức.

Trạm y tế chật chội, xây lâu năm nên tường vôi bong tróc từng mảng, trần nhà nhiều chỗ thủng dột, mưa tạt vào ướt bên trong. Trạm chỉ có 6 nhân viên y tế, một người vừa mới nghỉ hưu. Tôi quá hiểu rõ những khó khăn của nhân viên y tế cơ sở. Khi dịch bùng phát mạnh, nhân viên y tế xuống từng ngõ, gõ từng nhà để truy vết. Phường có 3 khách sạn dùng để kích hoạt khi cách ly chống dịch, khách sạn nào cũng cần ít nhất một nhân viên trực. Còn khi y tá đi trực thì trạm thiếu người".

“Trung tâm Y tế TP.Pleiku đã làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh Gia Lai xin cấp thêm 5m đất phía sau lưng để mở rộng diện tích nhằm có chỗ để xe, khu vực chờ của người dân đến khám. Tuy nhiên, chúng tôi chờ đợi đã mấy năm nay nhưng chưa thấy có động tĩnh gì” - bà Lý buồn rầu chia sẻ.

Toàn tỉnh Gia Lai đang có 220 trạm y tế tuyến xã với tổng số cán bộ là 1.106. Trong đó, 175 bác sĩ, 302 y sĩ, 6 dược sĩ đại học, 283 điều dưỡng, 232 hộ sinh và 11 kỹ thuật viên y tế, số cán bộ người dân tộc thiểu số là 319.

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai: Công tác tài chính tự thu tự chi nên các đơn vị cơ sở chỉ đảm bảo quỹ tiền lương cho viên chức, chứ không đủ kinh phí để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng và trang bị máy móc, việc tăng thu nhập cho cán bộ viên chức còn khó khăn. Tình trạng chuyển công tác, xin nghỉ việc làm cho tình hình nhân lực của tuyến y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhân lực có trình độ cao.

Với đặc thù 46% là người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống rải rác nên việc quản lý hồ sơ sức khỏe gặp nhiều khó khăn. Cán bộ y tế tuyến cơ sở không bảo đảm nhân lực nên việc triển khai công tác quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử chưa thực hiện được. So với các tỉnh vùng đồng bằng thì tỉ lệ xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế của Gia Lai còn khiêm tốn. Nhiều huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng Tiêu chí quốc gia về y tế xã và xem việc này là trách nhiệm của ngành Y tế.

Tại Đắk Lắk, tình hình cũng chẳng khả quan hơn, ông Trần Thuận - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk - thông tin, hệ thống y tế cơ sở ở huyện đang gặp nhiều khó khăn. Dịch COVID-19 bùng phát 2 năm qua, việc sử dụng nguồn kinh phí 4 tại chỗ còn nhiều hạn chế dẫn đến việc nhiều lần thiếu hụt vật tư, trang thiết bị. Ngoài ra, nguồn nhân lực bổ sung cho các xã truy vết, chống dịch cũng thiếu hụt nghiêm trọng.

Mới chỉ giải quyết phần "ngọn"

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - thông tin, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Y tế tỉnh vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự ngành Y để hỗ trợ cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trong thời gian tới, đối với các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập mới, sở triển khai huy động nhân lực từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các cơ sở y tế ngoài công lập, tình nguyện viên… để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng chiến lược phòng chống dịch COVID-19 “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả.

Sở Y tế Đắk Lắk đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện huy động các nguồn nhân lực y tế có trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Nhân sự tuyển dụng đợt này gồm người làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, những người đã nghỉ hưu, tình nguyện viên, đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế… Công tác tổ chức triển khai tiếp nhận tình nguyện viên phải đảm bảo các nội dung an toàn đối với cán bộ y tế và lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 - ông Phi La nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thuận - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búkông: Để giải quyết tạm thời việc thiếu thốn nhân sự chống dịch, đơn vị đã xin UBND huyện cho chủ trương điều động hỗ trợ nhân viên y tế học đường ở các trường học trên địa bàn để bổ sung kịp thời cho các cơ sở.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai đang báo cáo lên UBND tỉnh thực trạng khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, hạ tầng của các trạm y tế xã, phường trên địa bàn, nhằm có hướng đầu tư hợp lý, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp. Theo đó, các Trạm y tế xã, phường và Trung tâm y tế huyện ở Gia Lai có nhiệm vụ cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân, lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa y tế cơ sở và tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Hiện, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (thuộc Sở Y tế Đắk Lắk) chỉ còn có 1.390 cán bộ, y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, nhân viên… trong đó có 340 bác sĩ. Trong khi đó nhu cầu thực tế của bệnh viện phải cần bổ sung thêm vài trăm người nữa. Ông Nguyễn Đại Phong - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - cho hay, nhân sự ở các khoa khám bệnh chủ lực hiện về cơ bản vẫn đủ người. Trong 2 năm qua, đơn vị có nhiều trường hợp xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, đơn cử là ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc được nghỉ thôi việc theo nguyện vọng từ ngày 1.12.2021. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn cố gắng "chiêu mộ", tuyển dụng tiếp nhân sự để thỏa lấp các vị trí, đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO