Tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh: Đừng để toan tính chính trị ảnh hưởng tới tinh thần thể thao

Minh Tuấn (t/h)| 09/02/2022 21:50

Chiến dịch tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 được Mỹ phát động và được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng. Chiêu bài “nhân quyền” một lần nữa được Mỹ đưa ra để phát động chiến dịch tẩy chay này. Tuy nhiên, việc chính trị hóa một sự kiện thuần túy thể thao là điều hoàn toàn không nên xảy ra.

Olympic không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh tài của các vận động viên thể thao mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, tình yêu hòa bình của toàn nhân loại. Sự góp mặt của các vận động viên thể thao trên toàn thế giới giúp xóa nhòa mọi ranh giới địa lý, giúp con người trên khắp năm châu gần gũi và yêu thương nhau nhiều hơn. Được tham dự Olympic trở thành niềm tự hào, thành những trải nghiệm tuyệt vời cho tất cả các vận động viên thể thao trên toàn thế giới.

Olympic là nơi để tôn vinh tình đoàn kết và tinh thần thể thao (ảnh: VOV)

Thế vận hội thể thao mua đồng 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh hướng tới chủ đề “Cùng nhau hướng tới tương lai chung” (Together for a Shared Future). Nói cách khác, thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh hoàn toàn nhằm mục tiêu giúp cho thế giới trở nên đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch ngày càng trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, trước khi khai mạc, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng cuộc vận động tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh do Mỹ phát động. Hàng loạt quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Canada và Nhật Bản,… đã tham gia vào phong trào tẩy chay ngoại giao này. Nguyên nhân mà những người ủng hộ chủ trương tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh đưa ra là vì vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Rõ ràng, chính trị hóa một hoạt động thể thao là điều hoàn toàn không nên xảy ra. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng: "Thế vận hội sẽ là một sự kiện rất quan trọng, tượng trưng cho vai trò của thể thao trong việc kết nối người dân thế giới. Vì vậy, tôi sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh với thông điệp đây sẽ là một sự kiện giúp thúc đẩy hòa bình thế giới".

Không nên để yếu tố chính trị ảnh hưởng tới tinh thần Olympic (ảnh: qdnd)

Cơ quan Bưu chính Liên Hợp Quốc (UNPA) hôm qua cũng phát hành một bộ tem mới mang tên "Thể thao vì Hòa bình" (Sport for Peace) để đón chào Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Nhiều người đặt câu hỏi: Việc tẩy chay một Thế vận hội thể thao đề cao tinh thần đoàn kết và yêu thương vì vấn đề nhân quyền liệu có “ngược đời”? Liệu những người phản đối có thực sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền hay đó chỉ là cái cớ để họ nhắm vào những mục tiêu khác?

Thiết nghĩ, tinh thần thể thao, tinh thần Olympic là giá trị cao cả và đáng trân trọng nhất. Nó nằm ngoài những toan tính chính trị của bất cứ ai. Do vậy, chúng không nên để những toan tính chính trị ảnh hưởng tới Olympic Bắc Kinh 2022. Có như vậy, Olympic mới mãi mãi là nơi tôn vinh sự yêu thương và đoàn kết.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh: Đừng để toan tính chính trị ảnh hưởng tới tinh thần thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO