Ác mộng luân lưu và sự sa lầy của tiki-taka trên sa mạc Sahara
Đội tuyển Tây Ban Nha có một lịch sử đá luân lưu đầy bi ai. Tại tứ kết World Cup 2002, La Roja đã để thua Hàn Quốc sau loạt đấu súng cân não ở vòng tứ kết. 16 năm sau, World Cup 2018 trên đất Nga, Tây Ban Nha lại thất bại trước đội bóng nước chủ nhà trên chấm 11m. Đến bán kết Euro 2020 diễn ra năm ngoái, thầy trò Luis Enrique dừng chân ở bán kết trước người Ý cũng bằng thi đá 11m.
Và đêm qua ở vòng 1/8 World Cup 2022, như để khẳng định sự kém cỏi trong đá luân lưu, dù đã tập đá 11m cả 1.000 lần theo lời trung phong Alvaro Morata, đội tuyển Tây Ban Nha thua trắng Morocco khi sút hỏng cả 3 loạt đá. Đồng nghĩa, 3 giải đấu lớn gần nhất, Tây Ban Nha đều bị loại bởi đá luân lưu. Đồng nghĩa, Tây Ban Nha là đội sở hữu thành tích đá luân lưu tệ nhất lịch sử vòng chung kết cúp bóng đá thế giới, với 3 lần thất bại.
Báo giới quốc tế lập tức chơi chữ bằng dòng tít: More Penalty Pain for Spain (Tạm dịch: Luân lưu, thêm một lần đau cho người Tây Ban Nha). Tuy nhiên, không vì thế để có thể đổi hết mọi "tội lỗi" cho loạt luân lưu may rủi. Tây Ban Nha có 90 phút thi đấu chính thức và 30 phút hiệp phụ để đánh bại Morocco nhưng bất khả thi. Cú sút dội cột của Sarabia ở phút bù giờ hiệp phụ có thể đem đến sự tiếc nuối, tuy nhiên chỉ chừng đó thôi không đủ che phủ cho màn trình diễn bất lực của thầy trò Luis Enrique.
Tương tự 3 trận vòng bảng, Tây Ban Nha ra sân với bộ ba tiền vệ trung tâm Busquets, Gavi và Pedri. Gavi trở thành cầu thủ trẻ nhất đá chính trong một trận đấu loại trực tiếp tại World Cup sau Pele ở Thụy Điển năm 1958. Với sự hiện diện của bộ ba tiền vệ thuộc Barca, với cặp Gavi-Pedri được ví như Xavi-Iniesta mới, La Roja dễ dàng áp đảo đại diện đến từ Bắc Phi về thời gian kiểm soát bóng. Suốt 120 phút thi đấu, các học trò của HLV Luis Enrique cầm bóng tới 77%, chỉ cho đối phương cầm bóng 23%.
Tuy nhiên, trái ngược với màn trình diễn thao túng đầy ma mị trước Costa Rica ở lượt trận mở màn vòng bảng, tiki-taka (lối chơi ban bật kiểm soát bóng) của người Tây Ban Nha như thể sa lầy trên sa mạc Sahara. La Roja chỉ cầm bóng chứ không đạt được cả hai mục đích tối thượng là tấn công và không cho đối phương cơ hội tấn công.
Trên mặt trận tấn công, các tình huống ban bật của "Những chú bò tót" dễ dàng lạc nhịp trước hệ thống phòng ngự lùi sâu và chơi rát của Morocco. Những nỗ lực xuyên phá của những cầu thủ mỏng cơm như Gavi, Pedri hay Dani Olmo dễ dàng bị bẻ vụn bởi các cầu thủ lực lưỡng đến từ Bắc Phi.
Thống kê chỉ ra, Tây Ban Nha tung ra tổng cộng 7 pha dứt điểm trong 90 phút thi đấu chính thức, trung bình mất 107 đường chuyền để thực hiện một cú sút. Tệ hơn nữa, những cơ hội rõ ràng nhất của La Roja đều đến từ các pha đoạt bóng bên phần sân đối phương, xuất phát từ sơ suất của hàng thủ Morocco, hoặc các tình huống cố định. Điều đó càng minh chứng cho thất bại ê chề của tiki-taka.
Ở khâu phòng ngự, khung thành thủ môn Unai Simon hầu như đều rơi vào tình trạng chao đảo mỗi khi các cầu thủ ở tuyến trên để mất bóng. Nếu chỉn chu hơn trong các pha dứt điểm, có lẽ Morocco không cần chờ đến loạt đá luân lưu để kết liễu "Những chú bò tót". Nhưng tổng kết lại, thất bại của Tây Ban Nha xuất phát từ việc không thể áp đặt lối chơi, thao túng thế trận theo kiểu tiki-taka. Kết quả trong loạt đá luân lưu đơn giản là hệ lụy từ 120 phút thi đấu bế tắc.
Đội tuyển 2 tháng và dũng khí của người Morocco
Vượt qua gã khổng lồ Tây Ban Nha, Morocco đã có mặt tại tứ kết, qua đó trở thành đội bóng trong thế giới Ả-rập có thành tích tốt nhất lịch sử giải vô địch bóng đá thế giới. Nếu tính theo yếu tố địa lý, Morocco cũng cân bằng thành tích tốt nhất các đại diện của bóng đá châu Phi đạt được qua các kỳ World Cup. Trước thầy trò Walid Regragui, chỉ có Cameroon năm 1990, Senegal năm 2002 và Ghana năm 2010 là các đội tuyển đến từ lục địa đen lọt vào tứ kết.
Trước khi giải vô địch bóng đá thế giới tại Qatar khai hội, không ai dám nghĩ Morocco có thể tiến xa đến như vậy. Bởi lẽ, ngoài các yếu tố chuyên môn cơ bản như danh tiếng, truyền thống hay thực lực, không một đội bóng nào chuẩn bị cho World Cup 2022 tệ như đại diện đến từ Bắc Phi. Chỉ 2 tháng trước ngày khai mạc, tháng 8/2022, đội tuyển Morocco còn thay tướng. HLV kỳ cựu Halilhodzic bị sa thải. Sau đó, Regragui, một nhà cầm quân chưa có mấy tiếng tăm mới được bổ nhiệm.
Khi Regragui được trao ấn kiếm, Hakim Ziyech, ngôi sao hàng đầu của bóng đá Morocco mới trở lại đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Trước đó, dưới thời Halilhodzic, cầu thủ đang khoác áo Chelsea bị cấm cửa. Halilhodzic còn tuyên bố: "Hắn có là Messi đi chăng nữa cũng đừng mong tôi triệu tập vào đội tuyển". Đáp lại, Ziyech khẳng định nếu vị HLV kia còn tại vị, anh sẽ không thi đấu cho ĐTQG. Không chỉ Ziyech, một loạt tên tuổi khác của bóng đá Morocco cũng bị Halilhodzic cấm cửa, bao gồm hậu vệ cánh trái Noussair Mazraoui.
Thay tướng, điều chỉnh nhân sự, dĩ nhiên lối chơi của Morocco phải điều chính rất nhiều. Điều thú vị nhất là những ngôi sao được triệu tập trở lại trở thành những cái tên thi đấu ấn tượng nhất. Ziyech là ngôi sao đưa Morocco vượt qua vòng bảng. Mazraoui là cầu thủ được chấm điểm cao thứ hai trong trận đấu với Tây Ban Nha đêm qua. Họ như thể muốn chứng minh chưa bao giờ thôi khao khát phụng sự quê hương và nỗ lực hơn 100% khả năng để cảm ơn ông thầy Regragui đã trao cho họ cơ hội.
Không rơi vào tình huống bi đát như các đồng đội, tuy nhiên, Archaf Hakimi, tác giả cú panenka đầy ngạo nghễ và kiêu hãnh kết liễu Tây Ban Nha đêm qua là nhân vật chính trong một câu chuyện thấm đẫm sự tự tôn dân tộc khác của người Morocco. Cầu thủ đang khoác áo PSG này là một trong những chuyên gia chạy cánh hàng đầu châu Âu hiện tại. Tài năng của anh đã được bộc lộ từ rất sớm, khi còn là học viên của La Fabrica, học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Real Madrid.
Hakimi sinh ra và lớn lên ở Tây Ban Nha, nơi gần một triệu người Morocco đang sinh sống. Anh từng lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch bóng đá trẻ Tây Ban Nha và có mặt tại Las Rozas, trung tâm huấn luyện của đội tuyển quốc gia nước này. Tuy nhiên, tình yêu quê hương bản quán đã thôi thúc Hakimi trở về nguồn cội.
"Tôi đã ở Las Rozas vài ngày và tôi thấy nơi này không phù hợp với tôi. Tôi không có cảm giác như ở nhà. Không phải vì nguyên nhân gì cụ thể, đơn giản tôi cảm thấy nơi đó không phải là văn hóa Ả-rập, không phải đại diện cho người Morocco. Tôi muốn ở đây, khoác áo đội tuyển Morocco", Hakimi bộc bạch trong cuộc phỏng vấn mới đây trên tờ Marca. Vì vậy, anh bỏ qua cơ hội khoác áo ĐTQG hàng đầu thế giới để khoác lên mình màu cờ sắc áo quê hương. Sau đêm qua, chắc chắn Hakimi càng không hối tiếc vì quyết định của mình.
Chính nhờ những cầu thủ không chỉ tài năng mà còn tràn đầy dũng khí và sự tự tôn dân tộc như Ziyech hay Hakimi, Morocco đang trở thành bất ngờ lớn nhất của World Cup 2022.
Khải Hưng
07/12/2022