Tắt sóng 2G tại Việt Nam là xu thế không thể đảo ngược

18/07/2024 11:12

Đến tháng 9/2024, các thuê bao 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới tắt sóng 2G vào năm 2026.

Ngày 18/7, tại Hà Nội, báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức tọa đàm ‘Tắt sóng 2G người dân cần chuẩn bị gì?’.

Tọa đàm có sự tham dự của Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã; Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Trần Mạnh Tuấn; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Quang Hưng; Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan; ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet; Đại diện các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị phân phối smartphone gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, ASIM, VNSKY, Thế Giới Di Động, Di động Việt, OPPO cùng hơn 60 phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí trên toàn quốc.

Theo phân tích của các đơn vị tổ chức tọa đàm, mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet cho hay, việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của GSMA, cho đến giữa năm nay, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai tắt công nghệ cũ. Đại đa số các nước đã tắt 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Australia.

Bộ TT&TT đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Nhờ vậy, sẽ tạo điều kiện để việc tắt sóng 2G ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng.

Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Cụ thể, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ bỏ dịch vụ chất lượng thấp và chuyển sang sử dụng cac dịch vụ băng rộng 4G, 5G, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam với mục tiêu của Chính phủ là “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện, vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn với Chính phủ, sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Hiện các nhà mạng đang xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào hai hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

“Qua buổi tọa đàm này, tôi hy vọng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp quý báu để giúp cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân chuyển từ 2G lên sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G thuận lợi nhất, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Võ Đăng Thiên chia sẻ.

Sau phát biểu khai mạc của đại diện Ban tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, nhà báo Nguyễn Thái Khang, Trưởng ban TT&TT của Báo VietNamNet cùng điều hành buổi tọa đàm.

W-Messenger_creation_58824a80 ca27 457d ad59 6939af131d99.jpeg
Một mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only). Mẫu máy này không thể sử dụng tại Việt Nam sau ngày 16/9/2024. Ảnh: Trọng Đạt

Nhà báo Thái Khang:Để chúng ta có thể nhìn rõ bức tranh thị trường thiết bị đầu cuối của Việt Nam, tôi mời đại diện các hãng Thế Giới Di Động, Di động Việt, OPPO sẽ cho chúng ta thấy xu hướng chuyển dịch của người dùng từ 2G lên 4G, 5G và mức tăng trưởng thị trường smartphone ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ này sẽ chia sẻ về việc đưa ra những chiếc smartphone “quốc dân” để phổ cập điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế Giới Di Động: Thế Giới Di Động đã nhận được thông tin của Bộ TT&TT về kế hoạch tắt sóng 2G, chúng tôi đã chủ động, liên hệ với các hãng, đồng hành cùng các nhà mạng, hỗ trợ các sản phẩm SIM data miễn phí để khách hàng chuyển dịch trong tương lai

Khách hàng sẽ có 2 xu hướng chính, một nhóm điện thoại "cục gạch" 2G sẽ chuyển lên 4G, một nhóm sẽ chuyển lên smartphone. Thế Giới Di Động đang có chiến dịch cụ thể cho khách hàng để họ mang máy đến cửa hàng, chúng tôi sẽ hỗ trợ thu hồi tiêu huỷ hoặc bán sang thị trường khác.

Đồng thời, Thế Giới Di Động đã chủ động liên hệ với các nhà sản xuất điện thoại để hỗ trợ cho khách hàng các dòng máy từ 390.000 đồng - 1,5 triệu đồng. Hệ thống cũng có chương trình ưu đãi, hỗ trợ khách hàng chuyển dịch, thay SIM miễn phí, tặng thêm data.

Với các khách hàng mới sử dụng smartphone, giá máy thường 1,9-5 triệu đồng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ SIM hoặc data miễn phí, chính sách trả góp, thậm chí không cần trả trước.

Ông Hoàng Ngọc Minh, Di động Việt: Với vai trò là nhà bán lẻ, khi có chủ trương tắt sóng 2G, chúng tôi đã chủ động làm việc với các nhà mạng, đối tác để có hành động cụ thể hỗ trợ người dân, đổi sản phẩm 2G cũ lấy sản phẩm mới.

Di động Việt có 3 nhóm khách hàng, phần lớn sẽ đổi từ điện thoại 2G cũ lên smartphone phân khúc thấp 4-5 triệu đồng như của Oppo, Xiaomi, nhóm thứ 2 - một số người quen sử dụng điện thoại phím bấm sẽ đổi sang điện thoại 4G tương tự, một nhóm nữa là doanh nhân sử dụng Vertu 2G trước đây sang Vertu 4G chính hãng phân phối tại Việt Nam.

Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc sản phẩm Oppo Việt Nam: Oppo đã hỗ trợ điều này từ lâu, việc tắt sóng 2G là điều tất yếu để nhường chỗ cho các công nghệ khác. Với công nghệ AI phát triển cùng công nghệ 5G sẽ mang đến các lợi ích cho người dùng cũng như doanh nghiệp trong thời gian tới.

Oppo đã chuẩn bị các mẫu smartphone dưới 5 triệu, tập trung vào các yếu tố người dùng cần như thiết kế đẹp, pin lớn, sạc nhanh và độ bền cao. Đây được coi là phân khúc vàng và Oppo đã ra mắt nhiều mẫu smartphone với nhiều cấu hình, thiết kế khác nhau có giá bán khoảng từ 2-4 triệu đồng. Việc này giúp người dùng có thể dễ dàng chi tiêu cho một mẫu điện thoại mới và với người dùng đã quen với feature phone có thể chuyển sang smartphone một cách nhanh chóng hơn. Với mức giá phù hợp, khoảng dưới 5 triệu đồng, giúp họ có thể chi tiêu dễ dàng cho một mẫu điện thoại mới. Phân khúc dưới 5 triệu đồng là phân khúc vàng để người dùng chuyển lên điện thoại smartphone. Khoảng từ 2-4 triệu đồng chúng tôi đã có mẫu smartphone với nhiều cấu hình, thiết kế khác nhau.

Nhà báo Thái Khang:Chúng ta vừa nghe các đơn vị phân phối chia sẻ về bức tranh toàn cảnh về thị trường thiết bị đầu cuối tại Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi có mời đến tọa đàm ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội vô tuyến điện tử Việt Nam. Xin mời ông chia sẻ quan điểm về việc tắt sóng 2G trên thế giới và tại Việt Nam. Dưới góc nhìn của ông Việt Nam cần lưu ý gì khi tắt sóng 2G?

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử: Tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu mang lại lợi ích cho cả nhà mạng, nhà nước và người dân. Ở các nước khác như châu Âu, việc tắt sóng 2G lúc nào là do nhu cầu kinh doanh và nhà mạng quyết định, miễn họ đảm bảo thực hiện được thoả thuận với người sử dụng, cam kết với nhà nước. Chẳng hạn có những nước có 3 nhà mạng thì một đã tắt sóng từ lâu, nhưng có nhà mạng đến 2050 mới tắt sóng.

Ở Việt Nam sẽ khác hơn, việc tắt sóng 2G không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng, chỉ có một chút băn khoăn ở các nhà mạng, bởi phân khúc kinh doanh khác nhau, tắt sóng có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh. Nhưng đây chỉ là vấn đề nhỏ, quan trọng là nhà mạng có thể đảm bảo sự thông suốt dịch vụ thế nào. Điều quan trọng nhất là người dân phải có smartphone.

Câu hỏi đặt ra là bây giờ thị trường smartphone thế nào? Ở đây người dân phải có smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng, smartphone phải được cung cấp với giá cả cả hợp lý. Nhà nước và nhà mạng phải làm nhiều hơn. Đây không phải chỉ là câu chuyện tắt sóng 2G, mà còn là chuyển đổi dịch vụ từ chuyển mạch kênh sang chuyển mạch IP. Việc chuyển đổi đó có đảm bảo tất cả dịch vụ thiết yếu đều thông suốt không? Gọi 113 114 115 không thể gọi thông trên IP, không thể dùng Viber gọi cấp cứu. Đó là những dịch vụ thiết yếu. Nhà nước, nhà mạng phải đảm bảo mọi người dân đều gọi được những số đó. Từ khâu tiêu chuẩn hóa, setup mạng lưới và cung cấp dịch vụ phải làm được việc ấy. Dù khó thế nào vẫn phải tắt sóng 2G, chuyển đổi, nhưng phải quan niệm đó là sự chuyển đổi chứ không phải chỉ “tắt” thuần tuý, chuyển đổi từ chuyển mạch kênh sang IP, chuyển đổi các dịch vụ...

Tiếp tục cập nhật...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tắt sóng 2G tại Việt Nam là xu thế không thể đảo ngược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO