Cơ hội trải nghiệm các dịch vụ số chưa từng có cho tất cả mọi người
Nếu như cách đây chỉ vài năm, ông Hùng (60 tuổi, Ân Thi, Hưng Yên) vẫn còn khăng khăng với con cái, nhất quyết không sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) mà chỉ dùng điện thoại “cục gạch” vì “Ông chỉ cần gọi điện, nhắn tin thôi thì đổi máy làm gì cho tốn kém”, “dùng cái điện thoại thông minh nó phức tạp, khó dùng”… nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ông đã phải thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình. Kể từ thời điểm báo đài bắt đầu đưa tin về việc chuẩn bị tắt sóng 2G trong cả nước, những điện thoại “cục gạch” như của ông sẽ không thể kết nối vào mạng viễn thông, đồng nghĩa với việc các tính năng cơ bản như gọi điện, nhắn tin cũng sẽ không thực hiện được, ông Hùng mới đồng ý cho con cái “lên đời” điện thoại cho mình. Được các cháu hướng dẫn, tự nhiên ông lại “nghiện” chiếc smartphone của mình. Không cần phải ngồi trước tivi để xem tin tức, lúc đi thăm vườn, nghỉ ngơi cũng có thể mang điện thoại ra để xem phim, đọc báo, lướt YouTube, lúc nhớ con cháu đi làm ăn xa cũng có thể gọi điện facetime để nhìn mặt từng đứa… tiện đủ bề. Đặc biệt, với chiếc điện thoại thông minh của mình, ông cũng có thể thông qua một số ứng dụng nhà nông quen thuộc để tra cứu về tình hình giống cây trồng, sâu bệnh… và tham khảo các phương pháp chăm sóc, điều trị cho cây trồng để tạo được năng suất cao hơn. Sự tiện lợi của việc “lên đời” điện thoại cho ông thấy việc đúng đắn cần phải thay đổi, không còn giữ quan điểm người già thì không cần smartphone, không cần tiếp cận công nghệ nữa.
Trong khi đó, bà Vui (70 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên phải đến bệnh viện để khám bệnh, kiểm tra các chỉ số sức khỏe. Trước đây, bà hay phải lo lắng về các vấn đề như phải mang theo căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế thì bây giờ, được con cái hướng dẫn, cài đặt, khi đến nơi bà chỉ cần mở điện thoại ra, vào ứng dụng, quét gương mặt là các thông tin cá nhân cần thiết đều hiển thị đầy đủ, cán bộ y tế chỉ cần quét qua máy là xong.
Đó chỉ là một phần trong số những tiện lợi của chuyển đổi số đối với người dân thời gian qua, đang từng bước góp phần vào sự thay đổi của bộ mặt đời sống kinh tế xã hội. Để được tận hưởng những lợi ích thiết thực đó, người dân cần phải có điều kiện tiên quyết là sở hữu thiết bị được kết nối mạng 4G.
Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia và xu hướng toàn cầu của cách mạng công nghệ 4.0, việc đưa người dân lên môi trường số đang trở thành thử thách lớn đối với Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Việc tắt sóng 2G sẽ tạo bước đệm đầu tiên để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi kể trên.
Theo lộ trình tắt sóng 2G trên toàn quốc của Bộ TT&TT, từ tháng 15/10/2024 trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G là phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần thúc đẩy người dân chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn, từ đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Việc tắt sóng 2G cũng sẽ đồng thời loại bỏ các công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, giải phóng băng tần, tiết kiệm được tài nguyên dành cho công nghệ mới, từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Đảm bảo an toàn cho người dân trên không gian số
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, mạng 2G hiện không còn đủ sức đảm bảo an toàn cho người dân trên không gian số. Bởi lẽ, đây là công nghệ mạng di động viễn thông đã được phát triển lâu năm (từ năm
1991), các tính năng chính của kết nối 2G là mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại và tin nhắn dưới dạng kỹ thuật số, cungc ấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động.
So với các công nghệ tiền nhiệm (mạng 0G và 1G), mạng 2G có những tính năng nổi trội hơn bao gồm: Gọi thoại với tín hiệu được mã hóa dưới dạng tín hiệu kỹ thuật số (digital encrypted), sử dụng hiệu quả hơn phổ tần số vô tuyến cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dải tần, cung cấp dịch vụ dữ liệu cho di động, bắt đầu với tin nhắn văn bản SMS cho người dùng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ số, theo thời gian, mạng 2G dần bộc lộ những bất cập ngày càng nhiều, trong đó bao gôm các “lỗ hổng” bảo mật có thể giúp tội phạm mạng xâm nhập, nghe lén cuộc gọi, chèn tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo… tới thiết bị của người dùng và gây ra không ít thiệt hại. Việc phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo tới các thiết bị 2G only dễ dàng hơn nhiều so với các công nghệ tiên tiến như 3G, 4G va đặc biệt là 5G gần đây. Chỉ với một trạm BTS giả mạo, các đối tượng lừa đảo có thể phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn giả mạo tới người dùng trong phạm vi gần với chi phí cực rẻ. Đã có rất nhiều cuộc tấn công mạng theo hình thức này được ghi nhận cả ở trong và ngoài nước. Chính vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G, đưa người dân lên sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn, mạnh mẽ hơn, an toàn hơn đang trở thành nhu cầu cấp thiết của cả chính quyền, người dân lẫn doanh nghiệp…
Cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn. Việc 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử thì:"Việc tắt sóng 2G không phải là sáng kiến của Việt Nam, chúng ta đang theo xu hướng chung của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT".
Thực tế, không phải chờ đến khi Bộ TT&TT ban hành lộ trình tắt sóng 2G, trước đó các nhà mạng tại Việt Nam đã triển khai hàng loạt các chương trình nhằm thúc đẩy người dân chuyển đổi, bước lên môi trường số. Sự bùng nổ của Internet, mạng 3G, 4G và các dịch vụ số trong nhiều năm qua đã thu hút người dân tự động chuyển đổi lên các thiết bị smartphone tích hợp công nghệ cao. Nhu cầu tự thân của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hội nhập với thế giới 4.0 đã chứng minh sự cần thiết cũng như hiệu quả nhảy vọt khi áp dụng công nghệ số trong việc phát triển kinh tế, phát triển cá nhân…
Việc áp dụng công nghệ số giúp cho sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, chính quyền số không giấy tờ, không phiền nhiễu tạo ra những thiện cảm chưa từng có của người dân đối với cơ quan công quyền. Bản thân mỗi người dân, khi bước lên môi trường số, không chỉ được trải nghiệm các dịch vụ công không cần gặp mặt, tiết kiệm thời gian công sức mà còn tiếp cận được các cơ hội hội nhập với thế giới, tham gia các xu thế mua sắm thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, giáo dục số, y tế số…
Không chỉ áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới trong việc triển khai sóng 3G và 4G, Việt Nam còn là một trong những nước đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên toàn cầu và đang từng bước tiến tới công nghệ 6G trong những năm tiếp theo.
Các mạng 4G/5G được triển khai thời gian qua đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội của đa số người dân, đáp ứng được yêu cầu của từng cá nhân, tổ chức doanh nghiệp cũng như quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện tại tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ thiết bị 2G only lên 4G thời gian qua đã được chính phủ, bộ ngành, các doanh nghiệp viễn thông quyết liệt triển khai. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng cần phải chuyển đổi còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhằm hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và thành thị có thể chuyển sang thiết bị 4G, các nhà mạng đã liên tục triển khai các chính sách như: giảm giá gói cước, tặng data, hỗ trợ đổi mới, mua mới thiết bị, tặng thiết bị 4G… và đã đạt được những thành tựu tích cực.
Trong những ngày cuối cùng trước mốc thời gian 15/10/2024, số lượng thuê bao 2G đang có sự giảm mạnh. Đại diện các nhà mạng đều đang hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi lên mạng 4G trước thời điểm theo quy định.