Ngày 18/7, Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức Tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?”.
Tắt sóng 2G là chủ trương lớn của Bộ TT&TT, được định hướng từ năm 2019. Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử, xu hướng tắt sóng 2G là tất yếu và đang triển khai rộng khắp trên thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước, nhà mạng và người sử dụng.
Dù vậy, vẫn còn những người dùng điện thoại 2G chưa tiếp cận thông tin đầy đủ, hiểu rõ ý nghĩa của việc chuyển đổi. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, chỉ ra “người sử dụng còn e ngại, đồng nghĩa với việc truyền thông chưa đầy đủ”.
So với những người dùng di động tại các thành phố, thị xã, thị trấn, nhóm người yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ít có cơ hội tiếp cận thông tin thông suốt. Do đó, “công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần được tăng cường”, ông Nhã nhấn mạnh.
Đại diện Cục Viễn thông đánh giá các nhà mạng đã có những giải pháp truyền thông hiệu quả về tắt sóng 2G đến người dùng. Chẳng hạn, Viettel truyền thông cá thể hóa đến đối tượng vùng sâu vùng xa; Mobifone sử dụng nhạc chờ để thông tin về việc dừng công nghệ 2G, đầu số hỗ trợ khi thuê bao 2G thực hiện cuộc gọi đi; VinaPhone hỗ trợ cả máy và truyền thông cho người dùng.
Ông Nguyễn Phong Nhã đề nghị các doanh nghiệp trong thời gian tới truyền thông mạnh mẽ hơn, trao đổi kinh nghiệm với nhau nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất từ nay đến ngày 15/9. Từ ngày 16/9, các nhà mạng sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G).
Doanh nghiệp tiếp tục dựa trên dữ liệu thuê bao để phân tích các đối tượng sử dụng tại các khu vực chưa được tiếp cận thông tin hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, nhà mạng cần chú trọng tăng số lượng kênh truyền thông, số điện thoại, điện thoại viên (cả tự động lẫn nhân công) để hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn người dùng.
Nhà mạng hướng dẫn các kênh bán hàng, doanh nghiệp cung cấp đầu cuối có hình thức truyền thông đơn giản, dễ hiểu về các nguy cơ khi dùng ứng dụng trên smartphone để tránh người dân gặp tình huống khó khăn, vấn đề trong quá trình sử dụng. Khi làm được như vậy, nhà mạng có thể nâng cao vị thế, uy tín khi cung cấp dịch vụ quan trọng, cơ bản đến người dùng, đồng thời có cơ hội truyền thông dịch vụ mới với người sử dụng.
Khẳng định tắt sóng 2G là chủ đề quan trọng, ông Nhã mong muốn báo chí đồng hành cùng Bộ TT&TT và nhà mạng để truyền thông, phóng viên ghi nhận ý kiến phản hồi của người dùng về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước giải đáp đầy đủ hơn.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người sử dụng, doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách, truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin cơ sở để cung cấp nội dung đến người sử dụng.
Chia sẻ về công tác thông tin tuyên truyền tắt sóng 2G đến người dân, ông Ngô Thanh Hiển, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, cho biết, ngay trong tháng 7, Cục sẽ phối hợp với lực lượng thông tin cơ sở tại các địa phương để tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn.
Cả nước hiện có khoảng 220.000 tuyên truyền viên cơ sở, đây là lực lượng truyền tải thông tin đến từng người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, từ tháng 7/2024, sẽ thiết lập và đưa vào sử dụng kênh Zalo OA thông tin cơ sở, đưa thông tin trực tiếp đến người dân.
Có mặt tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone… đều khẳng định đã triển khai tích cực, sâu rộng các giải pháp truyền thông tắt sóng 2G đến từng khách hàng. Đó là nhắn tin, gọi điện trực tiếp cho tất cả người dùng; truyền thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, người có uy tín; phối hợp với các cơ quan báo chí…
Trong thời gian tới, các nhà mạng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vì đây là việc lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.