Khi dừng đèn đỏ đủ lâu, rất nhiều tài xế luôn thắc mắc "tôi tắt máy có tiết kiệm nhiên liệu hơn"?
Không chỉ tại Việt Nam, các tài xế trên thế giới cũng có chung câu hỏi này. Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne do Đại học Chicago vận hành dưới sự quản lý của Bộ Năng lượng Mỹ đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này từ năm 2017.
Bà Linda Gaines, nhà phân tích hệ thống giao thông ở Argonne cho rằng: "Bạn nên tắt động cơ xe". Trừ khi tài xế lái một chiếc xe đời quá cũ, trang bị bộ chế hòa khí thì việc khởi động lại xe có thể tốn xăng hơn để nổ, còn với xe hiện đại ngày nay phun xăng điện tử, việc tắt động cơ sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Một số lái xe nghĩ rằng để xe chạy không tải sẽ sử dụng ít nhiên liệu hơn so với việc khởi động lại. Nhưng nghiên cứu của bà Linda và công sự đã phát hiện ra rằng xe sẽ tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải nếu tắt máy khi dừng trong khoảng 10 giây.
Khẳng định sẽ tiết kiệm nhiên liệu nếu tắt máy 10 giây trở lên, nhưng chuyên gia này cũng khuyên tài xế không nên tắt máy nếu dừng đèn đỏ thông thường không quá lâu khi đang tham gia giao thông. Bởi lẽ, vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu khi lái xe. Ôtô nên luôn ở trong trạng thái di chuyển bất cứ lúc nào khi dừng chờ, để tài xế có thể phản ứng với các tình huống bất ngờ xảy ra.
Một câu hỏi được đặt ra nếu liên tục khởi động xe như vậy có ảnh hưởng đến bộ đề nói riêng hay độ bền của xe nói chung, phòng thí nghiệm này cho biết theo nghiên cứu của họ, nếu khởi động 10 lần hoặc ít hơn mỗi ngày, bộ đề không bị ảnh hưởng trong suốt vòng đời của xe. Thậm chí, các bộ đề xe ngày nay được cải tiến bền hơn nhiều so với những xe thế hệ cũ.
Phản bác lại quan điểm tắt xe khi dừng đèn đỏ sẽ tiết kiệm xăng, nhiều người cho rằng ngay từ việc dừng xe (không tắt máy) thì ga đã ở chế độ thấp, ít tiêu thụ xăng. Thế nên, việc tắt máy là điều dư thừa, không cần thiết.
Nếu mọi người tắt máy xe khởi động lại xe sẽ dẫn tới việc tốn nhiều xăng hơn và gây hao mòn linh kiện. Chưa kể, nếu xe không được bảo dưỡng thường xuyên còn có thể chết máy, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến nhiều người tham gia giao thông khác.
Đây là một quan điểm đúng nếu thời gian dừng đèn đỏ quá ngắn (dưới 20 giây). Ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, đèn đỏ ở hầu hết giao lộ đều không quá lâu, chỉ khoảng 30-40 giây, có nơi còn dưới 20 giây; trong khi đó, mật độ đèn nhiều và sát nhau, vậy nên nếu cứ tắt đi bật lại nhiều sẽ chỉ thấy hại chứ chẳng có lợi.
Chia sẻ với Doanh nghiệp, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tắt máy xe về mặt môi trường rất có lợi.
Thậm chí chỉ 10 giây là đã mang lợi về mặt môi trường. Tuy nhiên, khi xét về mặt tiêu thụ nhiên liệu và tiêu hao ắc quy, chúng tôi đưa ra khuyến cáo là trên 20 giây có thể tắt máy được.”
Tắt xe máy dừng đèn đỏ có tốt hay không cũng còn phụ thuộc vào tình trạng của đèn và xe.
Tóm lại, chỉ nên tắt máy xe với hai điều kiện. Thứ nhất là đảm bảo xe đề tốt, nổ tốt. Thứ hai là khi thời gian dừng đèn đỏ quá lâu, chẳng hạn như ở các quốc lộ thường là 60 giây hoặc khi tắc đường. Như vậy mới tiết kiệm xăng.
Và lưu ý, khi dừng đèn đỏ mọi người nên tập trung nhìn đồng hồ trên trụ đèn giao thông. Khi thấy còn 5 giây cuối, mọi người nên khẩn trương khởi động lại xe để có thể di chuyển kịp lúc, đây cũng là ý thức tham gia giao thông giúp hạn chế tắc đường.
Vậy nên, mọi người nên quan sát thật kĩ trước khi quyết định tắt xe máy chờ đèn đỏ nhé.
Bỏ ngay 5 thói quen này nếu tài xế không muốn tự mình hại xe
Trên thực tế, nhiều người tắt máy xe khi dừng đèn đỏ chỉ vì ý nghĩ tiết kiệm xăng chứ không hề quan tâm đến việc xe có bị ảnh hưởng hay không. Đây cũng là một trong những tâm lý của người điều khiển phương tiện giao thông.
Thay vì bảo dưỡng, chăm sóc xe, họ chỉ coi chúng như một phương tiện đơn thuần. Một số khác dù có muốn giữ gìn, bảo quản xe thì cũng vô tình mắc phải những thói quen khiến xe càng đi càng "xuống cấp".
Trong số đó phải đặc biệt kể đến những thói quen như: Phớt lờ đèn cảnh báo, lái xe theo hứng, không thay lốp,... Đây đều là những hành động mà nhiều tài xế Việt vẫn đang mắc phải.
Theo Xe và thể thao