Táo Quân nhạt: Nội dung non yếu, nặng phần xách mé kẻ chợ

01/02/2022 13:57

Cái sâu cay không còn. Cái mỉa mai mang tính thân phận chung cũng không còn. Chỉ còn lại là cái “chửi mà không dùng ngôn ngữ tục tĩu cho hợp với sân khấu và truyền hình”.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết

Năm nào cũng như nhau, sau đêm Giao thừa là những tiếng bàn luận về chương trình Gặp nhau cuối năm lại cất lên rộn rã. Khen có, chê có. Điều đó chứng tỏ khán giả rất quan tâm đến chương trình đã trở thành đặc sản của VTV mỗi Tết Nguyên đán và xem nó như một phần không thể thiếu.

Năm nay cũng vậy, khen chê rất nhiều. Và lại nổi bật lên là cái chê đại ý “nhiều quảng cáo quá”.

Táo Quân nhạt: Nội dung non yếu, nặng phần xách mé kẻ chợ

Tôi không bênh các bạn ở VTV nhưng tôi hiểu, ngân sách được đài cấp để làm Táo quân không nhiều, thậm chí là rất ít. Anh Đen vâu có hát là “không có tiền thì làm nhạc sao?” mà. Các bạn bên ê-kíp cũng phải kiếm quảng cáo, tài trợ mới có thể làm được chương trình. Không có tiền sao mời nghệ sĩ tham dự đây? Mà nói thật, cả ê-kíp cũng mong “mang tiền về cho mẹ/vợ” nhờ vào chuyện xã hội hoá được chương trình.

Nhưng cũng phải thừa nhận, Táo Quân năm nay không nổi trội, dù vẫn nêu được các vấn đề nổi cộm của xã hội. Chương trình diễn ra cứ thuồn thuột, không đọng lại được gì. Và nó bật lên hai điểm yếu cố hữu đã tồn tại từ rất nhiều năm nay mà nếu không có sự thay đổi, chắc chắn chương trình sẽ dần mất khách khi mà thế hệ khán giả ngày càng thay đổi theo tiến trình trượt đi của thời gian đời người.

Điểm yếu thứ nhất là hình thức thể hiện. Có ai cảm thấy việc sử dụng nhạc chế đã trở nên quá nhàm chán hay không? Thú thực, tôi thấy nhàm thật. Hát một bài nhạc chế thì còn nghe vào tai nhưng khi bắt đầu lạm dụng nó ngán thực sự. Ngán như kiểu nã cho bạn ngày 3 bữa, 365 ngày đều như vắt tranh, chỉ ăn mỗi một món duy nhất là bánh chưng. Không lẽ, ngoài hát nhạc chế ra, không còn hình thức thể hiện nào khá hơn hay sao?

Điểm yếu thứ hai là kịch bản. Thực sự, đây mới là điểm yếu đáng ngại nhất vì nó kéo dài rất nhiều năm rồi. Người viết kịch bản của Táo Quân đã thu nhặt rất tốt những chi tiết của đời sống xã hội nhưng đưa nó vào kịch bản lại khiên cưỡng và không có tính hợp lý. Ví dụ chuyện phong toả khu nào vùng đỏ, khu nào vùng cam hoặc giấy đi đường đâu phải là việc của riêng ngành giao thông? Và tại sao người viết kịch bản cứ bị bó vào chuyện “Táo ngành” mà không bổ sung thêm “Táo địa phương” nhỉ? Khi đã bị bó hẹp tư duy vào đó, lại cố gắng muốn chuyển tải càng nhiều chi tiết nổi bật của xã hội, sự khiên cưỡng là tất nhiên.

Và vượt trên hết là nhiều năm nay, Táo Quân đã không còn mang tính đả kích xã hội, đấu tranh chống tiêu cực xã hội bằng ngôn ngữ sân khấu dí dỏm nữa mà chuyển sang thành ngôn ngữ giễu nhại, thậm chí là cà khịa. Cái sâu cay không còn. Cái mỉa mai mang tính thân phận chung cũng không còn. Chỉ còn lại là cái “chửi mà không dùng ngôn ngữ tục tĩu cho hợp với sân khấu và truyền hình”. Rõ ràng, đây là sự mất chất của chương trình Táo Quân nhiều năm qua, dù vẫn quy tụ dàn diễn viên tài năng, duyên dáng của mình.

Táo Quân nhạt: Nội dung non yếu, nặng phần xách mé kẻ chợ

Nhưng đằng sau hai điểm yếu ấy thì chương trình cũng đưa ra được một điểm đáng khen ngợi vô cùng. Đó chính là bản thân chương trình đã thể hiện được bộ mặt và bản chất thật. Nhìn cảnh nhốn nháo, quân hồi vô phèng của một cái Thiên đình trong chương trình Táo Quân, cách mà từ “Ngọc Hoàng” cho tới các "Táo đầu lĩnh” xỉa đểu nhau, chúng ta sẽ hiểu tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy.

Qua hình thức và nội dung non yếu, nặng phần xách mé kẻ chợ của mình, chương trình đã cho thấy thực trạng hiện tại của xã hội còn nhiều bất cập.

Hà Quang Minh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Táo Quân nhạt: Nội dung non yếu, nặng phần xách mé kẻ chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO