Táo Quân khởi điểm từ chương trình “Gặp nhau cuối năm” được xây dựng kịch bản với những tiểu phẩm hài, mục đích góp tiếng cười vào đêm giao thừa trước thềm năm mới. Tuy nhiên, sau những nỗ lực đầu tư cho kịch bản, không ngại đụng chạm, châm biếm, đả kích các vấn đề nổi cộm ở nhiều bộ ban ngành, Táo Quân được khán giả yêu mến, chờ đợi.
Những người thực hiện chương trình từng chia sẻ, khi Táo Quân được khán giả đặt nhiều kỳ vọng, họ phải gánh trên vai áp lực quá lớn. “Chúng tôi không muốn khoác chiếc áo quá rộng. Táo Quân không phải là chương trình chống tham nhũng. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, sau khi Táo Quân lên sóng, tất cả những vấn đề nổi cộm như tham nhũng, mãi lộ, tắc đường... đều được giải quyết nhanh chóng. Khán giả kỳ vọng bao nhiêu, chúng tôi áp lực bấy nhiêu” – NSƯT Chí Trung nói.
Sau 20 năm lên sóng, hành trình rất dài so với tuổi thọ của một chương trình hài kịch truyền hình, Táo Quân từng nhiều lần hứng chịu những tranh cãi về dàn diễn viên cũ, đề tài cũ, format cũ.
Tuy nhiên, sau 20 năm, Táo Quân cũng lập được những kỳ tích hiếm chương trình nào đạt được.
Gây bão với những màn đả kích, châm biếm
Táo Quân trở nên đặc biệt bởi là chương trình hài kịch chính luận duy nhất đề cập trực diện đến những vấn đề nóng, nổi cộm ở nhiều bộ ngành. Dàn Táo lên thiên đình chầu cuối năm đều lấy tên, Táo Kinh tế, Táo Giáo dục, Táo Y tế... và tự nhận là các “tư lệnh ngành”.
“Tư lệnh ngành” chính là cách gọi các Bộ trưởng đứng đầu một bộ ban ngành ở hạ giới. Việc lấy tên các “tư lệnh ngành” để đối diện với chất vấn từ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu về những “scandal” trong năm, khiến Táo Quân luôn nóng.
Táo Quân chính là tiếng nói đại diện cho số đông khán giả, số đông người dân, để chất vấn, phản biện với các Táo “tư lệnh ngành” về những vấn đề nhức nhối, nan giải, chưa được giải quyết.
Chỉ ở Táo Quân, mới thấy những hình ảnh bi hài khi Táo Giáo Dục bối rối trước loạt cải cách gây cười trong giảng dạy, Táo Kinh Tế bị chê bai nạn chạy chức chạy quyền, hối lộ trong đấu thầu, những dự án gây thất thoát hàng nghìn tỉ, hay Táo Giao Thông bế tắc khi mãi lộ, tắc đường không thể giải quyết...
Táo Quân từng gây bão khi dàn dựng những màn trào lộng, châm biếm sâu cay như: vòng quay tham nhũng, hái hoa dân chủ, cuộc thi Hoa Táo... Ở đó, vấn nạn tham nhũng được đả kích với kịch bản hài hước, đầy tiếng cười nhưng có chiều sâu, đả phá mạnh mẽ.
Lời thoại, nhạc chế trở nên “kinh điển”
Cùng với phần kịch bản được đầu tư, lời thoại và những ca khúc nhạc chế trở thành điểm nhấn, là đặc sản, thậm chí là “biểu tượng” của từng mùa Táo Quân. Sau mỗi đêm Táo Quân lên sóng, những câu thoại hài hước, trào lộng, những ca khúc nhạc chế độc đáo luôn được chia sẻ rầm rộ khắp mạng xã hội.
Nhiều câu thoại, bài hát “chế” có sức sống lâu bền, trải qua hàng chục năm sau khi Táo Quân lên sóng.
Hàng loạt lời thoại đã được đưa vào đời sống và trở nên “kinh điển” như: “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh mà thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”, “Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi”, “Cống rãnh cứ đòi sóng sánh với đại dương, máng mương mà đòi tương đương với thủy điện”, “Trước mình cần một chỗ đứng, bây giờ mình cần đứng đúng chỗ đó”, “Người dân ăn cá u-rê, ăn rau dầu nhớt, uống trà phân lân”, “Mặt tôi xấu một cách gia truyền”...
Hàng loạt ca khúc độc đáo được “chế” ở Táo Quân được yêu thích, chia sẻ rộng rãi không kém các bản hit gốc. Đơn cử, bài hát “Lụt từ ngã tư đường phố” (chế lời cho ca khúc Từ một ngã tư đường phố) ra mắt tại Táo Quân năm 2009 đến nay sau 14 năm vẫn được yêu thích, được nghe lại mỗi lần Hà Nội ngập sau mưa.
Dàn diễn viên "đo ni đóng giày", khó thay thế
Dàn diễn viên chính của Táo Quân gắn bó với chương trình suốt hành trình dài 20 năm, kể từ khi chương trình mới lên sóng. Nói như NSƯT Xuân Bắc, Táo Quân là thanh xuân của cả ê-kíp. Họ cùng nhau làm việc từ khi còn trẻ, là những diễn viên triển vọng, đến khi đều là NSND, NSƯT. Nhiều nghệ sĩ của dàn Táo Quân hiện đã giữ vị trí quản lý, lãnh đạo đứng đầu các nhà hát.
Trong hành trình 20 năm lên sóng của Táo Quân, dàn diễn viên nhiều lần đứng trước tranh cãi phải đổi mới, phải có gương mặt mới, rằng họ đã cũ sau nhiều năm... Thế nhưng, khi đặt câu hỏi ngược lại, ai có thể thay thế họ? Lại rất khó để có được câu trả lời.
Nhiều nghệ sĩ trẻ được mời tham gia Táo Quân để mang đến sự tươi mới, trẻ trung, nhưng đã cho thấy sự chênh lệch trong kỹ năng diễn xuất, độ chín làm nghề. Chính diễn viên trẻ Trung Ruồi thừa nhận, tham gia Táo Quân anh phải học hỏi rất nhiều để theo kịp dàn Táo cũ.
20 năm chắc chắn sẽ là dấu mốc quan trọng của Táo Quân. Sau chương trình kỷ niệm 20 năm lên sóng lần này, Táo Quân sẽ cần một quyết định quan trọng, hoặc thay đổi, hoặc dừng lại.
Để 20 năm không chỉ là thanh xuân tươi đẹp, còn là ký ức khó quên của cả ê-kíp thực hiện, và của cả khán giả yêu mến chương trình.