Chương trình Táo quân 2024 đánh dấu sự "thay máu" về dàn diễn viên khi những nghệ sĩ đã gắn bó 2 thập kỷ qua như NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung không còn góp mặt.
Thay vào đó là những gương mặt như: Nghệ sĩ Bá Anh vai Táo Giao thông, NSƯT Quốc Quân đảm nhận vai Táo Kinh tế, nghệ sĩ Tú Oanh vai Táo Văn thể, Quân Anh vai Táo Xã hội…
Trước thông tin này, nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối, thậm chí tuyên bố sẽ "không xem Táo quân 2024". Số còn lại dù bất ngờ nhưng vẫn cho rằng sự thay đổi là cần thiết…
"Vắng Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng còn gì là… Táo quân"
Kể từ lần đầu xuất hiện vào 2003, Gặp nhau cuối năm - Táo quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả truyền hình Việt Nam vào mỗi thời khắc chia tay năm cũ, đón năm mới.
20 mùa chương trình, hình ảnh Nam Tào luôn gắn liền với NSƯT Xuân Bắc. Năm 2022, NSƯT Xuân Bắc cũng không tham gia Táo quân. Sau khi chương trình lên sóng, khán giả "kêu gọi" anh trở lại vì nghệ sĩ trẻ thay thế chưa thực sự toát lên dáng dấp của Nam Tào.
NSND Tự Long không gắn với vai diễn nào cố định. Hơn 2 thập kỷ Táo quân lên sóng, Tự Long lại đảm nhận rất nhiều vai khác nhau như: Táo Thoát nước, Táo Văn hóa giáo dục, Táo Thể thao, Táo Thổ địa, Táo Giao thông, Táo Mạng…
Với lối diễn hóm hỉnh, biến hóa tài tình và khả năng ca hát, anh đã để lại ấn tượng sâu sắc và luôn khiến khán giả chờ đợi.
Thiếu vắng NSND Tự Long, khán giả chắc hẳn rất nhớ giọng hát đặc biệt có thể "cân" được mọi thể loại nhạc qua nhiều bản nhạc chế như: Lụt từ ngã tư đường phố, Vợ người ta, Đường cong, Nơi tình yêu bắt đầu,...
Với khán giả, Táo Giao thông là vai diễn gắn bó với NSƯT Chí Trung trong nhiều năm, anh được nhiều khán giả yêu mến cũng nhờ vai diễn đó, Táo Y tế gắn liền với nghệ sĩ Vân Dung và NSƯT Quang Thắng là Táo Kinh tế "kinh điển".
Mỗi người mang một nét diễn rất duyên dáng, thâm thúy không thể nào quên. Không chỉ có diễn xuất ấn tượng mang thương hiệu riêng, sự ăn ý, hiểu nhau giữa các nghệ sĩ quen thuộc cũng tạo nên sức hút cho chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân suốt 20 năm qua.
Khán giả cho rằng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quốc Khánh, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung chính là "linh hồn" của Táo quân.
Bởi vậy, khi thông tin về dàn Táo mới lộ diện trong Táo quân 2024, không ít khán giả bày tỏ sự tiếc nuối, thất vọng. Trên một hội nhóm về Táo quân, có khán giả bình luận: "Vắng Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng, Táo quân 2024 còn gì là Táo quân".
"Thay đổi như thế này thì sốc quá"; "Năm nay đi ngủ sớm thôi", "Ôi tuổi thơ tôi thế là hết rồi"; "Táo quân thiếu vắng các nghệ sĩ như Xuân Bắc, Chí Trung, Quang Thắng như mất đi linh hồn của chương trình. Khoảng trống do họ để lại không dễ gì khỏa lấp. Các diễn viên trẻ nhiều khi chưa có sự sâu sắc khi thể hiện nhân vật";
"Vẫn thích các Táo cũ hơn, dù sao họ cũng là những gương mặt tạo nên thương hiệu chương trình", "Dù biết tre già măng mọc nhưng sao buồn quá", "Mình là người cổ hủ nên mình không chấp nhận sự thay đổi này"...
Đã đến lúc cần thay đổi nhưng đừng chỉ "bình mới rượu cũ"
Dù bất ngờ, nhiều khán giả chấp nhận đã đến lúc chương trình Táo quân phải thay đổi.
Một số khán giả bình luận: "Nhiều nghệ sĩ đã có tuổi, bận công việc riêng nên không thể gắn bó mãi với Táo quân. Chuyển giao thế hệ là điều khó tránh, nên cho nghệ sĩ trẻ cơ hội và thời gian để hòa nhập", "Táo quân mấy năm nay nhạt dần, nhiều ý kiến trái chiều. Nên để lớp diễn viên cũ nghỉ ngơi, để chương trình đón luồng gió mới"...
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng, việc đổi mới này sẽ được khán giả trẻ đón nhận, và đứng ở góc độ kinh doanh, đây là nhóm chủ lực tạo ra doanh thu (thông qua việc thu hút nhãn hàng quảng cáo).
Tuy nhiên, theo ông Long, sự đổi mới là cần thiết nhưng phải đổi mới từ cái lõi bên trong thay vì chỉ đổi mới cái vỏ bên ngoài.
"Nếu việc thay dàn diễn viên mà họ diễn tốt, họ sẽ được đón nhận mạnh mẽ và vượt qua cái bóng của dàn Táo quân cũ. Ngược lại, chỉ là "bình mới rượu cũ", thậm chí không bằng cũ, thì họ sẽ thất bại thảm hại.
Câu chuyện bộ phimTây Du Ký năm 1981 dù kỹ xảo nghèo nàn, lạc hậu nhưng lại là phiên bản được yêu thích nhất. Các phiên bản sau này không vượt qua được phiên bản đó, là một minh chứng", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Ông Long nhấn mạnh thêm, trong marketing và truyền thông, có khái niệm vòng đời sản phẩm. Đến ngưỡng nào đó, sản phẩm phải làm mới. Nhưng cũng chỉ làm mới nhất định, cho đến khi cần thay mới toàn bộ.
"Táo quân là một sản phẩm cần thay mới, điều này không cần bàn cãi. Cái mới luôn gặp kháng cự là điều dễ hiểu dù chương trình chưa lên sóng", ông Long nói.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho hay, việc Táo quân 2024 có sự thay đổi về dàn diễn viên cũng là chuyện bình thường và đúng theo quy luật của nghệ thuật. Nghệ thuật là "món ăn tinh thần", khán giả "ăn mãi" một "món ăn" qua nhiều năm, hẳn rằng họ cũng cần thay đổi cho phù hợp với thực tế khách quan.
"Chúng ta có vẻ đang lo lắng khá xa xôi hơn là đặt hi vọng vào lớp diễn viên trẻ. Không cho các diễn viên trẻ cơ hội đứng lên sân khấu lớn thì làm sao chúng ta biết họ có phải là "diễn viên lớn" trong tương lai?.
Vấn đề quan trọng nhất của Táo quân vẫn là câu chuyện kịch bản và giao phân đoạn kịch bản cho đúng diễn viên phù hợp, tránh những hạt sạn dù là nhỏ nhất có thể xảy ra khiến sản phẩm nghệ thuật trở thành chủ đề soi mói, khen chê của dư luận và báo chí", ông Giang bày tỏ.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng chia sẻ: "Tôi nghĩ, thông tin vắng bóng những nghệ sĩ tên tuổi trong chương trình Táo quân làm không ít khán giả trung thành của Táo quân cảm thấy hụt hẫng cũng là điều dễ hiểu. Vì họ không gặp lại những gương mặt đã quen thuộc vào đêm cuối cùng của năm cũ.
Nhưng nhìn ở góc độ của sự thay đổi và mang đến làn gió mới cho chương trình, biết đâu những gương mặt mới sẽ mang đến "món ăn lạ vị" có thể làm khán giả thích thú cũng như lôi cuốn hơn ở góc độ những nghệ sĩ trẻ với nhiệt huyết, đam mê cũng như cách chuyển tải vấn đề độc đáo hơn".
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng cho rằng, những chương trình như Táo quân với sự xuất hiện của các gương mặt trẻ, cần thêm thời gian để định hình mình trong mắt khán giả.
Theo anh Việt, không thể nào một sớm một chiều làm khán giả thích ngay được, nhất là khi họ đã quen với dàn nghệ sĩ cũ 20 năm qua.
"Tôi nghĩ, cần có thêm thời gian cho các nghệ sĩ trẻ chứng minh năng lực của mình, cũng như việc đổi mới là cần thiết để phù hợp với cả các khán giả trẻ của chương trình.
Vậy nên ở góc độ của tôi, tôi ủng hộ sự thay đổi. Cái mới bao giờ cũng sẽ rất khó làm hài lòng khán giả ngay được, nhưng cái mới sẽ là sự chuyển tiếp cần thiết cho các chương trình Táo quân đặc sắc và thú vị hơn trong các mùa Tết sắp tới bao gồm cả năm nay", anh nói.