Tảo mộ ngày Tết: Xin đừng quên nét đẹp văn hoá của người Việt

Dạ Cầm (Tổng hợp)| 29/01/2024 06:00

Những ngày cuối năm, người người tất bật về quê, người người khắp nơi trang hoàng nhà cửa, sắm sửa bánh mứt, nhà nhà lại chuẩn bị cuốc xẻng để dọn dẹp những ngôi mộ của tổ tiên. Tảo mộ là tập tục văn hoá của người Việt.

Xem thêm: Tảo mộ cuối năm: Điều kiêng kỵ và những việc cần làm

Xem thêm: Tôi theo mẹ đi tảo mộ ông bà!

Chúng ta thường nghe nhắc đến tảo mộ như một nét đẹp văn hoá của người Việt. Nhưng giới trẻ ngày nay không phải ai cũng biết khái niệm tảo mộ và ý nghĩa của nó, hãy cùng tìm hiểu.

Tảo mộ là gì? Ý nghĩa của tảo mộ

Tảo mộ là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cội nguồn và các vị tổ tiên. Tảo mộ cuối năm còn là một lời nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ công ơn tổ tiên, ông bà như truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tảo mộ còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét.

daioanket.jpeg
Tảo mộ là tập tục truyền thống của người Việt. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc, để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện.

“Con chim tìm tổ, con người tìm tông”, những người lớn tuổi vẫn hay dạy con cháu mình mỗi khi tảo mộ.

Những ngày cuối năm, con cháu từ khắp nơi về quê đón Tết, lại quây quần, tụ họp bên mái ấm gia đình, chuyện trò rôm rả. Và mỗi dịp như vậy, từ già đến bé lại dắt díu nhau ra nghĩa trang để tảo mộ, đón ông bà về ăn Tết.

Tảo mộ vào ngày nào?

Thủ tục “đón rước” ông bà về ăn Tết thường diễn ra vào cuối năm, nhưng không có quy định cụ thể. Vì phần lớn phụ thuộc vào ngày con cháu về quê ăn Tết, nên mỗi gia đình có ngày tảo mộ khác nhau, không cố định.

ttg.jpg
Tảo mộ thường diễn ra từ 20 tháng Chạp âm lịch đến chiều 30 Tết. Ảnh: VTC News

Thông thường, những gia đình ở quê thực hiện tập tục này vào khoảng từ ngày 20 tháng chạp âm lịch trở đi. Có thể kéo dài đến những ngày cuối năm, thường là 30 Tết, vì như đề cập ở trên, việc này tuỳ vào thời gian của mỗi nhà.

Có gia đình sẽ để người lớn đi tảo mộ, nhưng cũng có nhà đợi cháu con sum vầy rồi cùng nhau đón tổ tiên, ông bà về ăn Tết.

Ngoài dịp tảo mộ cuối năm, người Việt còn có tiết Thanh minh (hay còn được gọi là Tết hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch) để đi tảo mộ. Tiết Thanh minh có nguồn gốc từ Trung Quốc và ảnh hưởng một phần đến văn hóa Việt Nam. Vì tháng 3 có thời tiết đẹp nên thường diễn ra tục tảo mộ.

tn.jpg
Những ngôi mộ vốn đã khang trang, con cháu chỉ cần lau bụi, bài trí hoa và mâm cúng. Ảnh: Thanh Niên

Theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình.

Đi tảo mộ cần chuẩn bị những gì?

Đi tảo mộ, bạn cần chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ cần thiết. Nhưng trước hết, mục đích chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ, dùng xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn (thường đối với những nấm mồ đất), nhổ hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ.

Những lễ vật gồm: Các gia đình chuẩn bị một bộ tam sinh (gồm 1 miếng thịt lợn, 3 - 5 con tôm, hoặc cua, trứng vịt 1 - 3 - 5 quả).

k14.jpg
Tuỳ vào gia đình mà chuẩn bị những lễ vật khi đi tảo mộ. Ảnh: Kênh 14

Bộ tam sinh là 3 loài vật đại diện cho thổ - thủy – thiên, có nghĩa sống trên cạn, dưới nước, trên trời. Bộ tam sinh còn có nghĩa là đức. Dâng ngoài mộ cùng với các vật phẩm nhang, đèn, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, hoa quả tươi.

Nhưng ngày nay, tục lệ này không còn được giữ nguyên, nhiều nhà đã giản lược sắm sanh lễ vật nên thường người ta chủ yếu mua hoa, tiền vàng, trái cây thắp hương ngoài mộ.

Mâm cỗ cho lễ tảo mộ

Gia đình có thể chuẩn bị những món chay hoặc mặn tùy ý. Nhưng dù là món chay hay mặn thì có một số lễ vật không thể thiếu như đèn, chè, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, hương và quả.

Phần lớn người ta thường chọn lễ chay để tránh sát sinh, tránh gây thêm tội nghiệp cho người đã khuất, mong họ có thể sớm siêu thoát. Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh trái, gạo, muối, bỏng, chén mật, xôi chè, bơ. Lễ mặn thì có thêm chân giò, gà luộc, rượu thịt hoặc khoanh giò.

Khi vào lễ, gia chủ thắp hương, thắp đèn và khấn vái theo bài cúng khi đi tảo mộ.

Trong lúc đợi hương tàn, con cháu có thể bắt tay vào dọn dẹp, tu sửa mộ phần. Khi hương cháy đến hơn 2/3 tức là lễ tạ, gia chủ tiến hành hóa vàng và có thể xin lộc về để làm lễ cúng gia thần, gia tiên ở nhà.

Tại nhàctrước khi vào lễ, gia chủ nên dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, bàn thờ gia tiên. Gia đình có thể tự chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên. Tùy theo hoàn cảnh gia đình của mỗi người mà mâm cơm có thể khác nhau, người ta thường nói đến lòng thành nhiều hơn là quy chuẩn.

Mâm cơm có thể là đĩa xôi, con gà, hoa quả, trầu cau, vàng mã, và một số món khác tùy theo gia đình. Trong khi lễ, gia chủ phải trang nghiêm, bày tỏ sự hiếu kính với gia tiên.

Bài liên quan
  • Đêm lo lắng của người Việt ở Hàn Quốc
    Người Việt đang học tập và làm việc ở Hàn Quốc cảm thấy lo lắng với những biến động kinh tế khi chứng kiến sự kiện thiết quân luật vừa diễn ra ở nước này.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tảo mộ ngày Tết: Xin đừng quên nét đẹp văn hoá của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO