Tạo "lực đẩy" thu hút nguồn kiều hối nhiều hơn nữa

Phạm Lý| 30/05/2023 08:10

Chiều 29/5, tại TP.HCM, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tổ chức Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về các giải pháp thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn.

Đổi mới quy trình, thủ tục chi trả tạo điều kiện thuận lợi cho nhận kiều hối

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước (công tác quản lý; phát triển mạng lưới chi trả kiều hối; dịch vụ kiều hối; hoàn thiện chính sách: phản biện, góp ý kiến, đề xuất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước…) nhằm thu hút kiều hối chuyển về.

Song song đó, thành phố cần tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư.

Đây là giải pháp quan trọng, gắn với nhiệm vụ củng cố vững chắc, ổn định kinh tế vĩ mô, là yếu tố nền tảng không chỉ thu hút nguồn kiều hối mà còn các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước ngoài để phát triển kinh tế thành phố, kinh tế đất nước.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối thông qua việc tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, làm tốt hoạt động thông tin, tư vấn, chăm sóc khách hàng...

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho rằng cần làm tốt công tác truyền thông chính sách; trong đó, ngoài việc truyền thông chính sách cho khách hàng, người dân, người thụ hưởng… để nắm rõ chính sách và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và chi trả kiều hối nói riêng thuận lợi; tư vấn hướng dẫn việc đổi ngoại tệ và sử dụng nguồn kiều hối hiệu quả; còn cần quan tâm các biện pháp truyền thông chính sách cho kiều bào, cho người Việt Nam đang lao động, học tập tại nước ngoài nắm rõ chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, nhà nước về kiều bào, về sự phát triển đất nước, về chính sách và dịch vụ kiều hối của ngành ngân hàng, các thủ tục, quy trình, phí.

Tạo
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM).

Sửa đổi Luật đất đai, Luật quốc tịch

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, thống kê kiều hối hàng năm gửi về Việt Nam chưa thống nhất từ các số liệu. Cụ thể, trong năm 2022, Ngân hàng thế giới (World Bank) thống kê kiều hối về Việt Nam là 18 tỷ USD, còn thống kê của Ngân hàng Nhà nước là 12-13 tỷ USD (chênh nhau 5-6 tỷ USD).

Ông Hiệu lý giải, các nhà đầu tư nước ngoài sau khi mang tiền vào tạo công ăn việc làm, tạo của cải cho xã hội thì phần lợi nhuận có được họ mang ra nước ngoài. Các nước đều có khuôn khổ pháp lý về ngoại hối, kiều hối. Nếu đã xác định kiều hối đầu tư thì có chính sách thuận lợi như FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), ưu đãi thuận lợi. Ông Hiệu lưu ý, cần phải tính đến việc sửa đổi Luật quốc tịch, Luật đất đai cho kiều bào được mua nhà, sở hữu nhà ở, thậm chí có cả Luật kinh doanh bất động sản… nhằm khơi thông nguồn kiều hối nhiều hơn.

Theo ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, trở thành Ta quan trọng đóng góp kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng thì Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào; tạo ra những đột phá về chính sách đối với kiều bào và kiều hối.

Theo đó, Luật Đất đai sửa đổi nên cởi mở để nhiều Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam hay tăng cường thu hút nguồn lực kiều bào tham gia vào các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và thành phố thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền thành phố (địa phương) với nhiều ưu đãi. Ông Peter Hồng cho rằng, đây sẽ là kênh mới tạo điều kiện để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương.

Phát hành trái phiếu kiều bào

Một loạt giải pháp thu hút kiều hối, Giáo sư Võ Hồng Đức, Trường Kinh doanh Đại học Western Australia đề xuất, TP.HCM có thể phát hành trái phiếu đô thị (còn gọi là trái phiếu kiều bào) để cung cấp nguồn vốn cho việc xây dựng các công trình lớn. Với cơ chế minh bạch, xuất phát điểm là khuyến khích kiều bào mua trái phiếu để đầu tư dự án.

Việt kiều sẽ được hưởng lãi suất ổn định, được miễn thuế trên tiền lãi và được bảo đảm mang lại số tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư. Với sáng kiến này, TP.HCM trước tiên sẽ phát hành trái phiếu để kêu gọi nguồn vốn từ kiều bào, phần chi phí còn lại thành phố mới giao cho các nhà thầu tại Việt Nam.

Còn TS Trần Phương Trà - Giám đốc chương trình quản trị kinh doanh của IPAG Business School (Pháp) - đề xuất TP.HCM có thể cân nhắc phát hành trái phiếu kiều hối để duy trì tốc độ tăng trưởng dòng vốn này.

Theo các chuyên gia, với phương án huy động nguồn lực kiều bào thông qua phương thức trái phiếu kiều hối, Việt kiều sẽ được hưởng lãi suất ổn định, được miễn thuế trên tiền lãi và được bảo đảm mang số tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư.

Các dự án sử dụng nguồn vốn từ kiều hối dùng để phục vụ cộng đồng, hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội Việt Nam, nên kêu gọi kiều bào đầu tư với suất sinh lợi thấp.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tạo "lực đẩy" thu hút nguồn kiều hối nhiều hơn nữa
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO