Thông qua sự kết nối và hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam cùng Văn phòng KHCN Việt Nam tại Ấn Độ, chiều ngày 16/12, tại Thủ đô New Delhi, đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Tân Thành Holdings và Tập đoàn Sami-Sabinsa (Ấn Độ) về phát triển chuỗi giá trị dược liệu tại Việt Nam, với sự chứng kiến của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và lãnh đạo bộ Y tế. Sáng 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Ấn Độ, hai tập đoàn đã trao biên bản hợp tác với sự chứng kiến của chủ tịch Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo bộ ngành hai nước.
Tập đoàn Tân Thành Holdings và Tập đoàn Sami-Sabinsa (Ấn Độ) về phát triển chuỗi giá trị dược liệu tại Việt Nam
Thị trường thảo dược và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ thảo dược đang có xu hướng ngày càng tăng trưởng mạnh trên thế giới, ngay cả ở các nước phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm, theo báo cáo của WHO. An toàn, lành tính, hiệu quả và giá cả phải chăng là các yếu tố cốt lõi làm người dùng toàn cầu ngày càng rộng rãi và duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Global Industry Analyst, Inc. ước lượng ngành thảo dược toàn cầu đã đạt doanh thu 110 tỉ USD năm 2021 và sẽ có doanh thu khoảng 178,4 tỷ USD vào cuối năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 8% mỗi năm.
Tân Thành Holding được biết đến là tập đoàn hiện đang có một chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào dược phẩm và các lĩnh vực kinh tế xanh, phát triển bền vững. Với quỹ đất hơn 30.000 ha trải khắp Tây Nguyên, việc quản lý của đơn vị thuộc tập đoàn, đây là cơ sở vững chắc cho việc hơp tác với các tập đoàn sản xuất lớn từ nước ngoài, dịch chuyển và xây dựng các chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Hai tập đoàn đã trao biên bản hợp tác với sự chứng kiến của chủ tịch Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo bộ ngành hai nước.
Tân Thành Holding cũng cho thấy tham vọng xây dựng một chiến lược lâu dài và bài bản trong đầu tư vào Tây Nguyên, khi công bố các hạng mục chính sẽ được triển khai ngay từ giai đoạn 2 của dự án, trong đó có cả vùng trồng dược liệu tiêu chuẩn GACP, trung tâm thương mại dược phẩm và dược liệu quốc gia tại TP Buôn Ma Thuột, nhà máy chế biến dược liệu tiêu chuẩn GMP, và tổng kho dược và dược liệu đạt chuẩn GSP, Trung tâm logistics Nông Lâm sản và Dược liệu khu vực Tây Nguyên, Trung tâm bảo tồn giống dược liệu đầu dòng tại Tây Nguyên, Công viên dược liệu Tây Nguyên.
Sau hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập, Tây Nguyên vẫn còn là một vùng nghèo, kinh tế khó khăn. Nền kinh tế ở đây chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp (với quy mô nhỏ truyền thống và đặc trưng phụ thuộc vào tự nhiên) khai thác tài nguyên, có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao. Những yếu kém trong phát triển kinh tế có tác động tiêu cực về mặt văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, khiến cho quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên bị ảnh hưởng.
Hợp đồng cung ứng dược liệu cho hãng được phẩm thuộc nhóm hàng đầu thế giới như Sabinsa được triển khai tại Tây Nguyên sẽ phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng của Tây Nguyên khi tạo ra ngành kinh tế mũi nhọn mới. Nó cũng đồng thời tạo ra một cơ cấu kinh tế xoay quanh ngành kinh tế mũi nhọn, cũng giúp địa phương có thể mạnh dạn hạn chế phát triển hoặc dừng hẳn một số ngành kinh tế không hiệu quả và có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại một số địa phương cụ thể.
Dự án này sẽ là bước đầu để Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu quan trọng của đất nước, thúc đẩy chuyển dịch để bắt kịp một xu hướng mạnh của thị trường được liệu toàn cầu.