Trao đổi với cổ đông tại đại hội cổ đông 2022, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số PVcomBank, từ 2020, Ngân hàng đã khởi động chiến lược ngân hàng số để tối ưu sản phẩm dịch vụ, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm về tiện ích khi giao dịch với ngân hàng. Mới đây, 2/2022 mô hình ngân hàng số đã được thành lập để tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ số cho khách hàng không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà còn cả y tế, giáo dục, tiêu dùng… hướng đến ngân hàng không tiền mặt, không giấy tờ… Đây là động lực để tăng nhanh số khách hàng lên gấp 5 lần vào 2025.
Năm 2021, PVcomBank đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng các ứng dụng mới (Smart form, Smart queue…); tự động hóa tối đa dịch vụ tại quầy; triển khai hiệu quả các tiện ích số giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, dễ dàng thực hiện các giao dịch mà không cần trực tiếp đến ngân hàng… Hiện PvcomBank đã hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới để thực hiện chuyển đối số như IBM và SEATECH; cũng như Vemanti Group (Mỹ) trong việc thiết kế, phát triển, cung cấp nền tảng ngân hàng kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số và thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, do có sự khác nhau nhiều mặt từ khả năng tài chính, phương thức hoạt động mà mỗi ngân hàng sẽ lựa chọn cho mình một mô hình chuyển đổi số thích hợp.
Đa số các ngân hàng đều lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end) hoặc số hóa toàn bộ; số ít ngân hàng dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng (front-end only). Các giải pháp kỹ thuật công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu (Big data) hay tự động hóa quy trình bằng robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… đang được ứng dụng tại hầu hết các ngân hàng. Trong đó, Big data và AI được các ngân hàng sử dụng nhiều nhất để thông qua đó phân tích được hành vi và nhu cầu của khách hàng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa nhu cầu của người dùng.
Các con số gần đây cho thấy, số hoá là xu hướng tất yấu khi tính đến quý II/2021, tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking đạt là 200% và có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.
Nhiều ngân hàng đã đạt kết quả tốt khi ứng dụng chuyển đổi số, trong 6 tháng đầu năm 2021. MB có khoảng 2,5 triệu tài khoản mới mở qua eKYC, chiếm trên 70% số lượng khách hàng mới, kể từ khi ngân hàng này chính thức áp dụng eKYC vào mở tài khoản.
Ở TPBank, trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã tăng 87% so với cùng kỳ năm trước.
Còn PvcomBank cũng dự kiến phát triển mạnh khách hàng qua kênh số như: kết nối cùng các công ty Fintech để mở rộng danh mục khách hàng, làm phong phú hệ sinh thái số; tăng thêm khoảng 3 triệu khách hàng, kết nối khoảng 25.000 điểm vật lý, sẽ tạo được không gian kết nối cho khoảng 50% lượng người truy cập internet có thể tiếp cận dễ dàng được với sản phẩm, dịch vụ của PVcomBank
Được biết, năm 2021, Về doanh thu hợp nhất, PVcomBank đạt 16.066 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 100,7 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm. Doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.582 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 84,8 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch năm. Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2021 của PVcomBank đạt 191.915 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, tính đến 31/12/2021, số dư tín dụng đạt 102.664 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2020, chất lượng nợ được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,64% - thấp hơn mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2022, PVcomBank đặt chỉ tiêu: doanh thu hợp nhất đạt 14.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 93,1 tỷ đồng, doanh thu ngân hàng mẹ đạt 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 80 tỷ đồng.
Quang Sơn