Cẩn trọng với những lời quảng cáo "siêu phẩm"
Chị Minh Vân (33 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tăng khoảng 3kg sau Tết Nguyên đán. Hầu hết quần áo đều bị chật, sợ mọi người chê xấu, chị Vân lên mạng tìm đến các sản phẩm giảm cân cấp tốc.
Chị mua một liệu trình giảm cân bằng sản phẩm cà phê giảm cân, qua facebook của một người bán hàng online. Sản phẩm được quảng cáo làm từ các nguyên liệu thiên nhiên, xuất xứ Thái Lan với giá bán 250 nghìn đồng/hộp.
"Sử dụng trong vòng 10 ngày, giảm ngay 3-5 kg" là lời cam kết rầm rộ trên mạng xã hội của các chủ cửa hàng online bán các sản phẩm cà phê giảm cân cấp tốc.
Mặc dù sản phẩm cà phê nhưng lại được quảng cáo như một loại thuốc giảm cân thần kỳ, với những lời quảng cáo có cánh: "Chỉ mất 2 phút mỗi ngày để có vòng eo con kiến thon gọn" hay sản phẩm "siêu phá mỡ, mỡ cứng, mỡ dày, mỡ đóng lâu năm"; "giúp cơ thể hầu như không hấp thụ chất béo"...
Tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn vẽ ra một viễn cảnh giảm cân thành công, nhiều chị em đã bỏ hàng trăm nghìn, thậm chí cả tiền triệu để mua đủ một liệu trình sản phẩm về sử dụng. Thế nhưng, không ít trường hợp rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, không có sản phẩm nào có khả năng giảm cân cấp tốc, với những công dụng "thần kỳ" như những người bán hàng quảng cáo mà không làm hại đến sức khỏe của bạn. Thực tế, đã có trường hợp nhập viện vì uống cà phê giảm cân.
Bệnh nhân nữ (37 tuổi, Hà Nội) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng bất tỉnh, co giật toàn thân chỉ sau 4 ngày uống cà phê giảm cân. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não bắt đầu bị tổn thương.
Đáng sợ hơn, gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân này được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm cho thấy có chứa sibutramine, một thuốc giảm cân bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, việc giảm cân tùy thuộc cơ địa mỗi người và cần dựa vào chế độ ăn uống, tập luyện thể thao.
Sau Tết, thấy dấu hiệu tăng cân, nhiều chị em cắt bỏ hoàn toàn tinh bột hay chỉ ăn trái cây hay chỉ ăn rau để giảm cân. Về vấn đề này, bà Lâm cho rằng như vậy về lâu dài sẽ khiến cơ thể thiếu chất, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe. Để giảm cân nên tập trung vào việc ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ chiên rán, giảm tinh bột, chất béo. Quan trọng là dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, tập thể dục.
"Dù muốn giảm cân nhưng chị em vẫn cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng theo tháp dinh dưỡng mà Bộ Y tế khuyến cáo"- bà Lâm khuyến cáo.
Kem tan mỡ cũng không an toàn, hiệu quả
Bên cạnh các sản phẩm cà phê giảm cân, không ít chị em tìm đến các sản phẩm sử dụng bôi, thoa như kem tan mỡ, sau đó cuốn nilon quanh vùng bụng để giảm cân, theo hướng dẫn của những người bán hàng online.
Các chuyên gia cảnh báo, kem tan mỡ cũng không phải là phương pháp giảm cân hiệu quả. Thậm chí, các thành phần của sản phẩm có thể gây kích ứng da và hiệu quả không đáng kể. Vì vậy, chị em cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm này.
Bác sĩ Phạm Cao Kiêm - nguyên Trưởng khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng, kem tan mỡ thường có các thành phần làm nóng vùng cần giảm mỡ. Tùy thuộc vào từng hãng sản xuất sẽ có thành phần khác nhau, chủ yếu có chứa caffein. Thông thường người dùng phải kết hợp thêm các động tác như massage, quấn nóng.
"Việc thoa kem và cuốn nóng chỉ làm mất nước tại chỗ nên ngay sau khi sử dụng chị em cảm thấy mình gọn hơn thật, nhưng sau đó cơ thể được bù đủ nước thì sẽ trở lại như ban đầu"- bác sĩ Kiêm nói.
Bên cạnh đó, cho đến nay các nghiên cứu về hiệu quả của các loại sản phẩm này rất hạn chế. Đây thuộc nhóm sản phẩm mỹ phẩm vì vậy không được kiểm soát chặt chẽ như các loại dược phẩm.