Tan mộng đổi đời ở Campuchia: Hành động

27/09/2022 07:40

TP - Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, nhóm chúng tôi gồm 5 người, trong đó có cả người nhà nạn nhân xuất phát từ Bình Dương sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Trong kế hoạch đã bàn, chúng tôi sẽ phải đưa được tất cả 5 người Việt trong nhóm của em V.T.M.T về nước an toàn.

Xem thêm: Tan mộng đổi đời ở Campuchia: Những tiếng chuông điện thoại 'nóng' trong đêm

Lên đường

4h sáng một ngày cuối tháng 8, chúng tôi khởi hành bằng chiếc xe 7 chỗ đã thuê và chuẩn bị sẵn từ ngày hôm trước. Vì nhập cảnh sang nước bạn, phải có hộ chiếu, trong khi người thân của nạn nhân đi cùng lại chưa làm kịp nên khi đến cửa khẩu, chúng tôi bố trí cho người nhà nạn nhân ở chờ địa điểm thích hợp nhất.

Tan mộng đổi đời ở Campuchia: Hành động ảnh 1
Điểm hẹn đầu tiên nhóm giải cứu chờ đợi để chuộc các nạn nhân

Trên đường đi, chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với người quen ở nước bạn. Đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), chúng tôi để lại chiếc xe 7 chỗ bên lãnh thổ Việt Nam. Sau khi hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh, khai báo rõ lý do sang nước bạn, cả nhóm tiếp tục lên chiếc xe 12 chỗ mang biển kiểm soát Campuchia được người quen bố trí từ trước. Ngồi trên xe di chuyển hàng chục ki lô mét từ cửa khẩu Mộc Bài, chúng tôi đến điểm hẹn là một quán cà phê thuộc tỉnh Svay Rieng (Campuchia).

“Người dân hoặc hiệp sĩ đường phố, khi nhận được lời cầu cứu từ người khác đang ở Campuchia, họ có thể xuất cảnh để đón người về, miễn là khi nhập cảnh và xuất cảnh đáp ứng đủ các giấy tờ liên quan. Đối với người Việt Nam qua Campuchia, họ chỉ cần xuất trình hộ chiếu là được. Đối với người được đưa từ Campuchia về Việt Nam, nếu không có các giấy tờ theo quy định, sẽ phải đóng tiền phạt về hành vi xuất nhập cảnh trái phép... Tại cửa khẩu, người đi giải cứu và người được giải cứu phải chứng minh được với lực lượng chức năng, rằng họ không phải tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép”.

(Luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Việt Hùng - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước)

Tại đây, sau khi đã bàn bạc và thống nhất lại kế hoạch, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến tỉnh Sihanoukville (hay còn gọi là Preah Sihanouk) thuộc Campuchia. Theo thông tin và định vị gửi về trước đó, nơi các nạn nhân đang bị giam giữ để ép làm việc là một khu vực được người dân địa phương gọi là tòa cao ốc Chinatown. Tuy nhiên, người đứng ra giao dịch đòi tiền chuộc nạn nhân lại đề nghị chúng tôi đến khu vực khác, cách tòa nhà này hàng chục ki lô mét.

Đến điểm hẹn, khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện, trong nhóm có người cầm điện thoại để liên lạc thì bất ngờ xuất hiện một người đàn ông cao lớn nói tiếng Hoa tiến lại gần hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải với vẻ đầy đe doạ. Một người trong nhóm chúng tôi biết tiếng Hoa và hiểu được lý do vì sao anh ta đe doạ hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải. Anh này cho rằng nhóm chúng tôi chụp hình, quay phim nên có động thái ngăn cản. “Chúng tôi đang chờ người quen, cố gắng giữ liên lạc qua điện thoại, ngoài ra không có quay phim, chụp hình gì hết. Nếu ông thấy phiền, chúng tôi sẽ di chuyển đến nơi khác” - người trong nhóm lên tiếng giải thích bằng tiếng Hoa.

Sau khi nghe, người đàn ông này ra hiệu cho chúng tôi biết không được lưu lại khu vực này.

Chúng tôi lo lắng khi chứng kiến sự việc thì hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải và anh N.M.H - người từng có cơ sở kinh doanh tại Campuchia và đi cùng trong đoàn rất bình tĩnh.

Cuộc giải cứu thành công

Tan mộng đổi đời ở Campuchia: Hành động ảnh 2
Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (trái) đưa các nạn nhân ra xe sau khi trao tiền chuộc cho những người đang quản thúc các lao động Việt Nam

Theo lời đề nghị của bên giao người, họ sẽ giao tất cả 5 nạn nhân cho chúng tôi khi đã nhận đủ tiền bằng chuyển khoản. Sau khi nhận được số tài khoản, chúng tôi đề nghị cử một người trong nhóm đến địa điểm giữ người để xác thực các nạn nhân đang có mặt. Tuy nhiên, đề nghị của chúng tôi đã bị thẳng thừng từ chối. Lúc này, anh Nguyễn Thanh Hải là người có kinh nghiệm đã trao đổi qua điện thoại với đầu dây bên kia, đề nghị được nói chuyện với một trong số các nạn nhân để xác thực và được họ đồng ý.

Sau khi đã có đủ cơ sở xác định các nạn nhân đang chờ chuộc, anh Hải chủ động gọi lại nói chuyện với người bên kia và đề nghị được chuyển khoản số tiền 50 triệu đồng có trong tài khoản. Số còn lại sẽ đưa bằng tiền mặt vì tài khoản không đủ. Để phía bên kia tin tưởng, anh Hải nói hầu hết những người đến chuộc đều là nông dân, không dùng thẻ ngân hàng. Khoảng 30 phút sau khi gọi điện trao đổi, người phía bên kia gọi lại đồng ý. Sau khi nhận chuyển khoản 50 triệu đồng, họ sẽ giao hai nạn nhân trước kèm theo lời dọa dẫm “tốt nhất mấy ông đừng giở trò”.

Trong quá trình giải cứu các nạn nhân, thông qua sự giúp đỡ của anh N.M.H, nhóm chúng tôi luôn được lực lượng chức năng của chính quyền sở tại bảo vệ từ xa. Chúng tôi được hỗ trợ thuê thêm một chiếc xe để đưa nạn nhân về

Sau khi nhận được số tiền chuyển khoản từ chúng tôi, phía bên kia tin tưởng hơn nên đề nghị cả nhóm đến một địa điểm cách vị trí đứng chờ khoảng 5 km để giao nốt số tiền mặt còn lại rồi họ sẽ trả người. Đến điểm hẹn, ba người trong nhóm chúng tôi bước xuống xe. Người còn lại vẫn ngồi ở vị trí tài xế. Phía bên kia không ngần ngại đưa cả 5 nạn nhân đến giao. Mỗi nạn nhân bị một người khống chế. Sau khi hoàn tất việc giao dịch, chúng tôi vội vàng đưa toàn bộ 5 nạn nhân lên xe di chuyển nhanh về một địa điểm trước kia là cơ sở kinh doanh của anh H (đã nói ở kỳ trước) trước khi trực chỉ về hướng cửa khẩu Mộc Bài.

Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết, số tiền chuộc người nếu thân nhân của các nạn nhân không có, anh sẽ vận động anh em và bỏ tiền túi giúp đỡ. “Hỗ trợ hết khả năng có thể thôi. Sau lần giải cứu này, nếu có nạn nhân cầu cứu, tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ” - anh Hải nói.

Khi chúng tôi thực hiện cuộc giải cứu này, vào ngày 26/8, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Shihanoukville đã phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia giải cứu thành công 63 lao động Việt Nam. Đến ngày 29/8, Tổng lãnh sự quán đã phối hợp với Đồn biên phòng Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đưa toàn bộ những người này về nước.

Trao đổi với phóng viên về việc giải cứu người Việt bị lừa qua Campuchia, luật sư Lê Việt Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Việt Hùng, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho biết, việc đưa người từ nước ngoài về nước phải đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật và được thực hiện theo hai hình thức. Theo đó, sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm lừa đảo hoặc cần sự giúp từ người Việt Nam tại Campuchia, các ngành chức năng Việt Nam sẽ đề nghị phía nước bạn phối hợp để xác minh, xử lý và đưa nạn nhân về nước. Ngoài ra, đối với người dân cũng có thể ra nước ngoài để đưa người khác về nước nhưng phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện cần đối với quy định của hai nước, cụ thể là Việt Nam và Campuchia.

(Còn nữa)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tan mộng đổi đời ở Campuchia: Hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO