Tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang lưu giữ những khuôn đá sa thạch dùng để đúc mũi tên và lao đồng có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt, thuộc thế kỷ III - II TCN.
Đó là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là giai đoạn Cổ Loa - thời kỳ vua An Dương Vương đóng đô ở ngôi thành Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Những bảo vật này được phát hiện cùng với di tích lò đúc đồng khi Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đào thám sát và khai quật khảo cổ học trước khi trùng tu di tích đền Thượng ở Cổ Loa từ năm 2004 - 2007.
Di tích lò đúc còn rõ cấu trúc đường ống dẫn gió vào lò, những tàn tích than tro của nhiên liệu đốt đậm đặc, kết hợp với những mang khuôn nguyên vẹn, mang khuôn vỡ, phác vật khuôn, phế vật, phế thải bỏ lại trong quá trình làm khuôn và nhiều đá nguyên liệu chế tạo khuôn cùng những mũi tên đồng, mảnh nồi nấu, xỉ đồng.
Trong số 11 mang khuôn đúc bằng đá được tìm thấy có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và một mang đúc mũi lao hình cánh én.
Theo các chuyên gia, đây là những hiện vật gốc, độc bản được phát hiện duy nhất cho tới nay ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt, được tôn xưng như một danh từ riêng: Mũi tên đồng Cổ Loa.
Phát hiện này vô cùng quan trọng và giá trị để giải mã bí mật huyền thoại nỏ thần thời kỳ An Dương Vương.
Mang khuôn có hình vật đúc mũi tên đồng ba cạnh (trái) và mũi lao cánh én khai quật được.
Trong số 10 mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh có hai mang khuôn mặt ngoài được mài nhẵn và khắc chìm chữ Hán. Điều này cho thấy nhà nước Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vương dùng chữ Hán để khắc trên các hiện vật quan trọng như khuôn đúc, trống đồng.
Mặt ngoài mỗi mảnh mang được tạo thành hình đã định qua những nhát ghè đẽo sơ sài, đôi chỗ được mài sơ bộ. Mặt trong được chế tác kỹ lưỡng hơn rất nhiều, với kỹ thuật khắc, đục, mài, tu chỉnh để khi hai hoặc ba mang được ráp vào nhau tạo nên một sự trùng khít lý tưởng.
Trong số này, có hai mang khuôn khắc minh văn (chữ Hán), có một mặt ngoài được mài nhẵn, rìa cạnh khắc chữ. Do mang khuôn không còn nguyên vẹn nên chỉ còn hai chữ, trong đó có một chữ còn rõ là "Thần", viết là "臣", tạm dịch là "Quan". Chữ còn lại không rõ nghĩa có mặt ngoài được mài nhẵn, trên có chữ "Nhân", viết là "人", tạm dịch là "Người".
Ông Hoàng Công Huy - Lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa cho biết, sưu tập này là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.
Sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng là hiện tượng khảo cổ học thứ ba ở Cổ Loa, sau kho mũi tên đồng Cầu Vực và trống đồng, lưỡi cày đồng Mả Tre.
"Cả ba hiện tượng khảo cổ nổi tiếng này đều liên quan tới nhau, phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là luyện kim, đúc đồng và nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ.
Sưu tập khuôn đúc ở đền Thượng đã đi vào nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học", ông Huy nói và cho biết, tháng 12/2020, sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được Thủ Tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh việc danh tướng Cao Lỗ sáng chế ra loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên là có thật.
Trí Thành