Không ngoài dự đoán của giới đầu tư, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã không thể huy động đủ 50% số tiền trúng đấu giá lô đất số 3-12 tại KĐT Thủ Thiêm (12.250 tỷ đồng) để nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đến thời hạn 30 ngày theo quy định.
Do đó, ngày 10/01/2022, thời hạn chót để Tân Hoàng Minh phải nộp 50% số tiền mua tài sản, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn, đã có màn “quay xe” gây sững sờ khi viết “tâm thư” gửi đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước xin được đơn phương hủy kết quả đấu giá vào ngày 10/12/2021 và xin chấp nhận mọi chế tài.
Lý do được ông Dũng đưa ra là nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Bởi ông thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường.
"Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng", ông Dũng viết.
Một chi tiết đáng chú ý được ông chủ Tân Hoàng Minh giãi bày là, thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư tham gia trả giá cao đến 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc, chỉ còn một nhà đầu tư ngoại. Ông kể, lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay người nước ngoài, vì "trào lên lòng tự hào dân tộc", nên quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng, để giành quyền trúng thầu.
Tân Hoàng Minh sẽ bị “cấm cửa” sau khi xin hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm? |
Với việc đơn phương bỏ cọc, ông Đỗ Anh Dũng thêm một lần nữa khiến dư luận nhắc lại sự việc tương tự trước đó, năm 2016 ông chủ Tân Hoàng Minh từng bất ngờ bỏ cọc sau khi đấu giá cặp chóe tứ linh với giá 6,05 tỷ đồng.
Với việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc, theo quy định về đấu giá hiện hành, đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ trúng đấu giá nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất này.
Theo quy chế đấu giá, Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc khoản tiền đặt trước - tương đương 20% so với giá khởi điểm. Như vậy, số tiền Tân Hoàng Minh chấp nhận mất là 600 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định của pháp luật về đấu giá hiện hành, nếu bên trúng đấu giá bỏ cọc trước khi ký hợp đồng thì sẽ mất số tiền đặt trước. Trường hợp bên trúng đấu giá bỏ sau khi ký hợp đồng thì sẽ mất tiền đặt cọc với số tiền khoảng 20%.
“Số tiền bị mất sẽ là 20% so với giá khởi điểm, số tiền ban đầu là đặt trước, sau đó mới là đặt cọc, và việc bên trúng đấu giá đơn phương bỏ ngang sẽ bị phạt cọc.
Hiện đã có chế tài sòng phẳng về việc này nên nếu không phát hiện dấu hiệu gian lận gì trong đấu giá thì quy định hiện nay cũng không cấm doanh nghiệp tham gia đấu giá vào những lần sau”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Dù không bị chặn tham gia các vụ đấu giá tiếp theo tuy nhiên truyền thống 'quay xe phút chót' của vị Chủ tịch này cũng gây không ít nghi ngại và ảnh hưởng uy tín tập đoàn.
Trước đó, chia sẻ với PV Infonet, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đấu giá Lạc Việt – đơn vị tổ chức buổi đấu giá cặp chóe Tứ linh vào năm 2016 – cho biết: “Sau buổi đấu giá cặp chóe Tứ linh đó, khi biết được thông tin Tân Hoàng Minh có ý định bỏ cọc, đích thân tôi đã viết thư gửi đến cá nhân ông Đỗ Anh Dũng để thuyết phục, trong đó phân tích mọi lẽ thiệt hơn, rằng danh dự, uy tín của Tân Hoàng Minh và cá nhân ông Dũng còn lớn hơn rất nhiều so với số tiền 6,05 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Dũng đã phớt lờ lời đề nghị của tôi.”
Tuân Nguyễn