Tuy nhiên, theo luật sư Trương Anh Tú, mấu chốt của vấn đề hiện tại là xác định chai nước có đúng của Tân Hiệp Phát hay không. Chưa xác định được chai nước là giả thì chưa phạm tội.
Tân Hiệp Phát và những "phốt" để đời
Trước đó, hồi năm 2012, anh Trần Quốc Tuấn (27 tuổi, làm nghề thợ bạc, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sau khi phát hiện thấy một con gián trong chai trà xanh của công ty Tân Hiệp Phát, đã yêu cầu công ty này phải đưa 50 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng, nếu không Tuấn sẽ thông báo vụ việc cho báo chí. Phía công ty TNHH Tân Hiệp Phát sau đó đã đồng ý đưa số tiền theo yêu cầu của Tuấn, đồng thời trình báo công an việc bị Tuấn tống tiền.
Cận cảnh con ruồi trong chai nước ngọt Number One của Tân Hiệp Phát. |
Ngày 5/6/2012, lúc hai bên đang trao đổi thì Tuấn bị công an bắt vì tội tống tiền.
Trước đó tháng 12/2011, tờ Công an TP.HCM đưa tin Công ty Tân Hiệp Phát cũng từng bị khách hàng yêu cầu bồi thường 49 triệu đồng cho 5 chai nước ngọt của công ty do khách cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, khi đang nhận tiền của Công ty Tân Hiệp Phát thì Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP. Biên Hòa ập vào bắt giữ.
Rõ ràng việc đòi bồi thường của khách hàng là không đúng, nhưng những sự cố liên tiếp liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát rõ ràng là có vấn đề. Người tiêu dùng đang ngày càng hoài nghi về chất lượng của một thương hiệu đồ uống vốn đang thịnh hành trên thị trường.
Ngoài ra, cách xử lý biến mình thành người bị hại của Tân Hiệp Phát cũng khiến dư luận không khỏi bức xúc. Dường như thông điệp mà Tân Hiệp Phát muốn gửi đến khách hàng là, nếu sản phẩm của công ty này có vấn đề gì thì tốt nhất là giữ im lặng, coi như không may mắn, chứ đừng phản ánh lại với công ty và hy vọng vào sự thỏa hiệp, đền bù.
Trong khi đó, các sản phẩm của công ty này thường xuyên xảy ra các sự cố. Tháng 2/2009, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát hiện 26 tấn hương liệu quá hạn sử dụng trong kho của Tân Hiệp Phát. Tiếp đó, ngày 21/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C15B (TP.HCM) phát hiện tại kho số 169 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh của Tân hiệp Phát 31 tấn nguyên liệu đã quá hạn trên bao bì gốc và được dán nhãn phụ ghi hạn sử dụng mới tới năm 2009-2010. Ngày 25/6, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phát hiện 9,9 tấn hương liệu quá hạn đang chờ thanh lý trong một kho hàng khác của Tân Hiệp Phát tại Thuận An.
Ngày 12/6, trong buổi họp báo tại TP.HCM do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương khẳng định, Cục chưa phát hiện Tân Hiệp Phát dùng hương liệu quá hạn vào việc sản xuất. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát vẫn chưa giải thích rõ ràng về lô hàng tại Nơ Trang Long cũng như việc một số lô hàng được dán nhãn hạn sử dụng mới.
Việc Tân Hiệp Phát không giải thích rõ ràng về các lô nguyên liệu trên cũng như không có các văn bản liên quan đến việc thanh lý chúng đã gây hoang mang cho khách hàng và người tiêu dùng, đồng thời, ảnh hưởng không ít đến uy tín của thương hiệu này.
Một thương hiệu nổi tiếng khác của Tân Hiệp Phát là trà thảo mộc Dr.Thanh cũng dính hàng loạt sự cố. Tháng 8/2011, một khách hàng phát hiện một lô sản phẩm trả Dr.Thanh bị đóng cặn màu trắng đục, xuất hiện nhiều bọt sủi và có dị vật ở trong chai.
Một khách hàng tại Đà Nẵng phản ánh khi mua 2 lốc (loại 6 chai/lốc) trà thảo mộc Dr.Thanh (loại 350ml) về sử dụng, uống đến chai thứ 10 bất ngờ phát hiện bên trong có đóng váng lợn cợn và nổi bọt trắng đục, mặc dù chưa mở nắp.
Năm 2012, khách hàng Lê Cao Tánh (ngụ số 54 đường Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cũng gửi đơn đến Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ chất lạ có trong 2 chai Dr.Thanh 350ml.
Trước đó, anh Tánh mua 10 chai loại nước này có hạn sử dụng đến 22/8/2013 tại một tiệm tạp hóa gần nhà. Sau khi các con anh Tánh uống thì có triệu chứng đau bụng đi ngoài, khi kiểm tra thì phát hiện 2 chai Dr.Thanh còn lại chưa khui có chất lạ bên trong màu nâu kết tủa thành cục đặc quánh.
Cũng trong năm 2012, bà Tất Tố Mai - chủ quán cà phê Hàng Hải (số 70 đường Hạ Long, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh nhiều chai Dr. Thanh được khách hàng phản ánh còn chưa mở nắp và hạn sử dụng đến tháng 5-6/2013. Tuy nhiên, nước uống trong chai đều có tình trạng chất nhày kết tủa lợn cợn nổi bồng bềnh phía trên cổ chai...
Trước các sự cố, Tân Hiệp Phát khẳng định sẽ đổi lại sản phẩm bằng sản phẩm khác và khắc phục các lỗi trong quá trình sản xuất.
Một sản phẩm khác của Tân Hiệp cũng từng dính "phốt" là sữa đậu nành Number One bị đóng cục. Một khách hàng tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam về việc mua 2 chai sữa đậu nành tự nhiên Number One Soya còn hạn sử dụng, đã phát hiện bên trong chai nổi lên cục màu trắng.
Khi khách hàng báo với Tân Hiệp Phát, công ty này đã thừa nhận là hàng của công ty và giải thích do sơ suất lỗi kỹ thuật nên xảy ra hiện tượng trên.
Nếu chai nước là giả, khách hàng mới phạm tội
Liên quan đến sự việc mới đây nhất về chai Number One có dính ruồi và việc Tân Hiệp Phát lại tiếp tục gài bẫy khách hàng khi anh này đòi 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Nếu con ruồi trong chai nước uống Number One của Công ty Tân Hiệp Phát là có thật thì đây là vấn đề dân sự.
Trả lời báo điện tử PetroTimes, luật sư Trương Anh Tú phân tích, nếu là vấn đề dân sự, khách hàng có quyền thỏa thuận tiền với công ty sản xuất sản phẩm. Điều này hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự. Nếu phía công ty làm ăn chính đáng, đàng hoàng thì họ phải thương lượng với anh này. Nếu không thương lượng được thì các bên ra tòa án giải quyết. Còn nếu anh này tạo ra con ruồi rồi tống tiền doanh nghiệp thì mới có dấu hiệu hình sự của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
“Quả thật nếu trong chai nước có con ruồi thì doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đã quá tàn nhẫn và người tiêu dùng nên tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Xét tổng thể, nếu Tân Hiệp Phát suy nghĩ thấu đáo thì họ không cư xử như thế này. Người tham mưu giải quyết vụ này quá hồ đồ dẫn đến mất uy tín nghiêm trọng của một doanh nghiệp lớn”, LS Tú nhận định.
Ngoài ra, theo luật sư Tú, quá trình điều tra và bắt giam của công an chưa thực sự chặt chẽ. Để vụ việc khách quan và công luận không nghi ngờ phía cơ quan chức năng thì theo tôi trong quá trình lấy lời khai nhất định phải có Luật sư tham gia. Vì nếu không, rất có thể trong quá trình lấy cung anh Minh sẽ thừa nhận mình đã làm giả ra chai nước ngọt (không loại trừ trường hợp ngay cả khi đó là chai nước có con ruồi thật của Tân Hiệp Phát).
LS Tú đề nghị, trong vụ việc này Luật sư, Luật gia và các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong trường hợp này. Đành rằng anh ta tham, nhưng có vi phạm pháp luật hay không thì là chuyện khác.
LS Tú lý giải thêm: Theo Điều 135 quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là: 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
“Lưu ý rằng “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác” vì người bị hại ở đây được hiểu là cá nhân. Trong khi đó, Tân Hiệp Phát là một tổ chức. Như vậy sao có thể nói người dân uy hiếp tinh thần của tổ chức này.
Hơn nữa, chưa xác định được chai nước là giả thì chưa phạm tội. Chưa phạm tội sao lại bắt người vội vàng như vậy. Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ”, LS Trương Anh Tú kết luận.