Tân Đại sứ Olivier Brochet: Việt Nam và ASEAN giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp

Vy Anh| 06/10/2023 10:54

Chia sẻ với phóng viên báo chí đầu tuần qua về những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, tân Đại sứ Pháp Olivier Brochet đặc biệt nhấn mạnh tới lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy thị trường hàng hóa, hợp tác kết nối từ Việt Nam với ASEAN...

Ưu tiên của tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam
Tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet gặp gỡ báo chí ngày 3/10 tại Hà Nội. (Ảnh: NV)

Trải nghiệm thực tế - bấm nút cho sự khởi đầu

Tân Đại sứ Pháp Olivier Brochet nhận định rằng, quan hệ Pháp-Việt Nam “rất đặc biệt”. Tính đặc biệt đó thể hiện ở việc người dân hai nước đã có mối quan hệ rất lâu đời, từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nhưng trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào hai bên đều có mong muốn hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau.

Đại sứ Olivier Brochet cho rằng, Việt Nam và Pháp hợp tác chặt chẽ thời gian qua. Vào thập niên 1990, Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Ngay từ thời điểm đó đã xuất hiện và nhen nhóm nhiều mối quan hệ hợp tác, làm nền tảng vững chắc cho hai nước sau này.

Từ đó đến nay, Đại sứ Olivier Brochet cho rằng, nhiều cơ chế hợp tác của Pháp đã hoạt động tích cực, đồng hành với những mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Ví dụ, Cơ quan Phát triển Pháp AFD đã tài trợ khoảng 2 tỷ Euro cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Cho đến nay, Pháp là quốc gia châu Âu có nguồn vốn đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam, tạo ra khoảng 50.000 việc làm.

Bên cạnh đó, Viện Pháp tại Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động văn hóa, ngôn ngữ, học bổng cho sinh viên Việt Nam. Về giáo dục, trong vòng 30 năm qua hàng vạn sinh viên Việt Nam đã tới Pháp tu nghiệp. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 về số lượng học bổng tại Pháp - ước tính 1,5 triệu Euro mỗi năm. Về y tế, suốt 30 năm qua, Pháp đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo 3.000 bác sĩ.

Trong lĩnh vực an ninh, Pháp với vai trò thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn thể hiện rõ ràng quan điểm ủng hộ Việt Nam bảo đảm an ninh, chủ quyền.

Về những trải nghiệm cá nhân khi nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam được 3 tuần, Đại sứ Olivier Brochet cho biết, ông đã có cơ hội trải nghiệm những vùng đất mới như Mai châu, Pù Luông, đem lại những ấn tượng tuyệt vời khởi động một hành trình mới cho những năm tới.

Trong năm nay, Đại sứ chia sẻ sẽ còn đi tới Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là tới Huế để tham gia một lễ hội ánh sáng đặc biệt, đánh dấu một kết thúc rực rỡ cho năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt-Pháp.

Đại sứ Olivier Brochet đặc biệt coi trọng hợp tác văn hóa giữa hai nước. Thời gian qua, hợp tác văn hóa giữa hai nước đã phát triển theo chiều sâu, đến bước chuyển giao công nghệ, phương thức tổ chức các sự kiện văn hóa. Hai bên đã tăng cường trao đổi sâu rộng giữa các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Theo tân Đại sứ, với sự tiếp cận tương đồng, có bề dày và tính độc đáo, Việt Nam và Pháp cùng chung niềm mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa của mình. Pháp có chính sách quảng bá tính đa dạng thay vì chiều hướng đồng nhất các mô hình văn hóa, coi văn hóa là môi trường để các đối tác gặp gỡ giao lưu, mở ra giá trị mới, mang tính xây dựng, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Chống biến đổi khí hậu là ưu tiên trước nhất

Chia sẻ với các phóng viên báo chí, Đại sứ Olivier Brochet nêu bật rõ 4 ưu tiên cụ thể trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất là tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, duy trì sự đa dạng sinh học, hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo Đại sứ Olivier Brochet, đối với Pháp, một trong những cơ chế thể hiện cụ thể cam kết là chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng JETP, trong đó Pháp đồng hành hỗ trợ Việt Nam trên cơ sở nguồn lực tài chính với kinh phí khoảng 500 triệu Euro. Bước đầu Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam có cơ sở hạ tầng thiết yếu, để các nhà đầu tư có thể thấy sức hút và tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Thứ hai là hỗ trợ Việt Nam thích ứng, xây dựng tiêu chuẩn về pháp lý, tận dụng hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); giúp cải thiện các sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của thị trường Liên minh châu Âu (EU), từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.

Thứ ba, Đại sứ đặt mục tiêu phát triển mối quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam, thúc đẩy các sản phẩm tốt nhất của Pháp tới Việt Nam, trong các lĩnh vực thế mạnh như hàng không, dược phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…

Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế, duy trì và phát huy những giá trị hai bên cùng chia sẻ như tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền; thông qua các diễn đàn chung, đóng góp vào duy trì các giá trị đó. Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ vào năm 2024 sẽ là một trong những cơ hội để hai bên trao đổi sâu, đóng góp vào mục tiêu chung này.

Năm 2018, Pháp công bố một tài liệu quan trong trong chính sách đối ngoại là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng giữ vị trí hết sức quan trọng. Theo Đại sứ Olivier Brochet, việc Pháp đặt trọng tâm chính sách đối ngoại ở khu vực cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong thời gian tới.

Tân Đại sứ Pháp Olivier Brochet trình quốc thư ngày 26/9, đánh dấu nhiệm kỳ 3 năm chính thức bắt đầu tại Việt Nam. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, ông là Tổng giám đốc cơ quan phụ trách giảng dạy của Pháp ở nước ngoài.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tân Đại sứ Olivier Brochet: Việt Nam và ASEAN giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO