11h đêm, Đặng Minh Tiền (23 tuổi) mệt mỏi trở về phòng trọ sau một ngày ship đồ quanh thành phố Hà Nội. Cực chẳng đã Tuấn mới phải làm chân chạy ship như thế này.
Tân cử nhân làm... shipper
Tiền tốt nghiệp ngành Hướng dẫn du lịch trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội hồi tháng 7/2020. Để bám trụ lại Hà Nội, cậu từng trải qua nhiều công việc nhưng đều thất bại.
Tiền đành chấp nhận về quê làm công nhân tại công ty điện tử với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng. Công việc không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao, nhưng việc này không phù hợp với cậu. Một tuần sau, Tiền quyết định xin nghỉ, trở lại Hà Nội làm shipper chờ "thời cơ" xin việc đúng chuyên ngành.
Một ngày làm việc của Tiền bắt đầu từ 7h sáng đến 10h tối, nhiều lúc muộn hơn. Công việc bận nhất vào buổi trưa, cậu chủ yếu giao đồ ăn cho các khu văn phòng, chung cư. Mỗi đơn giao thành công, Tiền nhận được khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Tiền cho biết: "Những ngày trời mưa và lạnh cũng là lúc em kiếm được nhiều tiền nhất, vì khi đó mọi người ngại ra ngoài, chủ yếu gọi đồ ship".
Nam sinh chia sẻ, không chỉ bản thân mà nhiều tân cử nhân khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cậu mong sao dịch bệnh sớm qua đi để tiếp tục theo đuổi đam mê làm hướng dẫn viên du lịch.
Xin việc từ năm cũ sang năm mới
Tháng 5/2020, Nguyễn Minh Trung (27 tuổi, Hà Nội) tốt nghiệp khoa Sư phạm Toán học, trường Đại học Giáo dục. Ra trường đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cậu lo lắng không thể tìm công việc phù hợp với chuyên ngành học.
Trung chuẩn bị 3 bộ hồ sơ để ứng tuyển vào những trường trung học cơ sở mà mình thích. Thế nhưng, gần 20 tháng trôi qua, cậu vẫn chưa tìm được việc làm. Trường học đóng cửa, không có chỉ tiêu tuyển giáo viên mới, các hoạt động giáo dục đều chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.
Mỗi ngày qua đi, nam sinh gốc Hà Nội càng cảm thấy áp lực, vì phải chờ đến đợt tuyển dụng sau, trước khi vào năm học 2022 - 2023 cậu mới có cơ hội tìm việc làm. Cứ thế 3 bộ hồ sơ xin việc vẫn phải cất trong tủ mà chưa có cơ hội gửi đi.
Trong giai đoạn chờ tìm việc, Trung đang nhận dạy online cho 5 bạn nhỏ, từ lớp 6 đến lớp 9 với gần 20 buổi/tháng. "Mỗi ngày, em dạy 3 ca, buổi sáng từ 8h -11h, chiều từ 14h - 17h, ca tối 19h - 21h. Nhờ vậy, mỗi tháng em có thể kiếm được từ 6 - 8 triệu đồng. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng em cảm thấy mình vẫn may mắn hơn một số người vì vẫn có thể làm ra tiền trong mùa dịch", Trung nói.
Nhìn bạn bè cùng trang lứa ai cũng đã ổn định, trong khi bản thân vẫn còn bấp bênh chưa tìm được việc ổn định, nhiều lúc Trung cảm thấy chạnh lòng. Trung mong sao năm nay có thể tìm được việc như mong muốn.
Chiếc áo mới chưa có dịp mặc
"Ra trường hơn 4 tháng nhưng vẫn chưa tìm được công việc. Em vừa buồn, vừa sợ bố mẹ lo lắng. Để không phải xin tiền gia đình, em tìm một công việc tạm thời đủ tiền tự trang trải cuộc sống”, Bùi Đình Thao (23 tuổi) sinh viên Đại học Y Hải Phòng tâm sự.
Thao tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng, Đại học Y Hải Phòng hồi tháng 9/2021. Từ đó đến nay, cậu ứng tuyển vào nhiều bệnh viện, phòng khám nhưng đều bị từ chối với lý do dịch bệnh, cơ sở giảm quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự.
Cậu từng được một phòng khám phục hồi chức năng ở quận Lê Chân, Hải Phòng đồng ý cho thử việc. Tuy nhiên, trước ngày chuẩn bị vào làm, phòng khám báo tin vị trí Thao ứng tuyển sau Tết âm lịch mới có thể đi làm, nghĩa là phải chờ thêm 1 tháng nữa.
"Lúc đó em cảm thấy rất hụt hẫng, vì đây là công việc em chờ đợi ròng rã suốt 3 tháng. Và thế là em lại mang chiếc áo mới chưa mặc lần nào vào cất vào góc tủ", Thao buồn bã.
Thời sinh viên, để có tiền trang trải cho cuộc sống, Thao phải làm thêm 2- 3 công việc cùng lúc vừa chạy bàn tại trung tâm tiệc cưới, vừa làm gia sư cho các bạn nhỏ... Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả các công việc làm thêm của Thao đều bị tạm dừng. Trong khi chờ đợi, cậu quyết định đăng ký học nâng cao chuyên khoa Phục hồi chức năng. Hi vọng, sau tết sẽ được đi làm việc tại bệnh viện.
VŨ VÂNTheo Tổng cục Thống kê, quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 355 nghìn người và tăng hơn 1 triệu người; lực lượng lao động nam tăng 36,3 nghìn người so với quý trước; lực lượng lao động nữ tăng hơn 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.