Tầm vóc của Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh xuân hè 1972

28/04/2022 08:38

Nửa thế kỷ trước, cuộc tiến công chiến lược của Quân giải phóng miền Nam xuân hè năm 1972, trong đó có chiến dịch Nguyễn Huệ, đã giải phóng Lộc Ninh, mở ra thời kỳ đưa chiến tranh vào giai đoạn cuối với tầm vóc một địa bàn quan trọng cho những chuyển biến quân sự, chính trị toàn chiến trường, chuẩn bị trực tiếp cho những bước phát triển cuối cùng của chiến tranh.

Hiểu thêm về chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ và việc giải phóng Lộc Ninh xuân hè 1972 - Ảnh 1.

Nhà giao tế - nơi làm việc của Ban Liên hợp quân sự bốn bên thi hành Hiệp định Paris về Việc Nam, tại Lộc Ninh sau ngày 27/1/1973 - Ảnh Bảo tàng Bình Phước

Sau Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có những quanh co phức tạp không lường hết được. Địch phản kích mãnh liệt từ các đô thị đến vùng nông thôn, đầu năm 1969 chúng triển khai chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh trong khuôn khổ chiến lược toàn cầu mới. Chính sách bình định nông thôn là biện pháp chiến lược, một cuộc chiến tranh thực sự để giành dân (nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long) và được coi là "chìa khóa thắng lợi" của chiến tranh.

Để cố gắng nắm giữ được "chìa khóa" ấy, địch vừa ra sức tấn công bình định ở nội địa (1968-1971), vừa tràn sang Campuchia (1970), vừa nống ra Đường 9-Nam Lào (1971), vừa đẩy cuộc hội đàm ở Paris vào bế tắc (1969-1970), vừa triển khai chiến dịch ngoại giao nước lớn (1972) để bóp nghẹt từ bên ngoài kết hợp với hủy diệt từ bên trong cuộc kháng chiến của nhân dân trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Chúng vừa leo thang mở rộng tối đa quy mô thực địa cuộc chiến tranh xâm lược, vừa đẩy cường độ và sự ác liệt của chiến tranh lên cao, vừa tạo ra những diễn biến mới phức tạp cho cuộc chiến cả về nội dung và hình thức, chuyển cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ sang cho Việt Nam Cộng hòa và cố tạo ra bộ mặt nội chiến cho chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Chính trong hoàn cảnh lịch sử đó, cuộc tiến công chiến lược xuân hè 1972 được hình thành với quy mô toàn miền, với mục tiêu được đặt ra (như Đảng đã xác định trong Thư vào Nam của đồng chí Lê Duẩn): "Sử dụng lực lượng thật mạnh bộ đội chủ lực ta đánh những trận tiêu diệt lớn và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy. Phát huy lực lượng quân sự và chính trị của ta ở đồng bằng, kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để đánh bại về cơ bản kế hoạch "bình định" của địch, giành lại thế làm chủ ở nông thôn".

Khác với Tổng tiến công Mậu Thân 1968 (lấy trọng điểm là các vị trí thuộc hệ thống phòng thủ vòng trong của địch), lần này chọn trọng điểm là các vị trí địch trong hệ thống phòng ngự vòng ngoài ở Trị-Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (những nơi phòng thủ mạnh, khi chiến cuộc mở ra thì có sức uy hiếp lớn toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng trong, đồng thời có sức tập trung giải quyết những vấn đề chiến thuật quân sự cơ bản của toàn bộ cuộc chiến).

Miền Đông Nam Bộ là một trong những hướng trọng điểm quan trọng của nhiệm vụ chiến lược năm 1972. Sách Chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ (năm 1972) của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Tại đây, Quân giải phóng "Lấy hướng đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu… Trên hướng chủ yếu, cụm cứ điểm Lộc Ninh được chọn làm khu quyết chiến then chốt mở đầu".

Những dự cảm về chiến dịch lần này cũng chính xác hơn, đầy đủ hơn về yêu cầu chiến lược của chiến trường trọng điểm, nhất là vị trí áp sát Sài Gòn tạo ra thế áp đảo đầu não của địch. Lộc Ninh và miền Đông Nam Bộ có thể phát triển nhanh thế và lực, mở rộng thế phát triển của chiến dịch và có thể sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới khi cuộc kháng chiến phát triển thuận lợi.

Đặc biệt, Trung ương Đảng xác định "mọi hoạt động của ta, nhất là hoạt động quân sự của bộ đội chủ lực, phải bảo đảm thu được thắng lợi để tranh thủ thời cơ sắp tới và nắm chắc thời cơ này giành thắng lợi có tính chất quyết định". Quân ủy Trung ương đề ra nhiệm vụ quân sự trong năm 1972 "kịp thời nắm lấy thời cơ, hành động bất ngờ, giành lấy thắng lợi cao nhất, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền tan rã, sụp đổ một bước quan trọng".

Tầm vóc của Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh xuân hè 1972 - Ảnh 2.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh ngày 7/4/1972

Chiến dịch tiến công mang tên Nguyễn Huệ năm 1972 ở miền Đông Nam Bộ đã được tổ chức chu đáo và tiến hành thắng lợi. Mặc dù chiến dịch kéo dài, nhưng những mục tiêu chủ yếu của chiến dịch đã được giải quyết ngay trong đợt đầu xuân-hè (từ 31/3 đến tháng 5/1972): Tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh, giải quyết dứt điểm trận then chốt mở đầu cho hướng chủ yếu, chọc thủng tuyến phòng ngự biên giới của địch ở miền Đông Nam Bộ với việc giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh-Bù Đốp.

Ngay sau đó, Quân giái phóng tập trung bao vây dài ngày thị xã An Lộc, chốt chặn và kìm chân địch dài ngày trên đường 13, đưa một bộ phận chủ lực quân giải phóng xuống khu 8 tham gia chiến dịch tiến công tổng hợp giành lại quyền chủ động trong đánh phá bình định nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Việc giải phóng Lộc Ninh, bao vây An Lộc, chia cắt đường 13… đã có tác dụng làm thay đổi cục diện chiến trường toàn khu vực. Từ sau những thắng lợi này cho đến trước khi Hiệp định Paris được ký kết, chiến dịch Nguyễn Huệ còn tiếp tục với tính chất ác liệt và quyết tâm cao, biến mặt trận Bình Long thành mặt trận nóng bỏng, tạo áp lực chiến tranh ác liệt ngay sát cửa ngõ sào huyệt địch ở Sài Gòn.

Chiến dịch Nguyễn Huệ cùng với các chiến dịch tiến công khác trong năm 1972 tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh ở đô thị Sài Gòn và các vùng lân cận bùng lên với những cao điểm mới. Đấu tranh công khai hợp pháp của các tầng lớp nhân dân dấy lên với nhiều nội dung và hình thức mới rất phong phú.

Quận đầu tiên của miền Đông Nam Bộ được giải phóng, Lộc Ninh trở thành địa bàn có vị trí địa chính trị-địa quân sự rất quan trọng, mở ra cục diện mới có ý nghĩa chiến lược của toàn chiến trường B2 và miền Nam Việt Nam nói chung trong giai đoạn cuối của chiến tranh. Đặc biệt là vị thế chính trị và quân sự của Lộc Ninh từ sau giải phóng 7/4/1972 đã thay đổi cơ bản: Lộc Ninh trở thành đầu mối của hệ thống vận tải giao liên chiến lược cho toàn Nam Bộ, làm cơ sở cho việc hình thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris, nơi làm việc của phái đoàn quân sự 4 bên thi hành Hiệp định, nơi trao trả những người bị bắt của 2 bên trong chiến tranh; Lộc Ninh cũng trở thành nơi thuận lợi cho việc xây dựng củng cố thực lực cách mạng, nơi tập kết các lực lượng chủ lực Miền, nơi xây dựng Tà Thiết thành căn cứ của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Miền…

Lộc Ninh và toàn bộ căn cứ địa miền Đông Nam Bộ từ sau năm 1972 trở đi, nhất là trong Đại thắng mùa xuân 1975, trở thành đầu não của cuộc kháng chiến, nơi tập trung xây dựng phát triển các lực lượng chính trị và vũ trang cách mạng, bàn đạp của những cánh quân từ phía tây bắc tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từ mốc lịch sử 50 năm trước, Lộc Ninh giải phóng đã góp phần trực tiếp vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; nay Lộc Ninh Anh hùng đang tiếp tục xây dựng và phát triển theo khát vọng của đất nước giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng.

Hà Minh Hồng


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tầm vóc của Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh xuân hè 1972
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO