Tâm thần vì khánh kiệt ở tuổi 30 do chứng khoán

09/12/2022 16:40

Sau cơn lốc chứng khoán, S. đã trắng tay thậm chí còn nợ bạn bè. Tiếc của, dằn vặt bản thân thất bại đã khiến S. rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần.

Vài năm trước, Đoàn Văn S. (sinh năm 1993, trú tại Hà Nội) có khoản tiền tiết kiệm bắt đầu tìm các kênh đầu tư riêng. S. nghe bạn bè mua tiền ảo, đợt kinh doanh đó khá may mắn cậu bán nhanh, thắng nhanh.

Sau đó, S. bắt đầu chơi chứng khoán. Năm 2020 – 2021 thấy bạn bè đổ xô mua chứng khoán, Đoàn Văn S. cũng tranh thủ dùng toàn bộ số tiền mình tiết kiệm sau 7 năm đi làm để đầu tư.

Ban đầu, S. chỉ mua vài mã. Sau đó, S. vào nhóm chơi chứng khoán “chuyên nghiệp” và có sử dụng đòn bẩy. Sang năm 2022 thị trường lao dốc, S. thua lỗ nặng.

Có những mã S. mua thời điểm đỉnh cao hơn 85 nghìn điểm đến hiện tại nó chạm đáy chỉ còn hơn 20 nghìn. Trung bình các mã S. mua lỗ khoảng 60-70 %.

Thua lỗ nhiều tiền trong tài khoản không cánh mà bay khiến S. sống trong lo lắng. Cậu thường xuyên mất ngủ, tình trạng cơ thể mệt mỏi.

Bạn gái của S. thấy biểu hiện của cậu khác lạ nên động viên đi khám nhưng S. không đi. Chỉ đến khi S. có biểu hiện muốn tự sát thì cả gia đình mới tá hoả đưa cậu đi kiểm tra sức khoẻ tâm thần. Bác sĩ cho biết S. bị rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc.

Ảnh minh hoạ.

Hay trường hợp của chị Đào Bích Phượng (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cả nhà có bao nhiêu tiền Phượng mang đi đầu tư chứng khoán, Phượng còn vay thêm bố mẹ hai bên và anh chị em.

Khi chứng khoán xanh đèn, tăng lãi theo ngày nhưng lúc chứng khoán tụt dốc, tiền lãi cũng hụt hơi theo phút, giây. Đến năm nay thua lỗ nặng, kinh tế gia đình khánh kiệt nhưng bản thân cô vẫn chưa hiểu vấn đề đòi bán cả nhà để bắt đáy.

Phượng thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, cảm xúc bị rối loạn, nhiều lần còn bị ảo giác đòi chồng phải bán nhà. Phương luôn nghe thấy có ai đó nói trong đầu mình rằng chồng cô muốn hãm hại mình. Vì mất tiền quá nhiều nên bà mẹ trẻ này đã bị rối loạn tâm thầm.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách – Viện nghiên cứu tâm lý lâm sàng MP, Hà Nội từ đầu năm tới nay anh đã tiếp nhận điều trị cho khoảng gần 90 người có biểu hiện rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần do đầu tư thua lỗ trong đó chủ yếu là đầu tư chứng khoán.

Sau thời gian Covid-19 nhiều người bấp bênh trong công việc như phi công nghỉ bay, người làm dịch vụ phải nghỉ, nhiều người không được đi làm dẫn tới họ chơi chứng khoán, đầu tư tiền ảo.

Họ bị khủng hoảng tâm lý vì “đốt” hết gia sản vào chứng khoán. Trong khi đó, họ không quen với việc đầu tư đó dẫn đến thua lỗ và họ rơi vào trạng thái trầm uất, muốn tìm tới cái chết.

Theo bác sĩ Bách đa phần người ta đều thiếu hiểu biết và khi thua lỗ họ có tâm lý chung tiếc nuối, tự dằn vặt bản thân, thậm chí họ căm ghét chính bản thân mình nên rơi vào trạng thái trầm hưng cảm. Nhiều người đã tìm tới cái chết vì họ cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa.

Bác sĩ Bách cho biết hiện nay nhu cầu sống và đòi hỏi nhu cầu của con người rất cao. Đa phần họ không biết hoà mình vào với biến cố xã hội, chủ quan xã hội.

Trong khi đó xã hội lại đòi hỏi tính cạnh tranh, bon chen cao hơn nếu họ không biết giảm tải với góc nhìn xã hội thì rối loạn tâm thần tăng cao.

Theo thống kê tại Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ mắc tâm thần chỉ sau Malaixia. Điều này tương tự bức tranh của Nhật Bản, Hàn Quốc cách đây 25 – 30 năm với sự phát triển xã hội chuyển đổi kinh tế dẫn đến các biểu hiện của tâm thần tăng hơn. Bác sĩ Bách cho rằng hiện nay sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam chưa được chú trọng.

Theo Bộ Y tế ước tính tỉ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương 15 triệu người. Trong đó thường gặp nhất là trầm cảm, lo âu. Đáng nói là sau đại dịch Covid-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng.

Trong đó, trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Khánh Chi

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tâm thần vì khánh kiệt ở tuổi 30 do chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO