Năm nay, Vũ Minh Ngọc - du học sinh Đức tiếp tục đón giao thừa với mẹ qua màn hình điện thoại.
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng thêm sự xuất hiện của biến chủng mới tại châu Âu chính là lý do khiến hành trình về Việt Nam của Ngọc gặp nhiều trắc trở.
Vũ Minh Ngọc hiện đang là du học sinh ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Ứng dụng Darmstadt (Đức) cho biết cô đang trong quá trình hoàn thiện luận văn để ra trường và cho đến thời điểm hiện tại đã 6 năm chưa ăn Tết cùng gia đình.
Tết là thời gian đoàn viên, nên đối với đứa con xa quê như Ngọc không thể tránh được cảm giác nhớ nhà, nhớ .
Những năm đầu mới sang Đức, Ngọc ở cùng với nhiều bạn người Việt nên có thể cùng nhau ăn bữa cơm của người Việt khi Tết đến. Cũng nhờ vậy mà cô bớt đi cảm giác nhớ Tết ở Việt Nam.
Ngọc cho hay: “Hiện nay, ở Đức em vừa học vừa làm và gần như tự trang trải cuộc sống trừ những khoản phát sinh lớn một chút thì em xin tiền mẹ. Xa nhà, em cũng như những du học sinh khác cũng nhớ nhà và thường xuyên gọi về cho gia đình nhưng đợt này công việc và học tập của em trên trường cũng bận rộn nên em những cuộc gọi cũng thưa thớt hơn”.
Ngọc cho biết từ sau lễ Noel việc đi lại ở Đức cũng bị hạn chế, muốn đi chơi, ở trong tòa nhà nào đó phải tiêm đủ 3 mũi, cơ bản mọi thứ vẫn mở nhưng nếu chưa tiêm chủng đủ thì bị hạn chế.
“6 năm ăn Tết xa nhà, em cũng hông còn nhớ lần gần đây nhất ăn Tết cùng mẹ thế nào nữa chỉ nhớ duy nhất một điều về Tết Việt đó là sự ấm áp mà dẫu có đi xa nhường nào cũng khó mà quên được. Mấy năm nay, gần như em không ăn Tết Nguyên đán vì có những ngày mùng 1 Tết đúng lúc em đang thi nên cũng không có thời gian tụ tập với bạn bè.
Em may mắn là có cô cũng ở Đức, nhà cô cách nơi em ở khoảng 4 tiếng đi tàu những dịp Tết mà được nghỉ được về chỗ cô thì cũng có không khí Tết hơn. Tất nhiên, muốn ăn Tết thì phải tự làm, tự chuẩn bị nhưng quan trọng là chúng em khá bận và vẫn phải làm việc học tập bình thường”, Ngọc kể.
Ngọc nhớ lại cách đây khá lâu khi dịch bệnh chưa bùng phát khoảng 2019, Tết thì Ngọc và các bạn trong nhóm học sinh người Việt cũng gặp nhau, mỗi chị em phụ trách nấu một món Việt, cũng mặc áo dài chụp ảnh, có phong bì lì xì cho nhau có cả du học sinh người Nga tham gia cùng.
Hồi ấy Ngọc và các bạn cũng giới thiệu về văn hóa ăn Tết Nguyên đán của người Việt cho những học sinh nước khác.
“Đôi khi cuộc sống bận bịu cũng cuốn em đi, mấy năm nay thì Tết em thường gọi về cho gia đình và chúc mẹ năm mới sức khỏe, vui vẻ vì cũng không biết làm gì hơn kh dịch bệnh hoành hành và bận rộn với thi cử.
Ngày còn ở Việt Nam em thích nhất là cảm giác đi mua đào với bố lúc ấy có cả sự háo hức khi đón Tết, có cả sự đầm ấm, thân thương. Trước chuyển giáo năm mới cũng dọn nhà cửa với bố mẹ, nhà em ở ngay bờ hồ nên năm nào việc ngắm pháo hoa ở bờ hồ là truyền thống của em và em luôn luôn là người xông nhà”, Ngọc nhớ lại.
Ngọc kể ở Đức, mấy bạn em Tết đến còn khéo tay đi nhặt cành cây khô ngoài đường rồi về làm cây đào giả bằng sáp nến. Siêu thị có bán 1 loại đào gì đó của Trung Quốc nhưng đắt và không giống đào Việt Nam nên bọn em cũng không mua, với họ bán theo cành chứ không phải cả cây đào như ở Việt Nam.
“Sau 6 năm em xa nhà mọi thứ cũng thay đổi và em cũng quen hơn với việc ăn Tết xa nhà vì giờ đây ngay cả ngôi nhà thân thuộc cũng thay đổi, có những người thân của em cũng không còn. Nếu giờ đây em quay về nhà thì điều em nhớ là những người thân trong gia đình trong ký ức 6 năm trước. Vì bố mẹ và ông bà thì hiện em chỉ có mẹ nên em không mong nhanh về nhà mà mong sớm đón mẹ qua Đức chơi”, Ngọc cho hay.