Đừng để con lớn lên mang tâm lý oán trách mẹ, nghĩ rằng mẹ bỏ rơi mình. Bây giờ, ngay cả việc muốn sống cùng con mà bạn cũng đắn đo sao?

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 37 tuổi, đã ly hôn cách đây bốn năm và hiện sống một mình. Em quyết định ly hôn khi phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn hai, phải phẫu thuật đoạn nhũ.

Khi đó, vợ chồng em đều còn trẻ, kinh tế gia đình chưa tích lũy được gì. Thời gian phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn tiền bạc để chữa bệnh em mới thấy không dễ dàng nhờ vả người khác, dù đó là người thân, họ hàng, bạn bè dư dả.

Khi em mổ xong, khối nợ còn lớn hơn khối u nhiều lần. Cuộc sống gia đình em đảo lộn, tình cảm vợ chồng nguội lạnh, em biết mình phải dừng lại để những người thân yêu trong gia đình được sống tiếp cuộc đời của họ.

Em quyết định ly hôn, thuận tình cho con em sống với chồng và ông bà nội. Vì không muốn làm phiền người khác, em về quê ở với ba mẹ. Khoản tiền chia tài sản sau ly hôn, em dùng để trả nợ.

Đến nay, em thấy sức khỏe của mình đã khá hơn và muốn bắt đầu lại cuộc sống bình thường. Em đã chuẩn bị tinh thần rất nhiều, theo dõi thông tin về chồng cũ, biết anh ấy đã lấy vợ, biết con em đang ở chung với ông bà nội chứ không ở với gia đình mới của ba.

Em có cảm giác mình đã dừng lại, đứng qua một bên đường, trong khi cuộc sống vẫn trôi đi, mọi việc tiếp diễn quá nhanh. Em đã lén đến trường con học, chờ để nhìn thấy con. Em rất muốn đưa con về sống với mình, dù sao thì có mẹ vẫn hơn phải không chị?

Em băn khoăn không rõ mình quyết định như vậy có đúng không. Đã một lần bước ra khỏi cuộc đời của chồng con, giờ muốn bước vào trở lại, liệu có phải tiếp tục kéo con mình vào chuỗi những chuyện rắc rối, mệt mỏi khác?

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Em Hoài Thảo thân mến, 

Em là một phụ nữ quyết đoán và dám đương đầu với nghịch cảnh. Mừng em đã qua được giai đoạn khó khăn nhất khi phát hiện bệnh và bắt đầu điều trị, cũng là bắt đầu sắp xếp lại cuộc đời mình, chịu đựng những cú sốc, duy trì niềm hy vọng và nỗ lực chống lại bệnh tật.

Những quyết định ngày trước giờ đã qua rồi, đúng sai gì giờ mình cũng không bàn tới nữa. Khi mình tạm dừng hoặc đi chậm lại, mọi việc vẫn sẽ tiếp tục đi qua. Cuộc sống tiếp diễn nhưng không có nghĩa là mình đứng mãi bên lề.

Mình sẽ hòa trở lại vào dòng chảy ấy, đi theo nhịp điệu riêng của mình. Đây là lúc mình lập kế hoạch cho quãng đời sắp tới.

Hạnh Dung ủng hộ việc em chăm sóc con, lo cho con. Đứa trẻ nào cũng cần cha mẹ. Hoàn cảnh của cha bé có thể không thuận lợi để đưa bé về sống chung, bé càng cần mẹ hơn. Thế nhưng, em hãy chuẩn bị kỹ trước khi quyết định.

Cần cân nhắc các điều kiện để lo cho con ăn học, đưa đón, phát triển: tiền bạc như thế nào, nhà ở, đi lại, chăm sóc hằng ngày trong khi em vẫn phải tiếp tục điều trị bệnh.

Nếu các điều kiện ổn thỏa, em có thể trở lại thành phố tìm việc làm, đón con về sống với mình, chăm lo cho con, sao cho cuộc sống và việc học hành của con không bị xáo trộn nhiều.

Nếu các điều kiện chưa được ổn lắm, em có thể vẫn để con sống với ông bà nội, em đến thăm, chăm lo cho con một phần. Về cơ bản, em phải tự lập thì mới có thể lo cho con được.

Em nên bắt đầu bằng việc tìm việc làm phù hợp, chuẩn bị chỗ ở, tiền bạc, kể cả sắp xếp người đỡ đần khi mình mệt mỏi, đau ốm. Khi các việc này tạm ổn, em có thể đến thăm ông bà, thăm con, rồi bàn bạc cùng ông bà.

Điều quan trọng nhất là tương lai của đứa trẻ. Có lẽ ông bà cũng muốn cháu mình có ba, có mẹ chăm lo. Niềm hy vọng được sống cùng con, chăm lo cho con sẽ là liều thuốc tuyệt vời giúp em nỗ lực vượt qua bệnh tật và khó khăn để bước tiếp trên đường đời.

Ngại ngần gì khi đó là quyền chính đáng- Ảnh minh họa
Ngại ngần gì khi đó là quyền chính đáng- Ảnh minh họa
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi mình dừng lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO