Đứa con đặc biệt của vợ chồng người Pháp
Vợ chồng bà Cathy Cauchy (sinh sống ở thành phố cảng Marseille, Pháp) đến với nhau sau khi bà Cathy chia tay cuộc hôn nhân thứ nhất.
Người phụ nữ Pháp đã có 2 con riêng một trai, một gái. Tuy nhiên, vì muốn tạo ra sợi dây gắn kết cho tổ ấm mới, bà Cathy và chồng quyết định nhận một đứa trẻ làm con nuôi.
Năm 2010, cả hai sang Việt Nam và tìm về Khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tân An thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận (nay là Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bình Thuận).
Tại đây, họ đặc biệt ấn tượng với cậu bé Nguyễn Đình Đông (sinh ngày 4/2/2005). Đông có gương mặt tròn và khá tinh nghịch, hiếu động.
Cảm nhận như có một sợi dây vô hình gắn kết với cậu bé ngay từ những phút đầu gặp mặt, bà Cathy và chồng thống nhất Đình Đông sẽ là mảnh ghép gia đình mà họ đang tìm kiếm.
Thời điểm ấy, vì còn nhỏ nên Đình Đông không biết về chuyến đi định mệnh thay đổi đời mình. Đến khi xe rời bánh ra phi trường, không nhìn thấy cô bảo mẫu mà chỉ có "hai người lạ" ở bên cạnh, cậu bé mới khóc không ngừng. Bà Cathy rưng rưng ôm con vào lòng và tự nhủ sẽ yêu thương, bù đắp cho con trai thật nhiều.
Trở về Pháp, bà vẫn giữ gìn thật cẩn thận những kỷ vật mà Đình Đông đem từ Việt Nam sang. Đặc biệt trong số đó có các bức ảnh kỷ niệm chụp từ khi cậu bé mới sinh ra cho đến những năm đầu đời sau này.
Là một người luôn đề cao tình cảm và sự biết ơn, bà Cathy đặt tên mới cho con nhưng vẫn không quên những giữ lại một phần tên Việt để con luôn nhớ về nguồn cội của mình. "Con trai tôi được đổi tên thành Matis Ding Dong Cauchy", bà Cathy nói.
Những ngày sau đó, cậu bé bị mẹ ruột bỏ rơi từ thuở lọt lòng đã có được một gia đình đúng nghĩa. Bà Cathy yêu thương Đình Đông như chính con đẻ của mình, không hề có chút phân biệt đối xử. Anh chị nuôi người Pháp của Đình Đông cũng vô cùng vui mừng khi mình có thêm một cậu em trai.
Trong suốt những năm qua, cặp vợ chồng người Pháp không hề che giấu việc Matis Ding Dong là con nuôi. Chính vì vậy, khi ngày một lớn lên, cậu bé người Việt càng thể hiện sự tò mò về nguồn cội của mình. Cậu muốn biết, người sinh ra mình là ai, hồi nhỏ mình ra sao, sinh sống ở đâu, tại sao mình lại bị bỏ rơi.
Theo những giấy tờ mà bà Cathy có được thì Nguyễn Đình Đông sinh lúc 0 giờ 30 phút ngày 4/2/2005 tại Trung tâm y tế huyện Hàm Tân với địa chỉ khi đó là số 4 Nguyễn Huệ - Tân An (Bình Thuận). Người mẹ khai tên là Nguyễn Thị Thu Hương, trú tại KP.2, thị xã Lagi.
Đình Đông chào đời nặng 4,2kg và được mẹ khai là con thứ 4 trong gia đình. Ngày 17/2/2005, cậu bé được nhận vào chăm sóc tại Khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tân An, thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, từng đó thông tin chưa đủ để gia đình bà Cathy tìm mẹ ruột cho con trai gốc Việt.
Một lần, khi cả gia đình cùng ngồi xem lại những bức hình chụp Đình Đông hồi nhỏ, họ chợt nhận ra, trong hàng chục tấm ảnh có một tấm ghi dãy số giống như số điện thoại. Gia đình bà Cathy hồi hộp gọi vào số điện thoại với hi vọng thuê bao này sau 10 năm vẫn còn hoạt động.
May mắn thay khi gọi điện, họ biết được chủ nhân số điện thoại là người phụ nữ tên Nhật. Bà Nhật chính là người từng làm việc tại khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi trước đây.
Ngày ấy, vì chăm sóc và coi Đình Đông như con ruột suốt một thời gian dài nên khi chia tay cậu bé, bà Nhật không khỏi nhớ thương.
Bà đã để lại số điện thoại hi vọng có ngày được gặp lại cậu bé mình yêu thương. Từ cơ duyên này, gia đình người Pháp đã bắt đầu hành trình về Việt Nam tìm lại mẹ đẻ cho con trai.
Ngày trở về Việt Nam sau 13 năm xa cách
Tháng 4/2023, gia đình bà Cathy quyết định sang Việt Nam tìm gặp nữ bảo mẫu. Họ thuê chị Nguyễn Hải Uyên (ở TPHCM) làm thông dịch viên.
"Dù đã hẹn nhau từ trước nhưng đến gần ngày gặp mặt, số điện thoại của bà Nhật bỗng nhiên tắt ngúm. Phía Pháp gọi điện sang cũng không liên lạc được mà tôi liên hệ cũng không thể kết nối. Chúng tôi không hiểu có chuyện gì xảy ra và lo lắng không thể gặp được nữ bảo mẫu đã nuôi cậu bé năm xưa", chị Hải Uyên kể.
Trước tình thế đó, chị Hải Uyên đã quyết định tới Bình Thuận trước một ngày. Vì trước đó đã hỏi được địa chỉ nhà bà Nhật nên chị Uyên đã tự dò đường tìm tới.
Khi thấy có người tìm đến nhà, bà Nhật mừng phát khóc và cho biết, thuê bao của bà bị khóa vì đi Hàn Quốc thăm con quá lâu. Bà lại không nhớ được các số điện thoại đã gọi cho mình nên chỉ sợ cuộc hẹn bị đổ bể.
Một ngày sau, bà Nhật đã được gặp lại cậu bé mình chăm sóc suốt mấy năm đầu đời. Dù đã xa cách nhiều năm và ký ức có phần nhạt nhòa đi nhiều nhưng khi gặp lại người bảo mẫu năm xưa, Đình Đông vẫn cảm nhận được một tình cảm đặc biệt.
"Cậu bé gọi bà Nhật là "mẹ" và liên tục hỏi về những chuyện của mình ngày xưa. Cuộc gặp gỡ này càng thôi thúc Đình Đông tìm gia đình của mình", chị Uyên nhớ lại.
Sau đó, gia đình bà Cathy tiếp tục tìm đến vị giám đốc trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trước đây. Vị giám đốc xác nhận, bà Nhật từng là bảo mẫu chăm sóc Đình Đông suốt một thời gian dài. Đình Đông khi đó coi nữ bảo mẫu như mẹ của mình, thường xuyên theo bà về nhà ngủ, cứ thấy bà Nhật tan làm là lại đòi đi theo.
Từ cuộc gặp gỡ thân tình, bà mẹ Pháp luôn thể hiện sự biết ơn với những người đã chăm sóc cậu con trai gốc Việt những năm tháng non nớt, bơ vơ. Qua đó, bà cũng thể hiện mong muốn được các cá nhân và tổ chức giúp đỡ tìm lại mẹ cho con mình.
Bà Cathy chia sẻ: "Matis là một người nhạy cảm, ham học hỏi và chăm chỉ. Đặc biệt, con rất yêu thương ba mẹ, anh trai và chị gái của mình. Điều khiếm khuyết duy nhất trong tâm hồn Matis chính là cội nguồn. Con muốn tìm lại gia đình ruột thịt của mình để có sự bình an trong lòng".
Người mẹ Pháp nghẹn ngào gửi đôi lời nhắn nhủ đến mẹ đẻ của Matis và hy vọng bà có thể đọc được trên Dân trí rằng: "Tôi luôn biết ơn chị vì đã sinh ra Matis.
Chị yên tâm, Matis đang rất hạnh phúc, chúng tôi cũng yêu con hết lòng. Tôi biết rằng, phải có một lý do, một khó khăn nào đó, chị mới không thể tiếp tục nuôi con".
Chia sẻ về hành trình tìm người mẹ "Nguyễn Thị Thu Hương" cho cậu bé Việt, chị Hải Uyên - người dành nhiều tháng qua hỗ trợ bà Cathy - cho biết, họ đã tìm được một số người tên Hương và cũng cho con trong năm đó nhưng các thông tin khác thì lại không trùng khớp.
Người phụ trách địa bàn "KP.2, thị xã Lagi" thời điểm đó cũng cho biết, khu phố này rất nhỏ và không có người phụ nữ nào tên như vậy.
Dù đã rất nỗ lực tìm kiếm nhưng tới nay gia đình bà Cathy vẫn chưa có tin tức gì khả quan. Tuy nhiên, người phụ nữ Pháp quyết không bỏ cuộc và hy vọng sẽ có phép màu trên hành trình tìm về cội nguồn của con trai mình.
Ai có thông tin về mẹ ruột của Matis Ding Dong Cauchy có thể liên hệ với chị Nguyễn Hải Uyên qua số điện thoại: 033 766 1081. Gia đình vô cùng biết ơn.